Chữ có ý nghĩa động viên, nhắc nhở mọi người vượt khó khăn, hướng tới Chân – Thiện – Mỹ. Do đó, việc xin chữ, tặng chữ xưa và nay đều có ý nghĩa giống nhau và quan trọng đối với từng người và từng gia đình Việt.
Một bức thư pháp đẹp thường hội tụ các yếu tố như: nội dung được truyền tải bằng chữ, hình thức trình bày theo bố cục chặt chẽ gồm chính văn và lạc khoản (lạc khoản còn gọi là phụ đề, phần chú thích xuất xứ nội dung tác phẩm ở phần chính văn, tên tác giả, thời gian và địa điểm viết, lời đề tặng và tên người viết bức thư pháp). Cũng có thể viết lược bớt một số nội dung không thật cần thiết ở phần lạc khoản do tùy thuộc vào bố cục bức thư pháp. Nhìn chung, một bức thư pháp phải đạt được hai tiêu chí chính là nội dung truyền tải và hình thức thể hiện như một bức tranh. Bức thư pháp dù mang nội dung sâu sắc đến mấy mà hình thức thể hiện không đạt như thể chữ viết không phù hợp với nội dung, vi phạm quy định về viết lạc khoản, đóng ấn chương có nội dung không phù hợp và sai vị trí sẽ làm xấu, thậm chí làm hỏng cả bức thư pháp. Do đó, việc chơi chữ ngày xuân không đơn thuần là có bức tranh treo trong nhà với ý nghĩa triết lý sâu xa nào đó mà còn mang ý nghĩa nâng cao nhận thức và tính thẩm mỹ cho mỗi người.
Ngày nay, cách thể hiện tranh chữ ngày tết phổ biến ở dạng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Lịch sử Việt Nam có thời kỳ dài hàng nghìn năm ảnh hưởng ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc trong đó có chữ Hán. Người Việt Nam đã tiếp nhận những tinh hoa của chữ Hán, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật viết chữ Hán hay gọi là thư pháp để thể hiện trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật, hội họa mà bút tích còn ghi lại trong các văn bản, tranh chữ, hoành phi, câu đối ở các cung điện, miếu mạo, đền thờ các danh nhân văn hóa, di tích lịch sử, nhà thờ các dòng họ… và dần trở thành văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Chữ Hán có nhiều chữ là chữ tượng hình, hội ý nên mang nhiều ẩn ý, nghĩa của từ phong phú. Đặc biệt, kết cấu chữ rất chặt chẽ, hài hòa tạo nên vẻ đẹp và giá trị thẩm mỹ cao. Việc thể hiện bức thư pháp bằng chữ quốc ngữ cũng phổ biến vì số lượng người Việt Nam hiện nay biết chữ Hán, chữ Nôm không nhiều, do đó treo bức tranh chữ quốc ngữ trong nhà mọi người dễ đọc, dễ hiểu. Tuy nhiên, do tính chất chữ quốc ngữ không mang tính tượng hình, hình thức thể hiện bằng bút lông ngòi tròn nên sự biểu cảm nội dung qua cách thể hiện từng chữ sẽ không toát lên được ý nghĩa sâu xa ẩn chứa của bức tranh, bố cục chữ viết không chặt chẽ và kiểu chữ viết không đa dạng, có người viết tùy tiện nên rất khó đọc.
Thường thì người xin chữ tự mình đưa ra chữ cụ thể theo ý muốn của mình và đề nghị người viết theo như ý muốn. Những trường hợp này là phổ biến, thường gặp và dễ thực hiện. Hoặc, người xin chữ tùy theo cách nhận diện, đánh giá của người cho chữ mà viết chữ. Trường hợp này không nhiều nhưng đòi hỏi người viết tìm hiểu nhanh những thông tin về người xin chữ như: nghề nghiệp, công việc, cuộc sống hàng ngày để chọn chữ viết phù hợp (mang ý phỏng đoán tính cách của người xin chữ). Sau khi tìm được ý và chữ cần viết, người viết trao đổi với người xin chữ để thống nhất trước khi viết. Đạt được điều này thì người xin chữ rất phấn khởi, vui vẻ và trân trọng bức tranh chữ hơn.
Việc treo chữ trong nhà mang tính định hướng giáo dục, động viên, khuyến khích mọi thành viên trong gia đình phấn đấu vươn lên, điều chỉnh hành vi của mình theo chuẩn mực đạo đức xã hội để mong muốn mọi người thành đạt, gia đình hòa thuận, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xã hội tốt đẹp lên.
Trước đây, giấy dùng để viết chữ thường là giấy dó, giấy điều, hình thức đơn giản, không cầu kỳ nên giá thành không cao. Hiện nay, cuộc sống kinh tế khá lên, trình độ thẩm mỹ ngày càng cao nên nhu cầu của người xin chữ đòi hỏi về chủng loại giấy, chất lượng giấy cũng cao hơn, do đó chi phí cho một bức tranh chữ cũng tăng theo. Để viết một bức thư pháp đẹp, người viết chữ phải có kiến thức văn hóa Hán – Nôm, tập viết nhiều năm từ cơ bản đến nâng cao, phải giỏi về kỹ thuật, nắm chắc các quy tắc viết cộng với cách thể hiện chữ phù hợp với nội dung truyền tải. Khi viết chữ không được tô, phải tuân thủ những quy định về bố cục trật tự sắp xếp các chữ trong tranh, sử dụng thể loại chữ phù hợp giữa chính văn và phụ đề, viết phụ đề, đóng dấu… Tuy nhiên, việc viết chữ đầu xuân mới, ngày tết cổ truyền dân tộc cũng không đòi hỏi trình độ người viết chữ quá cao nhưng phải đảm bảo có đủ các yếu tố của một bức thư pháp để nét đẹp văn hóa đúng với giá trị của nó.
Việc xin chữ thường ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc. Tuy nhiên, chữ chỉ mang tính định hướng, động viên, nhắc nhở để phấn đấu, vươn lên. Ngoài ra, bức tranh còn mang tính thẩm mỹ, nó chỉ đẹp khi nội dung và hình thức thể hiện hài hòa, phù hợp với tính cách của người xin chữ. Do đó, cùng một chữ nhưng người viết cho nhiều người khác nhau thì cách viết chữ cũng khác nhau. Tục xin chữ và cho chữ ngày xuân của người Việt Nam mang tính hướng thiện, thể hiện tính nhân văn, nét đẹp văn hóa truyền thống, do đó cần được bảo tồn và phát triển.
Trong cuộc sống hiện nay, đất nước ta hội nhập với thế giới, chúng ta cần học hỏi các nước tiên tiến để vươn lên và phát triển bền vững. Tôi xin mượn bốn chữ “Siêu việt tự ngã” (Nhanh chóng vượt lên chính mình) để thay cho lời chúc tới tất cả mọi người nhân đầu xuân mới...
Trần Quốc Chí
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)