Ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh du lịch nội địa, xây dựng kịch bản cụ thể sẵn sàng đón khách quốc tế khi thích hợp
Trong 6 tháng đầu năm 2020, trước tác động mạnh mẽ chưa từng có của đại dịch Covid-19 bùng phát tới mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có du lịch, mọi nhiệm vụ ưu tiên trong 6 tháng đầu năm của Ngành tập trung chủ yếu vào công tác phòng, chống dịch và kích cầu du lịch nội địa ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, đảm bảo mục tiêu kép vừa an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi du lịch.
Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2019, tháng 1/2020 Du lịch Việt Nam đón lượng khách quốc tế đạt mức kỷ lục gần 2 triệu lượt (tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2019) với nhiều thị trường trọng điểm tăng trưởng mạnh; khách du lịch nội địa đạt 7,3 triệu lượt (tăng 11%). Tuy nhiên, do tác động bởi đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 1/2020, các chỉ tiêu phát triển theo kế hoạch đều sụt giảm nghiêm trọng. Từ tháng 2/2020 lượng khách giảm hẳn và từ tháng 3 đến nay ngừng đón khách quốc tế. Cả 6 tháng, lượng khách quốc tế chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt (giảm 56,5%); khách nội địa chỉ đạt 23 triệu lượt (giảm 49,5%); tổng thu du lịch ước đạt 176.800 tỷ đồng (giảm 47,7%).
Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến hoạt động ngành Du lịch, khoảng 95% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước dừng hoạt động; gần 140 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20%. Nhiều lao động trong ngành Du lịch bị mất việc làm. Trong bối cảnh đó, TCDL đã bám sát tình hình, chủ động, kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai những biện pháp hành động ứng phó phù hợp và kịp thời phòng, chống dịch hiệu quả; các văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ các đối tượng là doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch bị ảnh hưởng của dịch.
Đặc biệt, TCDL đã tham mưu Bộ VHTTDL phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” từ đầu tháng 5/2020 ngay sau khi Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19 để kích cầu du lịch nội địa. Sau 2 tháng phát động, hoạt động du lịch nội địa đã phục hồi rõ rệt. Lượng khách nội địa tháng 6 đạt 7 triệu lượt tăng 2,3 lần so với tháng 5/2020. Lượng chuyến bay trong nước của các hãng hàng không đã hồi phục, thậm chí còn mở thêm nhiều đường bay mới với tần suất từ giữa tháng 6 vượt 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị chức năng của TCDL như Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn, Vụ Thị trường du lịch, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể triển khai 6 tháng cuối năm; đại diện các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL như Cục Hợp tác quốc tế, Vụ Đào tạo, Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường, Thanh tra Bộ… đã có các ý kiến tham luận góp ý cho công tác của TCDL cũng như thảo luận các phương hướng khôi phục phát triển du lịch sau dịch Covid-19.
Nhận định Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp nhưng rất dễ bị tổn thương, tiêu biểu như đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động du lịch thế giới và Việt Nam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng nhấn mạnh, trước tình hình dịch vẫn còn rất phức tạp, công tác dự báo là hết sức quan trọng cho 6 tháng cuối năm và cả năm sau để bảo đảm chủ động trong mọi tình huống. Thứ trưởng đồng thời đánh giá cao TCDL trong 6 tháng đầu năm đã chủ động phối hợp tốt với các địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động; tận dụng cơ hội triển khai tốt quá trình chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các nền tảng số. Trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quang Tùng đề nghị TCDL tiếp tục chú trọng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư phát triển du lịch thông minh; tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cơ cấu lại thị trường, sản phẩm phù hợp với bối cảnh mới; thúc đẩy mạnh mẽ chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” xuyên suốt; xây dựng quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam, tạo ra cơ cấu du lịch bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia phát triển Du lịch Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao nỗ lực của TCDL cùng toàn ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian qua đã chủ động ứng phó với những diễn biến rất phức tạp của đại dịch Covid-19, góp phần đảm bảo an toàn, triển khai hiệu quả chiến dịch kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, đó mới là những kết quả tích cực ban đầu, qua đó yêu cầu ngành Du lịch cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tăng trưởng mạnh du lịch nội địa hơn nữa, lan tỏa sâu rộng tạo thành một xu hướng người Việt Nam thích đi du lịch Việt Nam, đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn. Bộ trưởng cũng đồng thời chỉ đạo TCDL chuẩn bị kịch bản chi tiết sẵn sàng cho các phương án chủ động tổ chức hoạt động du lịch quốc tế ngay sau khi Chính phủ cho phép mở lại. Trong bối cảnh du lịch khu vực và thế giới hậu Covid-19 sẽ cạnh tranh rất quyết liệt để giành thị trường khách, Du lịch Việt Nam cần chủ động, sẵn sàng để nắm bắt cơ hội ngay khi điều kiện cho phép với các giải pháp cụ thể, thiết thực, mang lại hiệu quả.
Tiếp thu những chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng như những ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong thời gian tới, TCDL sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, đề án theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL; đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam để kích cầu du lịch nội địa trong thời gian tới; tăng cường truyền thông Du lịch Việt Nam an toàn và các hoạt động xúc tiến quảng bá trên cơ sở ứng dụng công nghệ số; có những trao đổi chuyên đề chuyên sâu hơn đưa ra các giải pháp chuẩn bị sẵn sàng các phương án đón khách du lịch quốc tế ngay sau khi Chính phủ cho phép.
Hạ Tinh