6 tháng đầu năm 2016 là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.Với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ngành VHTTDL đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương được tăng cường. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền cổ động diễn ra sôi nổi, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu đề ra với 21 vận động viên dành quyền tham dự Olympic 2016 tại Brazil…
Riêng về lĩnh vực du lịch, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút khoảng 4.706.324 lượt khách quốc tế, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2015; khách nội địa đạt 32,4 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 200.339 tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, lượng khách đến từ 05 nước Tây Âu được miễn thị thực đạt tốc độ tăng trưởng cao đã khẳng định chính sách miễn thị thực là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần tăng cường thu hút du khách quốc tế.
Tại hội nghị, vấn đề quản lý du lịch, đặc biệt là du khách Trung Quốc, được nhiều đại biểu và các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm. Trả lời vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Trung Quốc là thị trường khách rất lớn mà bất cứ nước nào muốn phát triển du lịch cũng cần phải quan tâm đến; trong đó có các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... Với Việt Nam, khách Trung Quốc thường chiếm 22-25% lượng khách quốc tế, trong 6 tháng đầu năm 2016 thị trường này tăng trưởng tới 47,5%, đạt hơn 1 triệu lượt trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.
Việc khách Trung Quốc tăng trưởng đột ngột ở mức độ cao và chỉ tập trung ở một số điểm đến như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng đã khiến cho khả năng cung ứng dịch vụ của Du lịch Việt Nam chưa thể đáp ứng được cả về nhân lực lẫn dịch vụ trước sự gia tăng này. Thêm vào đó, một số vụ việc xảy ra gần đây đã có tình trạng tiếp tay của một số doanh nghiệp, hướng dẫn viên du lịch Việt Nam.
Trước thực trạng trên, Bộ VHTTDL và TCDL cũng đã có các văn bản gửi tới các địa phương trên toàn quốc yêu cầu tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch; chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch tại địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi có sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương cùng vào cuộc để xử lý triệt để.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: 6 tháng cuối năm 2016, bên cạnh những nhiệm vụ đã đề ra, toàn ngành VHTTDL tập trung hoàn thiện bộ máy, tháo gỡ các khó khăn, tăng cường kết nối và phối hợp giữa văn hóa, thể thao và du lịch, hướng đến phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu.
HN