Đẩy mạnh ứng dụng E-marketing trong xúc tiến du lịch và E-commerce trong kinh doanh du lịch
Theo nhận định của VNAT, trong những năm gần đây việc kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng có xu hướng phát triển, trong đó lĩnh vực du lịch có tốc độ gia tăng khá nhanh với các hình thức đặt mua tour qua mạng, book phòng khách sạn, vé máy bay… Thông tin trực tuyến đang trở thành một trong những nguồn ảnh hưởng chủ yếu tới quyết định của người đi du lịch. Các số liệu thống kê cho thấy tại một số thị trường du lịch lớn, số lượng tour khách hàng đặt mua qua internet lớn hơn lượng tour đặt mua trực tiếp từ đại lý lữ hành. Trong bối cảnh đó, việc nắm bắt xu hướng này để có các giải pháp thích ứng là một yêu cầu cấp bách không chỉ đối với doanh nghiệp du lịch, mà cả với các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc Công ty CP quảng cáo Thông Minh – CleverAds, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam rất nhanh nhạy đối với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử. Ngay từ năm 2006, khi thương mại điện tử còn là khái niệm rất mới, thì đã có doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đăng ký quảng cáo trên Google với chi phí rất đắt. Điều này cho thấy sự năng động và táo bạo trong việc xác định thị trường tiềm năng để đầu tư quảng cáo. Tuy nhiên, số doanh nghiệp này không nhiều, đây là một trong những nguyên nhân du khách nước ngoài chưa biết nhiều đến Việt Nam. Trong khi đó, công tác xúc tiến quảng bá du lịch của ngành cũng còn những hạn chế nhất định cả về phương thức, tần suất, thời lượng. Các clip quảng bá du lịch Việt Nam thực sự xuất sắc đều do nước ngoài thực hiện, các chương trình quảng bá cũng chưa trở thành chiến dịch để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Hiện ngoài các phương tiện truyền thông chính thống thì mạng xã hội đang phát triển cực kỳ mạnh mẽ và trở thành một công cụ quảng bá thông tin rất hữu hiệu, điều này đòi hỏi sự thích ứng của doanh nghiệp.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, công tác xúc tiến quảng bá du lịch những năm qua đã có những chuyển biến rất quan trọng, ngoài kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến du lịch hàng năm được cấp từ nguồn ngân sách, còn có nguồn lực rất lớn của các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, hàng không…thể hiện qua các sự kiện du lịch trong và ngoài nước để đẩy mạnh quảng bá hình ảnh điểm đến, tăng cường thu hút khách du lịch. Việc tăng cường ứng dụng E-marketing trong hoạt động xúc tiến du lịch và E-commerce trong kinh doanh du lịch là yếu tố hết sức quan trọng để tăng năng lực cạnh tranh. Tổng cục Du lịch với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế cho các doanh nghiệp du lịch theo đúng các quy định của pháp luật, bên cạnh đó ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động du lịch.
V.Hùng