Coi trọng phát triển ẩm thực đường phố
Ngay từ những năm 1970, chính phủ Singapore đã thành lập Trung tâm bán hàng rong (hawker center), đưa người bán hàng rong vào buôn bán ở những nơi cố định, tạo việc làm cho người dân và kiểm soát các hoạt động kinh doanh ẩm thực tốt hơn.
Chính phủ có những gói tài chính hỗ trợ người dân trong việc kinh doanh ẩm thực đường phố như gói tín dụng 12 triệu đô la Sing (năm 2007), nhằm hỗ trợ khởi nghiệp và giúp các doanh nghiệp ẩm thực vừa và nhỏ tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chi phí vận hành.
Với mục tiêu biến đảo quốc này thành điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới, Chính phủ Singapore tập trung vào công tác đào tạo đội ngũ chuyên gia về ẩm thực. Họ đã mời Viện Ẩm thực Mỹ mở chi nhánh quốc tế đầu tiên tại nước này nhằm giảng dạy cho học viên cách nấu món ăn cổ điển châu Âu, châu Á làm đa dạng hóa ẩm thực của quốc gia nhưng không làm mất đi hương vị truyền thống của địa phương.
Quy hoạch xây dựng các trung tâm ẩm thực đường phố
Singapore có diện tích chỉ hơn 700km2 với dân số gần 6 triệu người (năm 2021) nhưng có tới 114 trung tâm ẩm thực và khu vực ăn uống. Các trung tâm đều được quy hoạch một cách bài bản để giúp thực khách có thể thoải mái thưởng thức ẩm thực, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không làm mất mỹ quan đô thị trong đó phải kể đến các trung tâm ăn uống nổi tiếng như: trung tâm ẩm thực Serangoon Gardens, trung tâm ẩm thực Golden Mile, khu chợ Lau Pa Sat, East Coast Lagoon Food Village, Newton Food Centre, Maxwell Road Hawker Centre, Makansutra Gluttons Bay, Rasapura Masters Food Court, khu chợ đêm Chinatown, khu chợ mới Geylang Serai, trung tâm Singapore Food Trail…
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa ẩm thực đường phố
Vào năm 2016, Singapore thực hiện chiến dịch quảng bá ẩm thực toàn quốc với tên gọi Food Heroes. Hàng loạt chương trình truyền hình được ra đời nhằm giới thiệu về đầu bếp và người quản lý nhà hàng nổi tiếng tại những khu phố ẩm thực tên tuổi như Theatres on the Bay (Labyrinth - Han Li Gang), Orchard (dessertbar - Janice Wong), Botanic Gardens (Corner House - Jason Tan)… Đây là nơi các chuyên gia ẩm thực chia sẻ về nghề nghiệp cũng như công thức chế biến món ăn.
Bên cạnh đó, trang web chính thức visitsingapore.com thường xuyên đăng tải thông tin về các món ăn nổi tiếng, giới thiệu đầy đủ từ nguồn gốc hình thành, cách chế biến cho đến sự biến tấu của món ăn theo thời gian để phù hợp với khẩu vị và sở thích của người dân. Đây không chỉ là hình thức cung cấp thông tin về món ăn mà còn giúp khách du lịch hiểu sâu hơn về văn hóa của đất nước này. Ngoài ra, hàng năm Singapor liên tục quảng bá văn hóa ẩm thực đường phố thông qua các sự kiện lớn như Lễ hội ẩm thực Singapore, các cuộc thi chế biến món ăn nhằm giới thiệu văn hóa ẩm thực đường phố tới thực khách trên toàn thế giới.
Tại các sân bay, tập đoàn sân bay Changi (CAG) cũng ủng hộ văn hóa ẩm thực đường phố Singapore bằng cách cung cấp không gian truyền thông miễn phí tại các nhà ga.
Vào năm 2019, Google và Ủy ban Di sản quốc gia cùng một số cơ quan khác đã đưa ra một sáng kiến. Theo đó, 114 khu ăn uống bình dân được yêu thích ở Singapore được định vị trên Google Maps giúp mọi người dễ tìm kiếm nơi họ muốn trải nghiệm và khám phá. Tính đến đầu năm 2020, đã có 6.000 quầy trên 114 khu ăn uống bình dân đăng ký trên ứng dụng Google My Business. Điều này giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm, tương tác với gian hàng ẩm thực trực tuyến.
Hàng năm, Hiệp hội Nhà hàng Singapore đều tổ chức các cuộc thi ẩm thực đường phố. Ngoài việc vinh danh người bán hàng ăn, khuyến khích người dân phát triển ẩm thực đường phố thì đây còn là dịp quảng bá những món ăn nổi tiếng của quốc gia.
Coi trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
Singapore coi vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề sống còn đối với hoạt động kinh doanh ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực đường phố. Để đảm bảo chất lượng ẩm thực và VSATTP, Chính phủ Singapore đã ban hành các luật, quy định như Luật Kinh doanh thực phẩm, Quy định về thực phẩm, môi trường, sức khỏe cộng đồng… Ngoài việc cung cấp các thông tin liên quan đến thực phẩm, giúp người dân đưa ra lựa chọn sáng suốt thì đạo luật còn có tính chất răn đe, ngăn chặn đối với các hành vi sai lệch liên quan đến vệ sinh thực phẩm đồng thời góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Quốc đảo này đã thành lập Cơ quan thực phẩm Singapore (SFA) chuyên biệt phụ trách việc cấp phép cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. SFA cũng quản lý các doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm, chẳng hạn như nhà hàng, quán cà phê, quán ăn nhẹ, siêu thị, toa xe thực phẩm di động và nhà cung cấp thực phẩm, lò mổ, kho lạnh bảo quản các sản phẩm thịt cá. Với tư cách là cơ quan quốc gia về an toàn thực phẩm ở Singapore, SFA đã thiết lập một hệ thống an toàn thực phẩm tích hợp một cách hiệu quả để đảm bảo thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Các cơ sở chế biến thực phẩm đều phải lắp đặt camera và buộc phải cung cấp mẫu thực phẩm nếu được yêu cầu để kiểm tra an toàn thực phẩm. Nếu các đơn vị kinh doanh không đảm bảo về sinh an toàn thực phẩm thì sẽ kiên quyết thu giấy phép kinh doanh.
Chính phủ Singapore ý thức được rằng, việc đảm bảo VSATTP không thể thiếu sự hợp tác với người dân. Qua các đợt kiểm tra, rà soát, cơ quan chuyên trách về VSATTP của Singapore sẽ đăng tải đánh giá về các cơ sở thực phẩm lên website một cách công khai, minh bạch để người dân tiện theo dõi. Đồng thời, đưa ra khuyến cáo người dân nên tránh xa thức ăn không rõ nguồn gốc, không nhãn mác…
Chú trọng đào tạo nhân sự kế nghiệp
Singapore cũng giống như các quốc gia khác đang đứng trước một thực trạng khiến việc gìn giữ di sản văn hóa ẩm thực đường phố trở thành một thách thức đó là vấn đề về lao động. Hầu hết những đầu bếp, chủ tiệm ăn đều là những người lớn tuổi, sắp về hưu trong khi công việc chế biến món ăn thì vất vả, đòi hỏi nhiều tâm huyết với nghề. Để văn hóa ẩm thực đường phố không bị mai một, Chính phủ Singapore đã có các giải pháp hỗ trợ như thành lập các dự án, các lớp đào tạo văn hóa di sản ẩm thực cho thanh niên, tuyên truyền niềm tự hào ẩm thực dân tộc tại các trường học, các trung tâm giáo dục của Singapore, từ đó nâng cao niềm tự hào dân tộc, khơi gợi niềm đam mê với ẩm thực ở giới trẻ. Đặc biệt, sau khi văn hóa ẩm thực đường phố Singapore (văn hóa Hawker) chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại (tháng 12/2020), cơ quan Môi trường quốc gia Singapore phát động ngay kế hoạch “Kế thừa ẩm thực đường phố” để những người bán hàng kỳ cựu chia sẻ và truyền đạt kỹ năng, công thức nấu ăn và kiến thức kinh doanh cho giới trẻ. Những người trẻ tham gia các khóa học sẽ được hỗ trợ học phí và nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí khi họ muốn mở quầy hàng thực phẩm, theo đuổi đam mê với ẩm thực.
Không chỉ thế, ẩm thực đường phố Singapore đã đạt được nhiều giải thưởng, trong đó phải kể đến giải thưởng Michelin, một trong những giải thưởng mơ ước của các nhà hàng, đầu bếp. Ẩm thực đường phố Singapore đã có mặt ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới với hàng loạt thương hiệu ẩm thực đường phố nổi tiếng như Chang Kee, Hawker Chan, Pezzo, Janice Wong, Mr Bean...
Tài liệu tham khảo:
1. https://singaporesensetravel.com/kham-pha-thien-duong-am-thuc-duongpho- o-singapore-n.html
2. https://khcncongthuong.vn/tin-tuc/t12812/quan-ly-chat-luong-va-antoan- thuc-pham-o-singapore.html .
3. https://thanhnien.vn/nguoi-dan-singapore-ho-tro-van-hoa-am-thuc-duongpho- post1027571.html
4. http://baovanhoa.vn/the-gioi/artmid/425/articleid/36512/singapore-no- luc-bao-ton160am-thuc-duong-pho.
ThS. Bùi Xuân Thắng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 3.2022)