Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại hội thảo Theo các báo cáo trình bày tại hội thảo, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) tác động đến tất cả các mặt văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình, công tác báo chí truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin vào hiện đại hóa hành chính, công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ, xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ VHTTDL.
Ở lĩnh vực du lịch nói riêng, Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến hầu hết các mặt như kinh doanh du lịch, quản lý điểm đến, vận chuyển khách, quản lý nhà nước về du lịch, thông tin và quảng bá xúc tiến du lịch... Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Hà Văn Siêu phân tích: Cách mạng công nghiệp 4.0 với những tiến bộ về công nghệ như Internet vạn vật (IoT) giúp các chủ thể trong ngành Du lịch được kết nối mật thiết với nhau. Giờ đây khách du lịch có thể tiếp cận với điểm đến, dịch vụ... để hoàn toàn chủ động trong việc đưa ra quyết định và xây dựng lịch trình đi du lịch. Doanh nghiệp du lịch kết nối với khách hàng, hiểu khách hàng hơn, nắm bắt được nhu cầu, phản hồi để ứng xử và chăm sóc tốt hơn. Ngoài ra, các tiến bộ khoa học kỹ thuật khác giúp các khu điểm du lịch, điểm đến có thể cung cấp thông tin, quảng bá điểm đến, cung cấp hạ tầng kết nối cho các bên tham gia vào hoạt động du lịch trong khu vực. Cơ quan quản lý du lịch từ trung ương đến địa phương nhờ công nghệ mà có hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp; từ đó có sự phân tích, đánh giá và rút ra định hướng, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch... Tóm lại, khoa học công nghệ và việc phát triển du lịch thông minh sẽ tạo thêm những giá trị và trải nghiệm mới cho du khách so với du lịch thuần túy trước đây.
Tuy nhiên ngành Du lịch Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức và rủi ro chung của Du lịch thế giới, bao gồm bảo vệ khách hàng, cạnh tranh bình đằng, quy hoạch và phát triển bền vững và điều kiện lao động. Ví dụ, về cạnh tranh công bằng và sân chơi bình đằng, mâu thuẫn thường xảy ra giữa những nhà cung cấp dịch vụ mới và chuỗi sản phẩm du lịch truyền thống; về bảo vệ khách hàng sẽ là các thách thức minh bạch hóa thông tin dịch vụ và giao dịch, sự riêng tư, bảo mật thông tin của du khách...
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên nhận định: Phải đánh giá và nhận diện được tác động, thách thức, rủi ro và cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực VHTTDL và gia đình để chủ động ứng phó, đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách nhằm giải quyết các thách thức. Trọng tâm của ngành VHTTDL là phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây đều là những lĩnh vực liên quan đến xu hướng phát triển bền vững, nếu tiếp cận tốt sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển chung của đất nước.
HN