
Ngắm trăng sao ở mũi Đại Lãnh
Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi Mũi Đôi (Khánh Hòa) hay Mũi Đại Lãnh (Phú Yên) mới thực sự là điểm cực Đông, đối với tôi đích điều quan trọng là sự trải nghiệm trên mỗi cung đường và mỗi điểm đặt chân. Chúng tôi đã chọn cung đường chinh phục cả hai điểm Mũi Đôi và Mũi Đại Lãnh.
Với mong muốn đón ánh bình minh, chúng tôi đến Tuy Hòa trước để xuất phát đi bãi Môn - mũi Đại Lãnh từ tờ mờ sáng. Bãi Môn với những con sóng bạc đầu ì oạp vỗ bờ rực trắng trong đêm. Phải leo các bậc thang dưới trời đêm sáng rọi trăng sao mới đến được mũi Rạng Đông, nơi có cột mốc Hải đăng Đại Lãnh. Khoảng 5h00 chúng tôi lên tới cột mốc mũi Đại Lãnh, nằm ngắm trăng sao, đợi bình minh lên. Một cảm giác vô cùng lạ và thi vị! Gió biển vẫn lồng lộng thổi, tiếng sóng biển vỗ bờ đá như bản nhạc nước du dương, xa xa vẫn chỉ có ánh sáng mờ ảo chớp tắt của ngọn đèn hải đăng mũi Đại Lãnh. Và rồi, trời hừng sáng, ánh bình minh bắt đầu lan tỏa mặt biển và đất trời vào thời khắc ngày mới. Sau khi ngắm ánh bình minh rạng dần trên mặt biển bao la, quay đầu là ngọn hải đăng Đại Lãnh, ngoảnh sang là bãi Môn cát trắng mịn hiện dần trong ánh nắng sớm, chúng tôi khởi hành đi Đầm Môn để đến với Mũi Đôi - điểm cực Đông ở Khánh Hòa.
Vượt ghềnh đá chạm Mũi Đôi
Hành trình đến với Mũi Đôi có nhiều thử thách và gian nan nhất với cả đoàn chúng tôi. Muốn tới Mũi Đôi phải trải qua rất nhiều địa hình, từ sa mạc cát, rừng và ghềnh đá. Qua khỏi đồn biên phòng Đầm Môn, đoạn đường trêm 12km tới Mũi Đôi là chặng đường gian nan nhất! Đầu tiên là thử thách với vượt sa mạc cát ven biển nhiều đoạn cát lún, cảm giác chân rất mỏi, nhưng bù lại là bức tranh phong cảnh quá đẹp, khiến chúng tôi dành nhiều thời gian để ngắm và chụp ảnh giữa trưa nắng thiêu đốt.
Hết sa mạc cát là đến đoạn đường rừng. Rừng ở đây không khó leo như Fansipan hay A Pa Chải nhưng cũng không hề dễ chút nào. Lối đi nhỏ hẹp, hầu như ít có chỗ vịn hay chỗ bám. Men theo con đường mòn đi thẳng thì gặp một khu rừng già âm u, không khí rất mát mẻ. Từ đồi này nhìn sang đồi bên kia, một màu xanh ngắt. Sau khoảng 6 tiếng đồng hồ vật lộn với đất, cát và đá, hạnh phúc lộ rõ trên từng khuôn mặt các thành viên đến được bãi Rạng vào khoảng 4 giờ chiều, dừng chân cắm trại để nghỉ qua đêm. Nơi đây cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, một bên là núi với những tảng đá to, rừng cây trùng điệp, một bên là biển cả mênh mông, bãi cát trắng mịn...

Hôm sau, trăng vẫn sáng vằng vặc trên cao, chúng tôi đã bắt đầu hành trình nhảy ghềnh đá ra điểm cực Đông đón ánh mặt trời đầu tiên của Tổ quốc. Qua một đoạn đường mòn rừng khá bằng phẳng, đến đoạn ghềnh toàn đá tảng to. Chặng đường cuối cùng ra Mũi Đôi toàn là đá, đá to, đá bé, cả những tảng đá khổng lồ cao hàng chục mét. Thi thoảng gặp những tảng đá lớn đè lên nhau tạo ra những khe đá rất hẹp chỉ đủ cho từng người một chui qua. Với tôi đây là chặng khó nhất, tuy không mất nhiều sức nhưng thật sự hiểm trở, chỉ cần một sơ suất nhỏ thì rất dễ bị trượt ngã xuống vực đá. Đoạn đường chinh phục đến đây chưa kết thúc dễ dàng, leo tầm 1 tiếng, phải trèo lên mỏm đá cao gần 3m bằng dây thừng hoặc thang dây để chạm vào cột mốc Mũi Đôi. Sóng đánh rất lớn, có lúc đánh qua cả đỉnh. Nhiều người đã bỏ cuộc ở chặng cuối cùng này, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm leo lên đỉnh... Trời hửng sáng dần, bao nhiêu mệt mỏi, sợ hãi dường như tan biến hết, chỉ còn lại những ánh mắt rạng ngời hạnh phúc khi đến được đích. Cảm giác không gì tuyệt vời và ý nghĩa khi đứng trên Mũi Đôi, cùng nhau hát quốc ca, chụp ảnh lưu niệm giữa trời và biển, gió thổi lồng lộng ngắm nhìn thiên nhiên tươi đẹp và thật hùng vĩ. Đẹp quá Tổ quốc ơi!
Trải nghiệm đi thuyền thúng trên biển
Trở về, có hai lựa chọn một là theo đường bộ, hai là đi tàu đỡ một đoạn đường rừng. Sau khi đã vượt qua các thử thách sa mạc, đường rừng, nhảy đá, chúng tôi lại thêm một thử thách nữa, đi thuyền thúng từ bờ để ra đến tàu đỗ ngoài xa. Để lên được thuyền thúng cần giữ được thăng bằng trước những cơn sóng dữ làm thuyền chao đảo, tránh rơi xuống biển có đá ngầm nguy hiểm. Lên tàu khoảng 2 tiếng chúng tôi lại lên thuyền thúng di chuyển vào bờ bãi Na. Một con sóng to bất chợt trùm cả lên thuyền thúng khiến cả đội ướt sũng, chỉ lo cho máy ảnh, điện thoại mặc dù đã bọc nhiều lớp trong ba lô. Bãi Na là một bãi biển đẹp và hoang sơ, nước biển trong xanh với bãi cát vàng mịn lấp lánh trải dài. Chúng tôi bắt đầu cho hành trình 1 tiếng rưỡi từ bãi Na vượt đồi cát trắng trở về.
Trở lại Đầm Môn, chúng tôi chia tay nhau tại con đường huyền thoại, tỏa ra tiếp tục hành trình của mình, có nhóm về Nha Trang để khám phá thành phố biển xinh đẹp, còn chúng tôi lên tàu ra đảo Điệp Sơn - một dãy gồm ba hòn đảo nhỏ nằm trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Hòn đảo với nét đẹp hoang sơ nổi tiếng cùng con đường thủy đạo độc đáo dài khoảng 700m bắc ngang đại dương này đang là điểm đến “gây sốt” với nhiều trải nghiệm bất ngờ và lý thú.
Thông tin cho du khách:
* Trước khi chinh phục cực Đông ở Mũi Đôi (Khánh Hòa), bạn nên tham khảo kỹ thông tin để có sự chuẩn bị đầy đủ, bởi chuyến đi có nhiều gian nan, vất vả, đôi lúc cần sự dũng cảm. Bạn nên rèn luyện sức khỏe trước chuyến đi, những bạn có tiền sử bệnh tim, cao huyết áp không nên tham gia.
* Cần đem theo vật dụng cá nhân cần thiết: đèn pin để đi rừng đêm (loại đội đầu là tốt nhất), lều, áo tránh nắng, giày leo núi chống trơn trượt, ba lô loại tốt để tránh đau vai khi di chuyển đường xa (5-7kg), đồ bơi… |
Hạ Tinh
Tạp chí Du lịch