Bước đi 5 năm đầu tiên 2011 - 2015
Bước đi 5 năm đầu tiên trong thập kỷ thứ hai (2011 - 2015) của Du lịch Hải Dương rất khó khăn, vừa gượng lên, đứng vững sau khủng hoảng kinh tế, lại tiếp tục gặp khó do tình hình biển Đông làm suy giảm lượng khách. Mặc dù thế, Du lịch Hải Dương vẫn kiên định mục tiêu phát triển với hành động mới, đạt được những kết quả khả quan. Đã hình thành và đưa vào khai thác các tour văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề. Quản lý, khai thác du lịch đã gắn với bảo vệ và tôn tạo cảnh quan, gìn giữ môi trường, đảm bảo phát triển du lịch bền vững; đóng góp tích cực bảo tồn và phục hồi các lễ hội truyền thống. Hình ảnh điểm đến Hải Dương rõ nét hơn với những điểm nhấn: khu Côn Sơn - Kiếp Bạc; đền thờ Chu Văn An; khu An Phụ - Kính Chủ; điểm du lịch sinh thái đảo Cò Chi Lăng Nam - Thanh Miện; du lịch làng nghề gốm Chu Đậu - Nam Sách; múa rối nước Hồng Phong - Ninh Giang... Du lịch Hải Dương tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, tăng tính hấp dẫn. Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch được quan tâm; Trung tâm xúc tiến du lịch đã được thành lập để thực hiện chức năng tuyên truyền quảng bá.
5 năm vừa qua khách lưu trú tăng gấp đôi (1,97 lần), từ 571.870 lượt năm 2010 lên 1.125.000 lượt năm 2015. Khách không lưu trú (khách của các hãng lữ hành đi theo các tour Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh) tăng 1,22 lần, từ 1.633.130 lượt năm 2010 lên 2.000.000 lượt năm 2015. Thời gian lưu trú trung bình đạt 1,5 ngày. Tổng thu du lịch tăng từ 727,9 tỷ đồng năm 2010 lên 1.350 tỷ đồng năm 2015. Đầu tư du lịch của các thành phần kinh tế đạt 3.600 tỷ đồng để tu sửa, cải tạo cơ sở vật chất hiện có, đầu tư mới 19 cơ sở lưu trú, một số nhà hàng, điểm dừng chân, phương tiện vận chuyển khách... Đầu tư của Nhà nước tập trung xây dựng hạ tầng khu Côn Sơn - Kiếp Bạc và trùng tu một số di tích lịch sử quan trọng. Ước đến năm 2015, toàn tỉnh có 152 cơ sở lưu trú với 3.850 buồng, độ tăng trưởng buồng lưu trú đạt 7,9%, đã có những cơ sở lưu trú cao sao (Khách sạn Nam Cường, khách sạn Trường Thành, khách sạn Sao Đỏ đều 4 sao) và khu thể thao giải trí thứ hạng cao như sân golf Ngôi sao Chí Linh. Năm 2015, toàn tỉnh sẽ có trên 30 doanh nghiệp, cá nhân vận chuyển du khách với hơn 1.000 xe ô tô các loại, chất lượng đảm bảo, tiện nghi và an toàn.
Năm 2010, Hải Dương có 3.745 lao động làm việc trực tiếp trong cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch; năm 2015 sẽ tăng lên 7.500 người, tăng trưởng trung bình 14,9%/năm. Nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 20%; cao đẳng, trung cấp 52%; dưới trung cấp (qua đào tạo tại chỗ hoặc dạy nghề ngắn hạn) 21,6%; lao động phổ thông 6,4% trong cả giai đoạn 2011 - 2015. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch dần được nâng lên rõ nét là nhân lực trình độ từ trung cấp trở lên tăng, lao động phổ thông giảm. Ước có 17 nghìn lao động xã hội khác tham gia phục vụ du lịch để cung ứng hàng hóa, dịch vụ vận tải, ăn uống, vui chơi giải trí tại các điểm du lịch. Như vậy ngành Du lịch Hải Dương đã tạo ra khoảng 25 nghìn việc làm cho xã hội.
Đạt được những kết quả đáng ghi nhận nêu trên là do Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao trong xây dựng và phê duyệt các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển du lịch cụ thể tạo điều kiện cho hoạt động du lịch đúng định hướng, có hiệu quả; sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và sự phối hợp giúp đỡ của các ban, sở, ngành và các địa phương của tỉnh; sự hưởng ứng thực hiện của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và của nhân dân trong tỉnh; sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành Du lịch Hải Dương.
Tuy nhiên, Du lịch Hải Dương cũng bộ lộ rõ những hạn chế, bất cập, nổi bật là: tốc độ tăng trưởng khách và thu nhập du lịch chưa đạt được mục tiêu đề ra là 18%; sản phẩm du lịch đặc thù chưa hình thành rõ nét và chưa có sức cạnh tranh cao; lợi thế về du lịch tâm linh, lễ hội, nghỉ dưỡng và làng nghề chưa được phát huy nên hạn chế tính hấp dẫn; phát triển khu, điểm du lịch còn chậm nên chưa phát huy được vai trò hạt nhân thu hút khách; đầu tư phát triển còn hạn chế nên những tiềm năng du lịch ở Côn Sơn - Kiếp Bạc, sông Hương Thanh Hà, đảo Cò Chi Lăng Nam và các làng nghề truyền thống vẫn chưa khai thác được nhiều; hệ thống hạ tầng các khu du lịch như khu Côn Sơn – Kiếp Bạc, đảo cò Chi Lăng Nam... chưa đáp ứng được yêu cầu; sự thiếu hụt các cơ sở vui chơi giải trí - thể thao không kích thích khả năng chi tiêu, hạn chế thời gian lưu trú của khách; xúc tiến quảng bá du lịch chưa có chiến lược dài hạn, thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô hoạt động hạn chế.
Nguyên nhân khách quan của các hạn chế nêu trên là do tác động của khủng hoảng kinh tế đã làm giảm khả năng đầu tư các dự án du lịch, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển thị trường khách; biển Đông bất ổn đã ảnh hưởng đến thị trường khách Trung Quốc - thị trường khách quốc tế hàng đầu qua Hải Dương; các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch, trang thiết bị nhà hàng, khách sạn của Hải Dương cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn do nguyên nhân chủ quan là nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và xã hội về du lịch còn nhiều bất cập. Đây là nguyên nhân của các nguyên nhân khác như: Mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2011 - 2015 khá cao so với năng lực thực tế; Quy hoạch chi tiết khu Côn Sơn - Kiếp Bạc chậm so với tiến độ đề ra đã ảnh hưởng trực tiếp và chậm tiến độ đầu tư vào khu du lịch này; thiếu chính sách ưu đãi đầu tư các khu du lịch trọng điểm nên chưa khuyến khích, thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực lớn; các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch ở quy mô nhỏ, chấp hành chính sách chế độ còn nhiều thiếu sót; sự phối kết hợp giữa các ngành, địa phương chưa thường xuyên chặt chẽ.
Bước đi tiếp theo trong 5 năm tới (2016 – 2020)
Du lịch Hải Dương vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khó khăn về vốn đầu tư phát triển và những thách thức cạnh tranh du lịch trên bình diện vùng du lịch sông Hồng, bình diện quốc gia và quốc tế; khách du lịch nội địa với xu hướng tăng trưởng cao, nhưng nhận thức và đòi hỏi cũng không còn thấp như trước; khách quốc tế tiếp tục tăng, nhưng tình hình biển Đông đã làm mất đi thị trường khách Trung Quốc; và khi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi vào hoạt động sẽ làm giảm lượng khách dừng chân tại Hải Dương.
Trong bối cảnh đó, 5 năm tới (2016 – 2020) Du lịch Hải Dương cần tiếp tục phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GDP của tỉnh; phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả; phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế; phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh để ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; gắn quản lý, khai thác du lịch với bảo vệ và tôn tạo cảnh quan, gìn giữ môi trường, phát triển du lịch bền vững. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành cơ bản việc đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia Côn Sơn - Kiếp Bạc và xây dựng được một số sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Điều chỉnh tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 thấp đi so với 5 năm trước: khách du lịch lưu trú 8%/năm; doanh thu du lịch 10%/năm; giá trị gia tăng 11,5%. Năm 2020 đón được 1.650 nghìn lượt khách lưu trú, trong đó có 350 nghìn lượt khách quốc tế và 1.300 nghìn lượt khách nội địa; tổng thu du lịch đạt 2.175 tỷ đồng; tạo 13 nghìn việc làm trực tiếp.
Muốn đạt được mục tiêu nêu trên, Du lịch Hải Dương cần triển khai đồng bộ 7 giải pháp: tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách và tăng cường quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng Quy họach chi tiết, đề án, chương trình phát triển du lịch; đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển thị trường và sản phẩm du lịch; đẩy mạnh đổi mới tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn an ninh trật tự trong hoạt động du lịch
Để du lịch tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, Hải Dương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vai trò, vị trí và hiệu quả du lịch trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thấy rõ khó khăn, thách thức, tiềm năng, thuận lợi và cơ hội trong từng bước phát triển của du lịch. Cần phối hợp chặt chẽ giữa các ban, sở, ngành chức năng và UBND các cấp để cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, tạo các điều kiện và môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Cần tạo bước phát triển du lịch đột phá nhưng bền vững trong 5 năm tới với chính sách ưu đãi huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu du lịch trọng điểm, trong đó có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ. Phải tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho Du lịch Hải Dương đi đôi với đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá đến các thị trường trọng điểm và thị trường nguồn. Du lịch Hải Dương phường xuyên quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, yếu tố quyết định sự nghiệp phát triển du lịch của tỉnh, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu ở tất cả các khâu giáo dục cộng đồng, hướng nghiệp du lịch, đào tạo và dạy nghề du lịch, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân lực du lịch./.
TS. Nguyễn Văn Lưu