Nghệ thuật công cộng tại các điểm du lịch ở Việt Nam - Nghiên cứu trường hợp thành phố Hà Nội
Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước. Hiện nay, Hà Nội là môt trong những đô thị phát triển mạnh mẽ nhất và có nhiều cơ hội tiếp xúc, giao lưu với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên cho đến nay, nghệ thuật công cộng ở Hà Nội vẫn chưa khai thác được những giá trị vốn có, chưa thực sự là nhân tố trong phát triển du lịch. So sánh với các đô thị lớn ở các quốc gia trên thế giới, nghệ thuật công cộng có thể thay đổi số phận của cả một khu vực đô thị, chính là nhờ lượng khách du lịch tới đó để chiêm ngưỡng các tác phẩm và chụp ảnh cùng chúng. Chẳng hạn, tác phẩm Waterfall của New York với số tiền đầu tư hơn 15,5 triệu USD nhưng đã mang lại cho Thành phố 69 triệu USD chỉ sau bốn tháng trưng bày. Vấn đề đặt ra là cần có những nghiên cứu cả lý luận cũng như thực tiễn để xây dựng những giải pháp cho Thủ đô Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn trong cả nước nói chung trong kiến tạo nghệ thuật công cộng góp phần phát triển, kích cầu du lịch.
Mối quan hệ giữa nghệ thuật công cộng với các điểm đến tại Hà Nội
Hà Nội là một thủ đô thuộc loại lớn trên thế giới, với tổng diện tích 3.344,6 km2, gồm 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện (Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050). Cũng như các đô thị ở Việt Nam, cấu trúc không gian đô thị ở Hà Nội có sự thay đổi lớn trong những năm gần đây. Thành phố luôn ưu tiên dành không gian cho quảng trường, vườn hoa. Tùy theo mỗi không gian mà thiết kế nghệ thuật công cộng, phương án nghệ thuật công cộng thường không chắc chắn, không cố định và có thể thay đổi kể cả sau khi đã được hoàn thiện. Tại Hà Nội, ngoài quy hoạch và kiến trúc, tiếng nói chuyên môn của chuyên gia trong các ngành khác gần như không được chú ý đến; tầm quan trọng của lịch sử, văn hóa và của di sản vẫn còn thiếu nhất quán. Đây là bài toán khó cho các họa sĩ và nhà điêu khắc khi tiến hành các dự án nghệ thuật công cộng.
Nghệ thuật thiết kế khu vực công cộng và quảng cáo: Nếu như trước đây, đường phố Hà Nội tràn ngập tranh cổ động thì nay lại tràn ngập các tấm biển quảng cáo. Sự xuất hiện nghệ thuật thương mại khắp các không gian công cộng ở Hà Nội, xét trên phương diện xã hội, đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo của đô thị, tạo cảm giác đô thị hóa, hiện đại hóa cho từng dãy phố, từng con đường và từng ngôi nhà. Tuy nhiên, do có nhiều quảng cáo chỉ chú trọng đến mục đích thương mại đã làm phá vỡ cả cảnh quan không gian. Do vậy, Hà Nội cần có sự chuyên nghiệp trong việc bài trí quảng cáo. Mỗi khu vực kinh doanh cần có đặc thù riêng mà trong đó nghệ thuật công cộng có cơ hội tham gia một cách tích cực và toàn diện. Điều này sẽ kích thích thị hiếu, níu kéo khách hàng, trải nghiệm sản phẩm và hưởng thụ văn hóa trong tiêu dùng.
Nghệ thuật tranh, tượng, trang trí đường phố: Mặc dù rất quan tâm đến sự phát triển các lễ hội đường phố như ca nhạc, lễ hội hoa… nhưng Hà Nội lại gần như lãng quên sự phát triển của tranh, tượng đường phố. Ngoại trừ bức phù điêu Hà Nội mùa Đông năm 1946 (tác giả Nguyễn Chi Lăng) đúc bằng đồng, được cài đặt trước cửa chợ Đồng Xuân vào cuối năm 2004, thì cho mãi đến năm 2010, nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội mới xuất hiện thêm bức tranh gốm mang tên Con đường gốm sứ (tác giả Nguyễn Thu Thủy). Với 21 trường đoạn chủ đề, bức tranh gốm đã mô tả được hầu hết những di tích, hiện vật, biểu trưng, địa danh tiêu biểu nhất của thủ đô Hà Nội. Vì thế, ngay sau khi xuất hiện, nó đã được xem như là một biểu tượng mới của Hà Nội, nơi phô diễn khá đầy đủ những sắc thái đặc sắc của Hà Nội trong quá khứ và hiện tại. Tuy nhiên, do được thiết kế bên sườn đê, không có đủ một không gian thuận lợi để ngắm nhìn và thưởng thức, vì thế Con đường gốm sứ đã nhanh chóng xuống cấp.
Hà Nội cũng xuất hiện khá nhiều các tác phẩm nghệ thuật công cộng nửa đường phố do vị trí của chúng đặt trong không gian của đơn vị, cơ quan. Những tác phẩm này có mối liên hệ mật thiết với kiến trúc công cộng, tạo thành nghệ thuật nửa đường phố, làm đẹp mỹ quan thông qua các hình thức nghệ thuật như hình vẽ bên ngoài một số các trường mẫu giáo ở Hà Nội (Trường Mẫu giáo 20 tháng 10 ở Phố Thợ Nhuộm); những bức phù điêu bên ngoài Đại sứ quán Iran ở phố Quang Trung; những bức tranh xung quanh Đại sứ quán Đức ở Phố Trần Phú…
Nghệ thuật công cộng ở quảng trường: Hà Nội có nhiều loại quảng trường như Ba Đình; Cách mạng Tháng 8, Tứ Mã – Royal City... Có khá nhiều quảng trường chỉ chú trọng đến chức năng hiện đại của không gian công cộng đô thị mà lãng quên tinh thần và ý nghĩa, bản sắc riêng của đô thị. Quảng trường Tứ Mã - Royal City là một ví dụ. Quảng trường với quần thể điêu khắc theo phong cách châu Âu, rộng gần 30.000m2, có tỷ lệ hài hòa với kiến trúc hiện đại và trung tâm thương mại đồ sộ nhưng sắc thái Hà Nội hầu như không tìm thấy ở quảng trường này.
Nghệ thuật công cộng ở các vườn hoa, công viên, di tích và khuôn viên công trình công cộng: Hầu như trong bất cứ công viên, vườn hoa khu di tích nào của Hà Nội, người ta cũng thấy sự xuất hiện của tượng đài và những điêu khắc ngoài trời. Chẳng hạn như tượng đài Lê Nin, tượng đài vua Lý Thái Tổ ở vườn hoa Lý Thái Tổ, tượng đài Chiến thắng Ngọc Hồi ở vườn hoa Ngọc Hồi… Tượng đài là hình thức nghệ thuật công cộng nhấn mạnh đặc điểm chính trị, lịch sử, văn hóa của khu vực nhưng Hà Nội lại rất ít sử dụng tượng đài để nhấn mạnh đặc tính của các quảng trường. Hơn nữa, tượng đài Hà Nội hiện nay dù là những tác phẩm nghệ thuật, truyền tải được phần nào những thông điệp văn hóa, lịch sử và tạo ra những không gian văn hóa cho Thủ đô nhưng xét về đề tài thì vẫn còn rất đơn điệu, phần lớn chưa có sự kết hợp hài hòa với môi trường xung quanh.
Năm 2004, Hà Nội triển khai dự án vườn tượng xung quanh Bờ Hồ. Đây cũng có thể được xem là một dự án nghệ thuật công cộng đầu tiên của Thành phố. Với 47 tác phẩm điêu khắc của 38 tác giả được làm từ các chất liệu bê tông, đồng, đá,..., lần đầu tiên người Hà Nội và du khách đến thăm Hà Nội đã có thể dừng chân bên Hồ Gươm để chiêm ngưỡng nghệ thuật. Tuy nhiên, các tác phẩm ở đây vẫn theo phong cách nghệ thuật khán phòng nên không thể thích nghi với không gian rộng lớn, tự do bên ngoài. Đồng thời, do ý thức, đến nay hầu hết các điêu khắc đều không còn.
Một số đề xuất kết hợp nghệ thuật công cộng với việc kiến tạo điểm đến tại Hà Nội và Việt Nam
Qua nghiên cứu cho thấy, nghệ thuật công cộng ở Hà Nội rất ít có sự tham gia kiến tạo điểm đến du lịch. Sự ra đời của các loại hình nghệ thuật này dường như mới chỉ đáp ứng được yêu cầu “phải có” tối thiểu của một không gian công cộng trong đô thị chứ chưa vượt qua được sự thay đổi về chất, mang lại những giá trị “đột biến triệu đô” như tác phẩm Waterfallcủa New York. Chúng tôi tiến hành khảo sát các trang web tìm hiểu về tour du lịch đến Hà Nội, theo lịch trình các công ty lữ hành đưa ra hầu như vắng bóng điểm đến tham quan là các khu trưng bày nghệ thuật công cộng. Nguyên nhân được cho là bản thân nghệ thuật công cộng ở Hà Nội chưa có nhiều công trình thực sự có sức hút, thực sự “có giá” trong mắt của khách du lịch. Ngoài ra, cách thức quản lý nghệ thuật công cộng ở Hà Nội cũng còn nhiều hạn chế. Sự liên kết giữa cơ quan quản lý nghệ thuật công cộng với công ty du lịch chưa tạo sự liên thông; cách làm của một số công ty du lịch vẫn còn nhỏ lẻ. Tất cả những hạn chế, bất cập này chưa tạo được bệ phóng cho nghệ thuật công cộng và du lịch ở Hà Nội cùng cất cánh.
Từ thực tiễn nghệ thuật công cộng ở Hà Nội, qua tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trong việc kết nối giữa nghệ thuật công cộng với ngành công nghiệp không khói, nghiên cứu đưa ra một số đề xuất gợi mở như sau:
Thứ nhất, để thu hút, tạo dấu ấn với khách du lịch, Hà Nội cần phát triển nghệ thuật công cộng theo xu hướng “trở về với tự nhiên” với những dự án không gian công cộng xanh trong bối cảnh đô thị hóa. Thực chất của xu hướng này là phát triển các dự án nghệ thuật công cộng môi trường (environmental public art) hay còn được gọi là nghệ thuật địa hình (land art) hoặc là điêu khắc xã hội (social sculpture), điêu khắc không gian (space sculpture). Ở các quốc gia trên thế giới, người ta thường xây dựng các loại hình bảo tàng ngoài trời (outdoor museum). Thủ đô Hà Nội hoàn toàn có thể phát triển nghệ thuật điêu khắc xã hội tại các vành đai xanh dọc sông Nhuệ và các vùng đệm nối các khu đô thị mới, dọc phía Đông tuyến đường vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng. Một trong những đặc trưng tự nhiên của không gian đô thị Hà Nội là sự tồn tại của hàng loạt các hồ, ao lớn nhỏ như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Bảy Mẫu,... Không gian mặt nước ở Hà Nội luôn là nơi được người dân yêu mến bởi chúng là hiện thân của vẻ đẹp tự nhiên, dễ tiếp cận và mang những ý nghĩa văn hóa và lịch sử khác nhau. Hà Nội có thể tiến hành các dự án nghệ thuật điêu khắc xã hội, điêu khắc không gian để làm tăng ý nghĩa của mỗi hồ. Nếu thực hiện được, những tour du lịch khám phá nghệ thuật công cộng sông hồ sẽ trở thành nét đặc sắc cho Du lịch Hà Nội.
Thứ hai, thực hiện xã hội hóa đầu tư cho nghệ thuật công cộng và thực hiện liên kết giữa cơ quan quản lý nghệ thuật công cộng với công ty du lịch. Cần đưa kinh tế tư nhân vào các dự án nghệ thuật công cộng với sự quản lý và hướng dẫn của chính quyền, khuyến khích tư nhân xây dựng các khu vực hội chợ nghệ thuật như Art Fair ở chợ Hàng Da, Hà Nội Design Centre ở 91 Âu Cơ, các dự án trang hoàng các đường phố, dự án chiếu sáng nghệ thuật ở khu vực trung tâm và trên các cây cầu như Long Biên hay Nhật Tân nhằm thu hút khách tham quan du lịch bằng văn hóa nghệ thuật. Sở dĩ cần xã hội hóa, bởi nếu hướng cho tư nhân dùng văn hóa nghệ thuật vào mục đích kinh doanh, chắc chắn nghệ thuật công cộng Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Đồng thời, cần xây dựng chuỗi liên kết giữa cơ quan quản lý nghệ thuật công cộng với công ty du lịch để xây dựng những tour du lịch gắn với việc tham quan nghệ thuật công cộng. Nếu chuỗi liên kết này thực hiện được sẽ tạo ra nhiều giá trị cho Hà Nội, không chỉ tạo nguồn thu cho doanh nghiệp du lịch mà còn cho chính cư dân sống xung quanh nơi nghệ thuật công cộng đặt nhờ những dịch vụ đi kèm. Đây cũng là cách hiệu quả để quảng bá văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
Thứ ba, đưa nghệ thuật công cộng vào quy hoạch của đô thị. Ở Hà Nội hiện nay, tại các khu đô thị mới, nhiều chủ đầu tư đã giảm đến mức thấp nhất đất dành cho sân chơi và cây xanh, thảm cỏ… Vì vậy, việc đưa nghệ thuật công cộng vào qui hoạch đô thị phần nào sẽ giúp cho nghệ thuật công cộng có vị thế xã hội hơn, đồng thời cũng tạo cơ hội cho những người dân sống cận kề với tác phẩm, trong vai trò là những chủ nhân sẽ có ý thức bảo vệ công trình nghệ thuật thuộc nơi chốn của họ.
Thứ tư, chú trọng giáo dục nghệ thuật và ý thức bảo vệ nghệ thuật công cộng trong công chúng. Hà Nội cần xây dựng những không gian công cộng đẹp, mang giá trị giáo dục tinh thần đến với mọi người dân. Nhiều tác phẩm nghệ thuật công cộng ở Hà Nội, đặc biệt là Con đường gốm sứ đang bị xuống cấp trầm trọng. Vì vậy, nghệ thuật công cộng rất cần ý thức tôn trọng và bảo vệ từ phía nhân dân và chính quyền. Nếu người dân được giáo dục ý thức tự quản và khi họ thực sự cảm nhận được không gian công cộng cũng như nghệ thuật công cộng là một phần tinh thần thì khi đó ý thức tự quản đô thị được củng cố và phát huy, sẽ không còn hành vi vô ý thức đập phá, làm bậy đối với các công trình nghệ thuật công cộng.
Hà Nội cũng như các đô thị khác ở Việt Nam đều đang trong giai đoạn phát triển. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển được du lịch nhưng vẫn đảm bảo cho nghệ thuật công cộng ở Hà Nội giữ được nét hào hoa thanh lịch? Điều này cần có sự chung tay góp sức không chỉ của các cấp chính quyền, người dân mà còn ở chính khách du lịch. Có thể những giải pháp mà nghiên cứu đưa ra chưa thể thực hiện ngay hôm nay nhưng nó sẽ góp phần định hướng cho chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thiết Cương (2018), “Nghệ thuật công cộng - Quy chế và bản sắc”, Tạp chí Kiến trúc thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam, số 5 năm 2018, tr.2.
2. Tạ Anh Dũng (2018), “Thành phố sáng tạo và nghệ thuật công cộng”, Tạp chí Kiến trúc thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam, số 5 năm 2018, tr.1.
3. Nguyễn Văn Dương (2013), “Mỹ thuật môi trường đô thị Thăng Long - Hà Nội”, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, tr.17.
4. Phương Huyên (2019), “Nghệ thuật công cộng - Nguồn thu bất tận của đô thị”, Tạp chí Phái đẹp Elle, tháng 9 năm 2019.
5. Thủ tướng Chính phủ Nước CHXHCNVN, Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050.
TS. Nguyễn Ngọc Dung
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)