“Sản phẩm du lịch” được hiểu theo từng cách khác nhau tùy thuộc mỗi quốc gia, tùy theo mục đích nghiên cứu và cách tiếp cận. Tại Việt Nam, Luật Du lịch (2005) định nghĩa Sản phẩm du lịch “là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch”. |
Tùy theo yếu tố thiên nhiên và quan điểm của mỗi quốc gia, từ đó hình thành một số mô hình sản phẩm du lịch tiêu biểu: Mô hình 4S (Sun, Sea, Shop và Sex tour - Mặt trời, Biển, Mua sắm, Du lịch tình dục; Mô hình 3H (Heritage, Hospitality, Honesty - Di sản, Lòng hiếu khách, Sự trung thực); Mô hình 6S (Sanitaire, Santé, Sécurité, Sérénité, Service, Satisfaction - Vệ sinh; Sức khoẻ; An ninh, trật tự xã hội; Sự thanh thản; Dịch vụ, phong cách phục vụ; Sự thoả mãn).
Một số nguyên tắc phát triển sản phẩm du lịch
Để phát triển sản phẩm du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập của du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế, việc tập trung xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, phát triển quy mô sản phẩm du lịch đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam cần dựa trên cơ sở một số nguyên tắc phát triển như:
Nguyên tắc phù hợp với nhu cầu khách: tìm hiểu nhu cầu, xu hướng của khách du lịch và nghiên cứu thị trường để tìm ra nguồn khách, thị trường mục tiêu, từ đó tiến hành các công việc kinh doanh du lịch.
Nguyên tắc lợi ích kinh tế: bất cứ đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch nào cũng cần phải xét đến những tác động của nó đối với nền kinh tế.
Nguyên tắc đặc sắc: nét đặc trưng của thiên nhiên, văn hóa của cộng đồng địa phương là nền tảng để tạo ra sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch.
Nguyên tắc bảo tồn và giữ gìn: khi khai thác tài nguyên du lịch cần bảo đảm nguyên tắc bảo tồn và gìn giữ môi trường, duy trì sự cân bằng sinh thái, nghiêm cấm việc phá hoại cảnh quan môi trường nhất là các tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt.
Kinh nghiệm của một số quốc gia
Trong xu thế phát triển du lịch chung, từ những thực tiễn, điều kiện phát triển sản phẩm du lịch khác nhau, ngành du lịch của một số nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á đã có những bước phát triển đáng chú ý.
Singapore
Singapore là một quốc đảo nhỏ bé, tài nguyên hạn chế, nhưng đã biết phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và nguồn lực con người để có những bước phát triển vượt bậc về du lịch. Từ năm 1965 đến nay, Singapore đã hoạch định chiến lược, xây dựng 6 kế hoạch phát triển du lịch khác nhau, đó là: “Kế hoạch Du lịch Singapore” (năm 1968), “Kế hoạch Phát triển du lịch” (năm 1986), “Kế hoạch Phát triển chiến lược” (năm 1993), “Du lịch 21” (năm 1996), “Du lịch 2015” (năm 2005), “Địa giới du lịch 2020” (năm 2012). Kinh nghiệm phát triển du lịch Singapore được tổng hợp là xây dựng, điều chỉnh chiến lược và các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội cho từng giai đoạn; năm yếu tố tạo thành công cho du lịch Singapore là điểm thắng cảnh (Attractions), phương tiện giao thông (Accessibility), cơ sở tiện nghi (Amenities), các dịch vụ hỗ trợ (Ancillary services) và sự điều chỉnh phù hợp về chính sách (Adjustment).
Campuchia
Campuchia với điểm đến nổi tiếng thế giới là Xiêm Riệp, đã có những kinh nghiệm trong xây dựng một thương hiệu được quốc tế công nhận thông qua các chiến dịch tiếp thị hiệu quả, khả năng tiếp cận cao đối với khách du lịch và một loạt những hoạt động kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Với một số chính sách cơ bản nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, như miễn, giảm thuế, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư du lịch mong muốn phát triển những dự án du lịch trong khu vực; chính sách phát triển hàng không Open Sky được triển khai từ năm 1999, cho phép các chuyến bay quốc tế hạ cánh ở Xiêm Riệp, dẫn đến tăng mạnh lượt khách đến.
Indonesia
Indonesia là một quốc gia hội tụ những điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình du lịch 3S (Sun, Sea, Sand). Để đạt được những mục tiêu đề ra, Indonesia đã chú trọng phát triển hạ tầng du lịch cao cấp, đặc biệt là những khu nghỉ dưỡng theo hướng bền vững nhằm vào thị trường khách nghỉ biển có khả năng chi trả cao; chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng về số lượng và chất lượng, hỗ trợ phát triển du lịch và bảo vệ môi trường như hệ thống giao thông vận tải, hệ thống thu gom và xử lý chất thải tại các khu nghỉ dưỡng; đầu tư Trung tâm hội nghị quốc tế và định hướng marketing bằng những sự kiện du lịch nổi bật; phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống trên cơ sở tôn trọng ý kiến, tập tục và tư duy của người bản địa.
Trung Quốc
Nhờ nâng cao chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, thủ tục hành chính gọn nhẹ, giao thông thuận lợi, giá cả hợp lý, sản phẩm du lịch theo chuyên đề rất đa dạng, những năm qua du lịch Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể. Chiến lược phát triển du lịch bền vững của Trung Quốc đã thúc đẩy sự hợp tác và thu hút sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế.
Với chủ đề chính là du lịch xanh, nên Chính phủ nước này đã không ngừng quan tâm bảo vệ môi trường; tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững, sử dụng công nghệ tạo ra những sản phẩm sạch và xanh, thu hồi chất phế thải, đồng thời xây dựng và quản lý hệ thống cây xanh. Trung Quốc hướng du lịch trở thành một bộ phận không thể thiếu và có mối quan hệ bền chặt với môi trường.
Hàn Quốc
Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch đối với nền kinh tế quốc dân, Hàn Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách và chương trình cải tổ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp không khói, như chính sách visa thông thoáng đồng thời có chủ trương cụ thể để khuyến khích du lịch nội địa; áp dụng hoàn thuế VAT tại các khách sạn; đầu tư mạnh mẽ để nâng cao sức cạnh tranh của du lịch MICE; phát triển du lịch kết hợp chữa bệnh; xây dựng thêm các bến tàu tại các cảng biển lớn để đón tàu biển du lịch và phát triển dịch vụ casino trên tàu; bố trí lực lượng cảnh sát du lịch để đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; có chính sách nâng cao năng lực của ngành hàng không để tăng cường thu hút khách quốc tế đến, cũng như tăng nguồn thu từ khách du lịch; thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái theo hướng thân thiện với môi trường.
Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Kế hoạch xúc tiến du lịch quốc gia để phát triển kinh tế, ổn định và cải thiện cuộc sống người dân, thúc đẩy hiểu biết quốc tế, thông qua thực hiện các giải pháp đồng bộ và toàn diện với mục tiêu đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia du lịch.
Một số giải pháp đã được Nhật Bản đề xuất và áp dụng như, giải pháp về tăng lượng khách quốc tế đến; giải pháp về nâng cao mức độ hài lòng của khách; giải pháp về tăng số lượng các cuộc hội nghị quốc tế; giải pháp về khuyến khích người dân Nhật Bản đi du lịch nước ngoài; giải pháp về kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa; giải pháp về nâng cao mức độ thỏa mãn của khách…
Bài học kinh nghiệm
Thông qua những kinh nghiệm nêu trên, chúng ta có thể rút ra cho một số bài học trong quá trình phát triển du lịch và sản phẩm du lịch của Việt Nam.
Thứ nhất, đối với quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch ở tầm quốc gia cần tập trung những vấn đề thực tế hơn cho giai đoạn trung hạn nhằm đảm bảo tính khả thi của các mục tiêu quy hoạch đặt ra.
Thứ hai, tổ chức không gian du lịch đã được xác định trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, theo đó, cần xác định rõ các địa bàn, không gian trọng điểm du lịch với chức năng du lịch chính.
Thứ ba, quy trình thực hiện các quy hoạch, kế hoạch của một điểm đến cần có sự tham gia của cộng đồng ngay từ giai đoạn đầu, tôn trọng ý kiến cộng đồng trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch du lịch nhằm bảo đảm các nội dung quy hoạch.
Thứ tư, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước về hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, cần có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi về visa để tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là từ các thị trường du lịch tiềm năng.
Thứ sáu, xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững, sử dụng công nghệ tạo ra những sản phẩm sạch và xanh phục vụ cho du khách.
Thứ bảy, hình thành các khu du lịch có sức cạnh tranh mang tầm khu vực và quốc tế; khai thác tốt tiềm năng du lịch để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc; bảo tồn, phát huy các nguồn tài nguyên về văn hóa, lịch sử, tự nhiên, cảnh quan…
Với định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và tăng cường hội nhập khu vực ASEAN, tiến tới là TPP, việc phát triển sản phẩm du lịch yếu tố đặc biệt quan trọng để Du lịchViệt Nam khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới. Để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, Việt Nam cần khai thác có hiệu quả các giá trị tự nhiên, nhân văn, lịch sử, văn hóa… riêng có, từ đó hình thành những sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.
ThS. Nguyễn Đức Tân