Năm 2015, doanh thu dịch vụ du lịch của Nghệ An đạt 2.621 tỷ đồng (trong đó doanh thu phục vụ khách quốc tế đạt 11,973 triệu USD), tăng 10,02% so với năm 2014; lượng khách lưu trú đạt 3,67 triệu lượt (trong đó khách quốc tế 65 nghìn lượt khách), tăng 3,53% so với năm 2014.
|
Những bước tiến về du lịch
Nghệ An là mảnh đất đã sản sinh nhiều danh nhân lịch sử, nhà khoa bảng, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng như Mai Hắc Đế, thi sĩ Hồ Xuân Hương… Đặc biệt, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một danh nhân văn hóa thế giới. Hiện nay, Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn, hệ thống di tích gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Chính phủ công nhận Di tích văn hóa cấp quốc gia hạng đặc biệt. Lễ hội làng Sen được tổ chức hàng năm theo quy mô cấp tỉnh và 5 năm một lần theo quy mô cấp quốc gia đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, là một thương hiệu của Du lịch Nghệ An, thu hút đông đảo du khách đến với xứ Nghệ mỗi dịp Kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5). Vì lẽ đó, khi đến với Nghệ An, ngoài những bãi biển nên thơ, không khí trong lành, thức ăn vừa rẻ vừa ngon,… du khách còn cảm nhận được những nét văn hóa đặc trưng của xứ Nghệ.
Tài nguyên thiên nhiên của Nghệ An phong phú, đa dạng, hiện còn lưu giữ được vẻ hoang sơ, chưa bị tác động nhiều của con người, tiêu biểu như hệ thống rừng nguyên sinh Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nghệ An có bờ biển dài trên 80km, có nhiều bãi tắm đẹp, trong đó điển hình là bãi tắm Cửa Lò với lịch sử hình thành 109 năm (tính từ năm 1907), đang trở thành một đô thị du lịch biển có dịch vụ phát triển. Từ bãi tắm trung tâm đang kết nối hình thành các tour tuyến mở rộng không gian du lịch vươn ra phía biển như bán đảo Lan Châu, đảo Ngư, đảo Mắt. Dọc theo tuyến biển, một loạt các bãi tắm cũng đang được quy hoạch đầu tư phát triển như: Khu du lịch cao cấp Bãi Lữ (Nghi Lộc), Khu du lịch biển Diễn Thành (Diễn Châu), Khu du lịch biển Quỳnh (Quỳnh Lưu)... Thành phố Vinh sau hơn 7 năm được công nhận Đô thị loại 1, đang khẳng định một đô thị năng động, trung tâm văn hóa - kinh tế vùng Bắc Trung Bộ. Lợi thế vị trí bên dòng sông Lam, có núi Dũng Quyết... là những điều kiện rất quan trọng để Vinh trở thành đô thị có nét đặc trưng riêng, là điểm đến du lịch của tỉnh và cả nước. Miền Tây Nghệ An với sự đa dạng về địa hình tự nhiên, đa dạng về sinh thái, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh: Khu di chỉ khảo cổ học Làng Vạc (Thái Hòa), làng Thái cổ Châu Tiến (Quỳ Châu), làng văn hóa sinh hoạt cộng đồng người Thái ở Môn Sơn (Con Cuông); hệ thống các hang động, thác nước đẹp: hang Thẩm Ồm, hang Bua, thác Xao Va, thác Khe Kèm... rất thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch khám phá mạo hiểm.
Hạ tầng giao thông gồm bến cảng, sân bay, cửa khẩu, chợ, hệ thống khách sạn đang được tập trung đầu tư và dần hoàn thiện, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ. Nghệ An còn có tuyến giao thông đường sắt, đường bộ xuyên Việt, có quốc lộ 1A, có đường Hồ Chí Minh đi qua, đồng thời là một trong những cửa ngõ quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam với biển Đông qua cửa khẩu Nậm Cắn, cửa khẩu Thanh Thủy. Đó là những tiềm năng và lợi thế vô cùng quan trọng để Nghệ An mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế và đẩy mạnh phát triển du lịch với các nước trong khu vực.
Bên cạnh các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, các hình thức liên doanh, liên kết với các nước ngoài trong kinh doanh du lịch cũng đã đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Từ năm 2011 - 2015, Du lịch Nghệ An đã kêu gọi được 13 dự án đầu tư với tổng vốn 6.811 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực tế là 4.103,549 tỷ đồng.
Việc đẩy mạnh liên kết du lịch với các nước trong khu vực, các nước có chung đường biên cũng đã được tỉnh xúc tiến, mở rộng. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được rất nhiều tour đường bộ từ Vinh đi các tỉnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan như “Một ngày ăn cơm ba nước”, “Ba cố đô - một điểm đến’’… Bên cạnh đó, việc mở rộng các đường bay trong nước và quốc tế (Vinh - Viêng Chăn, Vinh - Liên Khương (Đà Lạt)) đã góp phần tạo đà cho Du lịch Nghệ An phát triển.
Tổng số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2015 là 7.761 người, chưa kể lao động có tham gia làm du lịch trong lĩnh vực vận chuyển khách và lao động thời vụ; mục tiêu đến năm 2020 thu hút và tạo việc làm cho trên 30.000 lao động ngành Du lịch.
Nghệ An cũng như ở nhiều địa phương khác trên cả nước, có nhiều gia đình dân tộc nghèo khó trước kia chỉ sống bằng nông nghiệp nay đã được cải thiện đời sống nhờ du lịch. Cụ thể như, người dân tộc Ơ Đu trước đây là một đơn vị kinh tế thuần nông, thì nay du lịch, dịch vụ chính là cơ hội để người dân thay đổi cuộc sống. Trên cơ sở dự án Chương trình hoạt động lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia giai đoạn 2015 - 2020 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, người dân Ơ Đu cũng như nhiều nơi khác có cơ hội chuyển sang sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức, hướng dẫn khách du lịch… thay vì làm nông nghiệp như trước.
Những năm qua, kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cấp và phát triển. Nhiều tuyến đường giao thông tiếp cận các khu du lịch trọng điểm của tỉnh được đầu tư xây dựng, nhất là đối với khu vực ven biển. Sân bay Vinh được nâng cấp đủ khả năng đón máy bay lớn hơn, hệ thống bưu chính viễn thông, điện, cấp thoát nước ngày càng hoàn thiện và hiện đại hóa.
Các dịch vụ lưu trú du lịch được quan tâm đầu tư đổi mới, ngày càng nâng cao chất lượng. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 275 khách sạn, nhà nghỉ, đưa tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn lên 730 (thành phố Vinh là 182, thị xã Cửa Lò 270, các huyện khác 278 và hiện có 1 khách sạn 5 sao là Khách sạn Mường Thanh Sông Lam).
Nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử, di tích cách mạng được quan tâm đầu tư xây dựng và bảo tồn tôn tạo, trong đó một số công trình như Dự án Bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, đền thờ vua Quang Trung, chùa Đảo Ngư… đã đưa vào hoạt động, trở thành những điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn đối với du khách và nhân dân cả nước.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế chính của địa phương
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã nêu rõ “phát triển mạnh mẽ du lịch và các ngành dịch vụ…” và “phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ…”.
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, năm đầu của nhiệm kỳ 2016 - 2020, một trong những giải pháp tỉnh đã đề ra đó là: “Triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế như du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng…”. Đây là hướng đi hết sức đúng đắn của địa phương nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu đã đề ra trong nhiệm kỳ tới. Do đó, để du lịch trở thành một ngành kinh tế chính của địa phương trong những năm tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên cơ sở quy hoạch chung của ngành Du lịch, đặc biệt cần đồng bộ quy hoạch ngành Du lịch với các ngành kinh tế khác như Giao thông, Nông nghiệp, Công nghiệp, Xây dựng, Tài chính ngân hàng.
Thứ hai, xây dựng phương án kêu gọi đầu tư trong nước, nước ngoài vào lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng du lịch trên cơ sở tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn của chương trình quốc gia, của nước ngoài, của doanh nghiệp. Tập trung đầu tư hoàn thiện các sản phẩm du lịch trọng điểm mà Nghệ An có thế mạnh. Thu hút đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, các công trình dịch vụ phục vụ khách du lịch, phương tiện vận chuyển khách...
Thứ ba, khai thác các tuyến du lịch hiện có và từng bước triển khai các tuyến du lịch mới, chú trọng xây dựng các tour khai thác thị trường các nước láng giềng và các nước khác, gắn du lịch văn hóa tâm linh với các lễ hội truyền thống. Liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng và các địa phương khác trên cả nước.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch mở rộng thị trường khách.
Thứ năm, xây dựng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trước mắt và lâu dài; nghiên cứu, xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch lớn của miền Trung và cả nước.
Thứ sáu, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về du lịch theo tinh thần Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ trong đó trọng tâm là phối hợp quản lý giá các dịch vụ phục vụ khách du lịch, bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ; an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch... nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường du lịch Nghệ An văn minh, an toàn, chất lượng góp phần phát triển du lịch bền vững.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An
- http://khdt.nghean.gov.vn/wps/portal/sokehoachdautu/!ut/p/c5/04
Nguyễn Mạnh Hùng
Ban Kinh tế Trung ương