Tuy nhiên ở đây chỉ xin lạm bàn đôi điều về du lịch văn hóa theo nghĩa hẹp liên quan tới những công trình văn hóa vật thể và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa phi vật thể ở nước ta, trong đó tiếc thay còn nhiều điều cần được bổ khuyết.
Trên thế giới nước nào từng trải qua chế độ nô lệ và các triều đại phong kiến hùng mạnh đi đôi với tôn giáo phát triển thì thường để lại những công trình đồ sộ, nguy nga. Nước ta không hội tụ những điều kiện ấy, đồng thời lại bị ngoại bang đô hộ lâu dài của ngoại bang luôn mưu toan đồng hoá cũng như trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc nên hiếm có những công trình tầm cỡ như vậy. Thế mà rất nhiều công trình còn tòn tại đến ngày nay lại bị xâm hại một cách… rất vô văn hóa!
Câu chuyện phố cổ Hà Nội đã được bàn thảo hàng chục năm nay, không biết bao nhiêu cuộc hội thảo đã được tiến hành, thậm chí bộ máy chuyên trách cũng đã được thiết lập, tiền bạc bỏ ra không ít nhưng có thể khi làm thật thì các phố cổ cũng chẳng còn; thậm chí các “phố Tây” tuổi đời trẻ hơn cũng bị cơi nới tan hoang.
Khách du lịch chỉ cảm thấy hứng thú khi có dịp chạm vào lịch sử hàng nghìn, hàng trăm năm chứ đâu phải là những ngôi chùa, ngôi đền “mới toanh”, được cách tân một cách thô thiển! Thế nhưng nhiều chùa triền, miếu mạo ở ta đã được “cải tạo” theo kiểu như vậy mà câu chuyện về chùa Trăm Gian gần đây là một ví dụ điển hình. Đó là chưa kể nhiều câu đối chữ Nho đã được viết lại đến mức những người thâm nho nhất cũng không hiểu nổi!
Cái đẹp của các công trình văn hoá cổ xưa ở nước ta thường ẩn chứa trong sự hài hòa với thiên nhiên. Thế nhưng môi trường thiên nhiên xung quanh chúng nhiều khi cũng bị hủy hoại, thậm chí bê tông hóa làm mất đi cái hồn Việt, cái cốt của di tích. Để minh chứng chỉ xin chia sẻ cảm nghĩ về một di tích đầy ý nghĩa cả về chính trị - lịch sử lẫn văn hóa. Đó là di tích làng Sen, quê hương của Bác Hồ. Xưa kia về thăm quê Bác phải đi qua những con đường nhỏ; vào làng phải cuốc bộ trên những con đường đất men theo bờ ao sen. Khung cảnh ấy vừa cho thấy sự gian truân của gia đình, quê hương Bác khi xưa, vừa chuẩn bị cho du khách tâm tình gần gụi với Bác. Ngày nay, đường bê tông thênh thang dẫn thẳng vào làng, bãi đậu xe rộng mênh mông, nhiều công trình đồ sộ được dựng lên xung quanh. Tiện nghi thì tiện nghi thật, khang trang thì khang trang thật, nhưng cái hồn của làng Sen, những hoài niệm về thủa thiếu thời của Bác hình như không còn sâu lắng như xưa nữa.
Đó là “phần cứng”; còn “phần mềm” cũng còn nhiều điều phải bàn dưới góc độ văn hóa. Khách du lịch nào đâu có thể hiểu hết ý nghĩa thâm thúy, những nét kiến trúc độc đáo của công trình văn hóa ông cha ta để lại. Muốn chuyển tải cho họ thì hướng dẫn viên du lịch phải đóng vai trò cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa cái hồn Việt Nam với du khách thập phương. Thế nhưng thử hỏi rằng bao nhiêu phần trăm các hướng dẫn viên có đủ kiến thức và ngôn ngữ để đóng vai trò ấy? Và nữa, cái môi trường vệ sinh và văn hoá ứng xử xung quanh các công trình văn hoá của ta còn biết bao chuyện phải bàn, nói đúng ra là phải làm. Không đâu xa, về cả hai mặt này còn xa ta mới bắt kịp đền Angkor ở Campuchia, nơi mà vệ sinh môi trường được giữ gìn sạch bong, nơi mà bạn không hề gập bất cứ trường hợp đeo bám nào? Vậy vì sao lại như vậy? Nếu nói đến dân trí thì nước bạn đâu có cao hơn ta?
Văn hóa phi vật thể ở ta hết sức phong phú và đa dạng, thậm chí nhiều loại hình đã được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại nhưng du khách thập phương làm thế nào để có thể tiếp cận được chúng lại là cả một câu chuyện đại sự. Người Việt Nam ta cũng khó bề tìm thấy chứ chưa nói gì tới khách nước ngoài. Văn hóa ẩm thực nhiều khi cũng bị pha tạp, làm hàng nhái đến mức không còn nhận ra gốc gác, cốt cách của chúng nữa. Cứ xem những bảng hiệu Phở Nam định, Phở Cồ nhan nhản từ Bắc chí Nam thì đủ thấy. Tôi vào Huế không biết bao nhiêu lần song tại các khách sạn 4, 5 sao khó bề được thưởng thức các món ăn Huế thực thụ.
Bên cạnh đó còn cần phải rất chú ý văn hóa của du khách. Mỗi dân tộc đều có những truyền thống văn hóa riêng; nếu ta không hiểu biết và đáp ứng đúng thì cũng khó bề thu hút. Ví dụ người Nhật không chỉ tắm hoa sen mà họ rất ưa thích ngâm mình trong bồn tắm; ưa ăn đồ tươi sống và hết sức coi trọng vệ sinh, an toàn thực phẩm… Nếu ngành du lịch nước ta không đáp ứng được những đòi hỏi và thói quen của họ thì sẽ khó bề thu hút khách Nhật Bản. Một khía cạnh khác là mỗi khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài mà nay lên tới hàng vạn, hàng triệu, đều là sứ giả của dân tộc, của đất nước. Tiếc rằng, nhiều người chưa nhận thức đầy đủ điều này nên đã có những cách hành xử không hay, thậm chí làm xấu đi hình ảnh người Việt Nam trong con mắt người nước ngoài.
Xem như vậy, muốn phát triển du lịch văn hóa, chuyển tải tới du khách những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước còn rất nhiều việc phải làm. Cứ nói mãi về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà không làm, hoặc tệ hơn nữa là làm mai một những bản sắc quý giá vốn có thì du lịch văn hóa cũng sẽ mai một dần. Tương tự như vậy, nên rà soát lại từng loại hình du lịch để xem còn những điều gì khiếm khuyết để bổ khuyết, có như vậy mới có thể biến Du lịch trở thành ngành mũi nhọn.
Vũ Khoan
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ