Tận hưởng cảm giác tuyệt vời
Chúng tôi xuất phát từ Hà Nội lên điểm bay Hòa Bình vào lúc trời tờ mờ sáng. Đây là lần đầu tiên các thành viên trong đoàn trải nghiệm cùng dù lượn nên ai nấy đều có chung một cảm giác hết sức khó tả, vừa hồi hộp, lo lắng xen lẫn phấn khích. Đoán được tâm lý, người phi công hướng dẫn chia sẻ những câu chuyện thú vị về những chuyến bay mà anh đã hướng dẫn, về những mốc kỷ lục của dù lượn được thiết lập khiến sự hào hứng tăng dần. Sự lo lắng tan biến hết khi radio trên xe thông báo tình hình thời tiết “rất đẹp trời”.

Chiếc ô tô từ từ leo qua con đường gồ ghề đầy những hộc đá lớn để lên tới đỉnh ngọn núi cao trên 600m. Xe dừng lại ở một khoảng đất bằng phẳng cách điểm bay chừng 100m, những chiếc balo chở dù được dỡ xuống. Mỗi balo khoảng 18 - 20kg với dù và đai dù lớn vậy mà các phi công đeo lên vai phăng phăng đi lên điểm xuất phát.
Một bộ dù đầy đủ bao gồm vòm dù, đai ngồi, mũ bảo hiểm, giày cao cổ, găng tay, đệm bảo hiểm ống chân, tay. Khác với dù nhảy từ máy bay hay dù kéo, dù lượn cất cánh bằng chân nên không có vấn đề bung dù gây một cú sốc mạnh cho người chơi hay rơi theo chiều thẳng đứng như dù nhảy từ máy bay.
Khâu chuẩn bị được triển khai, mũ bảo hiểm, đai an toàn được các phi công đeo đầy đủ, kiểm tra từng chi tiết nhỏ nhất, hướng dẫn các động tác cơ bản và các ký hiệu cần thiết khi đang bay và lúc sắp hạ cánh. Chúng tôi như nuốt từng chữ không bỏ qua chi tiết nào, vì đây là một môn thể thao mạo hiểm thực sự mà chỉ một lơ đễnh nhỏ là có thể gặp nguy hiểm.
Theo chỉ dẫn, tôi bước ra vách núi. Kiểm tra lại lần cuối các chốt nối, người phi công không quên dặn dò, trấn an tinh thần, sự háo hức pha lẫn hồi hộp làm tim tôi đập nhanh. Thời gian chờ gió và điều kiện thuận lợi để xuất phát là khoảng thời gian im lặng khiến tôi căng thẳng nhất.
“Chạy!” Tiếng hô vừa dứt, tôi chạy thẳng ra vách núi. Chạy vài bước chiếc dù đã nhấc bổng tôi lên, cảm giác lơ lửng. Tôi đang bay. Chưa bao giờ tôi được chứng kiến sức mạnh của gió đến thế, cánh dù chao đảo nhưng chỉ vài thao tác của người phi công chiếc dù đã lấy lại độ cao, bắt đầu chao lượn. Cảm giác lơ lửng trên không trung thật khó tả bằng lời, bầu trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ, cánh đồng phía dưới như được chia thành từng ô nhỏ gọn gàng. Nhắm mắt lại để tận hưởng cái không khí tuyệt vời đó, mọi lo toan thường nhật tan biến hết. Giờ đây chỉ có tôi với khoảng trời bao la, phóng khoáng. Gió mát lạnh, người bay bổng, lâng lâng với nhiều cảm xúc mà tôi sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời.

Thời gian bay đã hết, bãi đáp đã ngay trước mặt, tôi hạ cánh an toàn với cú đáp “không thể hoàn hảo hơn”, kết thúc hành trình trải nghiệm thú vị.
Thú chơi cầu kỳ
Chơi dù lượn đòi hỏi sự cầu kỳ. Người chơi phải am hiểu về thời tiết, địa hình, nguyên lý khí động học, thông thạo hướng gió. Những người lần đầu tập bay sẽ phải tuân thủ hoàn toàn những chỉ dẫn từ các huấn luyện viên trên núi và dưới đất.
Thời tiết là yếu tố quyết định. Không phải cứ có dù là lượn được, mà chơi dù lượn cũng phải “trông trời, trông đất, trông mây; trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Nhiều hôm đi đến nơi, thấy gió xấu lại ngậm ngùi đi về. Các thành viên câu lạc bộ dù lượn hay nói đùa rằng họ là những người “phải gió”, vì cứ mỗi lần nhận được thông báo “thời tiết đẹp đấy” là sẵn sàng lên đường.
Địa điểm bay dù lượn cần địa hình vừa có núi có độ dốc vừa phải, vừa có khoảng rộng bằng phẳng và quan trọng nhất là không có chướng ngại vật xung quanh (cây cối, nhà cửa, cột điện…). Người chơi dù lượn phải tùy từng địa điểm mà mỗi hành trình xuất phát chọn cung đường đi và thời gian hợp lý. Mùa bay chủ đạo ở miền Bắc từ tháng 12 tới tháng 4. Mỗi cá nhân cần chuẩn bị kỹ lưỡng rất nhiều từ hôm trước khi đi, từ dù đến trang phục, đồ đạc… Cũng cần nói thêm đây là môn thể thao khá tốn kém, một bộ trang bị đầy đủ có giá từ 1.500 - 2.000USD, nhưng để được trải nghiệm cảm giác bay lượn “như chim” lại có thể chơi nhiều lần thì khoản đầu tư này là tương xứng.
Sau khi lơ lửng trên trời thì tiếp đất là phần khó nhất trong chuyến bay, hạ cánh đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo của người chơi. Có hai cách hạ cánh, thường thì dưới bãi cỏ, khó hơn và nguy hiểm hơn là hạ cánh trên đỉnh núi. Những tay chơi dù lượn ai cũng muốn ít nhất được có một lần thành công pha hạ cánh táo bạo này.
Dù lượn ngày càng thu hút được nhiều người tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ. Đây là môn thể thao mạo hiểm nhưng thú vị, có thể cải thiện sức khỏe qua việc leo núi và rèn luyện cơ thể thích hợp với thay đổi độ cao.
Và tất nhiên cũng như một môn học, kỹ năng của mỗi người là khác nhau. Có người chỉ sau 10 giờ đã có thể tự “bay”, nhưng cũng có người học đến 3 tháng vẫn chưa thể tự bay đơn. Với người chơi dù lượn, chỉ sơ xẩy, mất tập trung là cả người và dù có thể va vào lùm cây, vách đá, do đó người chơi tự rèn cho mình sự tập trung, chính xác, bình tĩnh xử lý tình huống. Dù lượn là một môn thể thao thú vị, rất hữu ích cho việc cải thiện sức khỏe cũng như giảm stress trong cuộc sống, chắc chắn sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm thật thú vị và khó quên.
Một vài điểm bay
- Miền Bắc có một số điểm được Bộ Quốc phòng cho phép hoạt động bay dù bao gồm: núi Viên Nam (thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội) độ cao khoảng 500m; đồi Bù (Lương Sơn, Hòa Bình) cao 800m, nằm cách Viên Nam chừng 20km, với địa hình thoai thoải, phong cảnh đẹp; núi Linh Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), Mù Cang Chải (Yên Bái).
- Miền Trung và miền Nam có Sơn Trà (Đà Nẵng), Phan Thiết (Bình Thuận) và một số điểm bay khác đang trong quá trình hoàn thiện để đưa vào hoạt động. |
Minh Tú
Tạp chí Du lịch