Trong trái tim Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh, dường như luôn có một ngọn lửa nhỏ được đốt cháy cùng niềm đam mê không già đi theo năm tháng. Ngồi trò chuyện với chị một ngày xuân Đinh Hợi, tôi vẫn nhận thấy một Lê Khanh xinh đẹp, thông minh và nhạy cảm không khác là bao so với trên sân khấu.
* Sau danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, còn danh hiệu nào để cho chị tiếp tục phấn đấu?
- Đối với người làm nghệ thuật, danh hiệu không phải là đích đầu tiên và cuối cùng để hướng tới. Bản năng của họ là khao khát được hóa thân vào nhân vật, nói lên những điều ý nghĩa để tham gia cải thiện cuộc sống. Tôi không tin có ai mãn nguyện với những gì mình đang có. Ngay cả khi họ cảm thấy đã quá đủ đầy thì vẫn có một thứ luôn thiếu, đó là thời gian, vì thế người ta luôn khao khát… Bản thân tôi cảm thấy mình thiếu kiến thức, và thế là tôi đã đi học đạo diễn sân khấu. Tôi tự nguyện đưa mình về lại con số “không”.
* Vai diễn nào khiến chị tâm đắc nhất?
- Với tôi, vai diễn nào cũng rất tuyệt vời, không thể bóc tách những nhân vật có ảnh hưởng đặc biệt. Chỉ biết rằng gần 100 vai diễn cho đến giờ phút này đã tạo nên một nhân vật rõ ràng nhất, đó là chính tôi. Nhưng có lẽ vẫn phải kể đến ba nhân vật, đó là Đan Thiềm trong kịch “Vũ Như Tô” của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với câu nói: “Người có tài phải biết đem tài cống hiến cho non sông, không nên để mục nát với cây cỏ”; Lý Chiêu Hoàng trong “Rừng trúc” của cố nhà văn Nguyễn Đình Thi có câu nói ám ảnh: “Việc nước là lớn nhất, song, việc người với người không phải nhỏ hơn”; và mới đây nhất, Nô-ra trong “Nhà búp bê” của đại văn hào Henrich Ipxen (Nauy) nhắc nhở chúng ta: hãy biết yêu hết mình nhưng đừng để đánh mất mình… Tôi rất tin, nghệ sỹ được học từ chính những nhân vật của mình, họ “lớn lên” cùng nhân vật.
* Chị trải nghiệm cuộc sống và nuôi dưỡng cảm xúc như thế nào để luôn có được những vai diễn đầy thuyết phục?
- Ngoài tâm hồn nhạy cảm, dễ rung động thì sự quan sát, trải nghiệm cuộc sống là vô cùng quan trọng. Người nghệ sỹ trải nghiệm càng sâu sắc, càng không sợ các vai diễn bị nhàm chán, càng đến được với nhiều thể loại nhân vật khác nhau.
* Ngoài Lê Khanh chính kịch, khán giả còn biết đến một Lê Khanh hài kịch rất có duyên. Sao chị không đóng hài nhiều hơn để tìm sự cân bằng cho con người sân khấu của mình?
- Con người phải biết kiềm chế ham muốn, điều này nói thì dễ nhưng rất khó thực hiện vì bản năng mãnh liệt của nghệ sỹ là được xuất hiện trước công chúng, nếu không tỉnh táo thì dễ sa đà vào ước muốn mãnh liệt ấy, đến mức không còn nhận rõ khả năng của mình có đến đâu. Năm 2001, tôi khám phá ra khả năng diễn hài của mình, và cảm thấy được khán giả chấp nhận. Có gì vui hơn khi được mang tiếng cười phục vụ khán giả, nhưng tôi biết đó không phải là sở trường của mình.
* Nếu ai đó nói: Lê Khanh thành công là nhờ nhiều ở sắc đẹp trời phú, chị nghĩ sao?
- Thoáng nhìn thì tôi có đầy đủ điều kiện tốt như được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, may mắn được nhận nhiều vai diễn hay… Nhưng đó chỉ là cái bên ngoài dễ nhìn thấy, còn bên trong là cả một sự nỗ lực không ngừng. Nếu tôi không làm việc chăm chỉ, thì gia đình cũng không giúp đỡ gì được, nếu tôi không từng ngày từng giờ cảm nhận cuộc sống, con người một cách sâu sắc thì dù có xinh đẹp đến mấy cũng không diễn được quá 3 vai. Cái đẹp bên ngoài không phải là phương tiện đảm bảo cho sự nghiệp nghệ thuật của một nghệ sỹ.
* Bận rộn như thế, chị có thời gian để cùng gia đình đi du lịch?
- Cũng may, vì làm nghệ thuật nên chúng tôi được đi du lịch thường xuyên, được đến những nơi đẹp nhất, gặp rất nhiều người tốt yêu mến mình. Dần dần, niềm đam mê hưởng thụ cái đẹp trở thành nhu cầu tự nhiên và truyền sang cả các con; tôi nhớ đứa con 4 tuổi từng biết nhìn qua cửa kính ô tô kêu lên: “mẹ ơi, mây đẹp quá kìa!”. Chúng tôi không bao giờ bỏ qua cơ hội đi du lịch khi có điều kiện.
* Xin cảm ơn và chúc chị thành công! PHƯƠNG THẢO (thực hiện)