Ngoài ra, Thừa Thiên – Huế cũng có nhiều tài nguyên du lịch thiên nhiên nổi bật như Vườn quốc gia Bạch Mã và khu bảo tồn biển Sơn Trà, khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cửa sông Ô Lâu gắn với vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng 22.000ha lớn nhất Đông Nam Á... và nhiều tài nguyên văn hóa lịch sử độc đáo có giá trị cao, rất thuận lợi cho sự phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng hay du lịch thể thao, mạo hiểm...
So với các địa phương khác ở khu vực miền Trung, Thừa Thiên - Huế mà hạt nhân là TP. Huế đã thu hút được một số lượng khách du lịch vào loại lớn nhất (với tốc độ tăng trưởng bình quân hiện nay là từ 28 - 30%/năm), có hệ thống sản phẩm, cơ sở dịch vụ tương đối hoàn chỉnh. Cùng với nhịp độ phát triển của ngành Du lịch, thương hiệu Du lịch Huế cũng từng bước được hình thành, ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường du lịch và hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu mạnh của Du lịch Việt Nam.
Tiếng vang từ những thành công qua các kỳ tổ chức Festival Huế – Festival quốc gia mang tầm quốc tế, cũng như những nỗ lực trong việc khuếch trương thành phố du lịch Huế gắn với các Di sản Văn hoá thế giới cả vật thể và phi vật thể đã từng bước đưa TP. Huế thành một thương hiệu uy tín của Du lịch Thừa Thiên - Huế nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung.
HIỆU QUẢ ĐEM LẠI TỪ THƯƠNG HIỆU
Một là: Góp phần khai thác tốt hơn nguồn tài nguyên du lịch văn hoá hiện có của Thừa Thiên - Huế thúc đẩy du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn và tạo động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển. Hiện nay, khách du lịch đến Huế chỉ mới biết đến Di sản Văn hoá mà chủ yếu là các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, giá trị thương hiệu Huế chưa được đầu tư khai thác một cách có hệ thống với mục đích đem lại hiệu quả cao về kinh tế – xã hội cho địa phương.
Hai là: Thông qua xây dựng thương hiệu du lịch cố đô Huế gắn với các di sản văn hóa công tác xã hội hóa các hoạt động dịch vụ nhất là dịch vụ du lịch có điều kiện phát triển, người dân Huế sẽ tham gia tích cực các hoạt động kinh doanh dịch vụ như lưu trú trong nhà dân, du lịch nhà vườn, du lịch tham quan cố đô bằng xích lô du lịch (City tour), tham gia trực tiếp vào các lễ hội văn hóa dân gian… đặc biệt là thúc đẩy công tác xuất khẩu tại chỗ đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ, hàng hóa phục vụ tiêu dùng…
Ba là: Cùng với việc xây dựng và khuếch trương thương hiệu du lịch cố đô Huế, các cơ sở hạ tầng đô thị (hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc...) phục vụ du lịch được đầu tư nâng cấp, mở rộng hoặc được xây dựng mới hiện đại hơn, đồng bộ hơn, góp phần khơi thông luồng khách du lịch đến Huế và đưa Huế trở thành một thành phố du lịch đúng nghĩa. Đây là điều kiện hết sức quan trọng nâng cao sức cạnh tranh của Du lịch Thừa Thiên – Huế.
Bốn là: Thương hiệu Thành phố Du lịch Huế gắn với các Di sản Văn hoá thế giới sẽ góp phần tích cực không chỉ trong việc tạo dựng hình ảnh của Huế mà còn là của khu vực và Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế với tư cách là một thương hiệu du lịch ấn tượng, hấp dẫn, mang tính biểu trưng cho nền văn hóa Huế, góp phần nâng cao vị thế của Huế - một Di sản Văn hóa thế giới của nhân loại; đưa Thừa Thiên - Huế thực sự trở thành một trung tâm du lịch lớn của miền Trung và cả nước.
Năm là: Thương hiệu Thành phố Du lịch Huế gắn với các Di sản Văn hóa thế giới sẽ tạo cho ngành Du lịch cũng có thêm nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển: cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư tôn tạo nâng cấp mở rộng hơn; thúc đẩy các nhà đầu tư đến Huế... góp phần thực hiện mục tiêu của Ngành là tăng doanh thu, kéo dài ngày lưu trú của khách duy trì đà tăng trưởng với tốc độ cao và ngành Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.
NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Để thực hiện tốt công tác xây dựng thương hiệu du lịch cố đô Huế của Việt Nam trong những năm tới Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức về du lịch và chuyển hoá thành hành động cụ thể tham gia vào xây dựng và phát triển thương hiệu Thành phố Du lịch Huế:
Đây là giải pháp hàng đầu nhằm chuyển biến một cách cơ bản nhận thức, suy nghĩ về vai trò và tầm quan trọng của thương hiệu Thành phố Du lịch Huế đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, cấp uỷ Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động du lịch để từ đó đề ra được chủ trương và chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, cần thiết phải chú trọng nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia vào sự nghiệp phát triển du lịch, giáo dục pháp luật về du lịch trong các tầng lớp nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng để đưa Huế thực sự trở thành thành phố du lịch.
2. Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và các khu du lịch:
Trong thời gian tới, Tỉnh tập trung đầu tư hoàn thành công tác chỉnh trang đô thị thành phố Huế theo hướng xanh - sạch - đẹp, văn minh và an toàn; tiến hành nâng cấp, mở rộng nhà ga - sân bay Phú Bài trở thành nhà ga hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể đón được các máy bay lớn đưa khách trực tiếp từ nước ngoài đến Huế; hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cảng biển Chân Mây phục vụ du lịch, mở rộng và nâng cấp các tuyến đường giao thông đến các điểm du lịch quan trọng, xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch....
3. Chấn chỉnh lại và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn:
Tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và quy hoạch chi tiết TP. Huế và phụ cận cho phù hợp với thành phố di sản giàu tính nhân văn, kết hợp với quy hoạch bảo tồn và bảo vệ các di tích Huế, quy hoạch đô thị các khu dân cư…; xây dựng quy hoạch chi tiết các cụm, các khu du lịch quan trọng gắn với quy hoạch Ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh
Xây dựng và ban hành các chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư du lịch, chính sách ưu đãi để phục hồi và phát triển các ngành nghề truyền thống phục vụ du lịch ...
Tiến hành kiện toàn, củng cố lại bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của địa phương theo hướng chuyên môn hoá, gọn nhẹ, ngang tầm với nhiệm vụ mới và vai trò mới.
4. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch: Phát triển du lịch đi đôi với việc bảo tồn, khôi phục và gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ cảnh quan môi trường văn hóa.
5. Có chính sách cụ thể đối với công tác đầu tư tôn tạo và giữ gìn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; chú ý tôn trọng yếu tố gốc trong công tác trùng tu tôn tạo các di sản. Huế là thành phố di sản quốc gia mang tầm vóc quốc tế do vậy trong bảo tồn và phát triển đô thị Huế phải tuân thủ Luật Di sản và các Công ước quốc tế về di sản.
6. Huy động mọi nguồn lực từ trung ương, địa phương, sự ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là nguồn lực của cộng đồng dân cư để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong xây dựng thương hiệu.
7. Chú trọng xây dựng hình ảnh TP. Huế gắn các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, đẩy mạnh công tác xúc tiến tuyên truyền quảng bá, phối hợp tổ chức và khai thác có hiệu quả các lễ hội văn hoá đặc sắc truyền thống của Huế, các sự kiện văn hoá lớn hàng năm nhằm thu hút khách du lịch.
8. Chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực không chỉ trong ngành Du lịch mà cả ngành Văn hóa, bảo tồn di tích cũng như các ngành dịch vụ khác…
9. Đảm bảo tốt công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để Huế thực sự là điểm đến an toàn và hấp dẫn.
Trong xu thế hội nhập và mở cửa hiện nay nhất là sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, du lịch dịch vụ đang dần chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế xã hội và trong tương lai với những cơ hội và thời cơ mới đang mở ra, cùng với sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Tổng cục Du lịch, của Tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành có liên quan, du lịch Thừa Thiên - Huế sẽ đạt được nhiều thành quả hơn nữa và thương hiệu Thành phố Du lịch Huế ngày càng được khuếch trương và trở thành thương hiệu du lịch mạnh trên thị trường quốc tế.
VÕ PHI HÙNG
*Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế