Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch của ĐBSCL còn thiếu về số lượng; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc ngày càng sâu và rộng. Đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch còn thiếu và yếu, cán bộ chuyên trách làm công tác du lịch ở quận, huyện không nhiều. Đội ngũ nhân viên nghiệp vụ du lịch của các địa phương thuộc ĐBSCL còn thiếu tính chuyên nghiệp, kỹ năng nghề chưa thuần thục, sử dụng được ngoại ngữ và tin học phục vụ được yêu cầu công việc không nhiều.
Nhằm đưa ra các khuyến nghị cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương, các đơn vị/doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, lữ hành và cơ sở đào tạo nghề du lịch về việc xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực địa phương và chính sách đào tạo mới, đào tạo tại chỗ, cũng như các công tác lựa chọn/ tuyển dụng nhân viên trong các doanh nghiệp, Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (gọi tắt là Dự án EU) đã thực hiện “Nghiên cứu khảo sát lực lượng lao động du lịch tại khu vực 3 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long – TP. Cần Thơ, Kiên Giang và An Giang năm 2015”. Nghiên cứu nhằm phân tích thực trạng về chất lượng của lực lượng lao động trong lĩnh vực lưu trú, lữ hành, đào tạo nghề du lịch và các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng lao động, từ đó chỉ ra sự thiếu hụt (nếu có) đối với các vị trí công việc chính trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và lữ hành cả về chất lượng và số lượng tại khu vực 3 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; dự báo nhu cầu về lực lượng lao động du lịch trong tương lai đối với các lĩnh vực dịch vụ lưu trú và lữ hành tại khu vực 3 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; đưa ra các khuyến nghị liên quan đến lực lượng lao động trong lĩnh vực lưu trú, lữ hành và đào tạo nghề du lịch, nhằm hỗ trợ Ban điều phối du lịch vùng (DMO) trong việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng.
Sau khi khảo sát thực tế, Dự án EU đã tiến hành đào tạo nguồn nhân lực du lịch nhằm nâng cao năng lực và nhận thức về du lịch có trách nhiệm đối với 4 đối tượng chính tại khu vực này, đó là: các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương và đội ngũ giảng viên, giáo viên của các trường cao đẳng nghề du lịch. Dự án đã nâng cao năng lực quản lý cho 37 lượt cán bộ của các Sở VHTTDL và nâng cao nhận thức về du lịch cho 200 cán bộ Cơ quan QLNN; đào tạo nâng cao năng lực cho hơn 550 người đang công tác tại các doanh nghiệp; đào tạo nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho 450 người tại các cộng đồng địa phương; đào tạo nâng cao năng lực cho 35 lượt giáo viên của các trường đào tạo du lịch ở 3 địa phương.
Dự án EU cũng đã tổ chức tọa đàm với các doanh nghiệp du lịch tại Cần Thơ về phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình khảo sát điển hình tốt về du lịch có trách nhiệm của đoàn báo chí tại Cần Thơ và An Giang (từ ngày 29/6 – 1/7/2016).
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm cũng đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến phát triển du lịch có trách nhiệm tại các địa phương; đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo Bộ Tiêu chuẩn nghề VTOS; định hướng, đề xuất giải pháp phát triển nguồn nhân lực như: đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy nghề du lịch cho các trường du lịch, bộ môn du lịch tại các trường cao đẳng, đại học trong vùng; đa dạng hóa các phương thức đào tạo, ngắn, trung, dài hạn, liên kết đào tạo, tập huấn và chuyên sâu; nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các địa phương; đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nguồn nhân lực; đổi mới chương trình đào tạo, nghiên cứu đặc trưng văn hóa, đặc điểm, thế mạnh kinh tế, xã hội, tiềm năng phát triển du lịch vùng; liên kết giữa các trường du lịch và các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch để tạo ra một quy trình khép kín, giúp trường đào tạo đúng nhu cầu xã hội, các công ty tuyển được nhân viên chuyên nghiệp, không mất thời gian đào tạo lại và sinh viên ngành du lịch được học đi đôi với hành... Đặc biệt, một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình đào tạo đã được các đại biểu nêu ra nhằm tìm giải pháp phù hợp để tiếp tục triển khai hoạt động này trong thời gian tới.
Nâng cao nhận thức trách nhiệm nghề nghiệp cho nhân viên ngành du lịch là yêu cầu bắt buộc. Có nhận thức tốt về nghề nghiệp, nhân viên sẽ có trách nhiệm, thái độ phục vụ tốt hơn, bởi hình ảnh của nhân viên du lịch cũng chính là hình ảnh đại diện của địa phương, quốc gia đối với du khách...
Thanh Hiền