Du lịch đình làng – bảo tồn dấu ấn văn hóa địa phương
Hiện tại, toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 207 đình thần, trong đó có 6 ngôi đình được công nhận là di tích cấp quốc gia gồm: đình Bình Hòa (Giồng Trôm), đình Tiên Thủy, đình Tân Thạch (Châu Thành), đình Phú Lễ (Ba Tri), đình Long Phụng, đình Long Thạnh (Bình Đại). Về kiến trúc, đình ở Bến Tre đa số mang kiến trúc cổ truyền Nam bộ, dựng theo hình chữ nhất với cột kèo, đòn tay, mè rui bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, bên trên mái đình trang trí lưỡng long tranh trân châu, ngư hóa long vô cùng đẹp mắt và cổ kính. Các hoành phi, bao lam, câu đối bằng chữ Hán của đình rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa.
Nhìn chung, ngoài vị thần được thờ ở vị trí trung tâm là thành hoàng bổn cảnh, đình làng ở Bến Tre còn thờ thêm những vị thần khác như: Thần Nông; thổ địa; các vị thần tự nhiên như thủy thần; các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ. Việc thờ phụng này thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn tổ tiên dân tộc. Việc ghi nhận, biết ơn công lao những người có công với nước, với dân là một “thiết chế giáo dục” cơ bản, ý nghĩa thiết thực với cộng đồng qua nhiều thế hệ.
Mặc dù chung ý nghĩa và mục đích nhưng đình làng của mỗi vùng miền lại mang từng nét đặc trưng riêng, thể hiện tín ngưỡng, nét văn hóa của con người và địa phương nơi đó. Đây là một trong những cơ sở để xây dựng sản phẩm du lịch; làm đa dạng thêm loại hình du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lưu truyền và gìn giữ cho thế hệ mai sau.
Đình Phú Lễ
Nói đến đình làng có kiến trúc độc đáo bậc nhất Bến Tre không thể không kể đến đình Phú Lễ (huyện Ba Tri). Di tích nghệ thuật kiến trúc này được xây vào năm Minh Mạng thứ 7 (tức năm 1826) và được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 5 (năm 1851). Thềm và móng của Đình Phú Lễ được làm bằng đá xanh, bên trên xây gạch; cột bằng gỗ lim; mái lợp ngói vảy cá. Đình được bố trí theo lối chữ “Đinh” gồm võ ca, giảng đường và nhà tiền giảng.
Đến thăm đình Phú Lễ, ngoài việc được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo, du khách còn được thưởng thức ca nhạc tài tử, hát bội và đặc biệt là hát sắc bùa Phú Lễ. Hát sắc bùa là loại hình sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, mang tính nghi lễ và thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán để cầu may, chúc phúc cho gia chủ. Ngoài ra, hát sắc bùa cũng được biểu diễn trong khi lao động để khơi dậy tinh thần làm việc cho bà con dân làng ở miền biển Bến Tre. Ngày nay, du khách đến thăm huyện Ba Tri có thể thưởng thức món ăn tinh thần độc đáo này qua các dịp lễ hội.
Đình Tiên Thủy
Là một trong số những đình làng tại Bến Tre còn mang đậm những dấu mốc lịch sử quan trọng, đình Tiên Thủy (huyện Châu Thành) không chỉ có kiến trúc xây dựng độc đáo mà còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Tương truyền vào năm 1778, Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn và đến xã Tiên Thủy. Ông thấy nước sông ở đây trong veo lại có vị ngọt lành lạ thường nên đặt tên sông là Tiên Thủy (nước tiên). Sau đó, các bô lão trong làng đã họp và quyết định dựng lên một ngôi đình bằng cây lá đơn sơ ngay tại vị trí Nguyễn Ánh từng trú chân. Đến năm 1852, vua Tự Đức đã ban sắc phong cho ngôi đình này (vào ngày 11/11 âm lịch). Từ đó đến nay, cứ vào khoảng thời gian từ ngày 10-12/11 âm lịch hàng năm, bà con nơi đây lại tổ chức Lễ hội kỳ yên đình Tiên Thủy, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách thập phương.
Đình Bình Hòa
Là ngôi đình cổ nhất ở cù lao Bảo, nằm trên khu đất giồng ở ấp Bình Minh, làng Bình Hoà (nay thuộc thị trấn Giồng Trôm), cạnh đường 885 và cách thành phố Bến Tre 16km, đình Bình Hòa được xếp trong danh mục 20 ngôi đình lớn và có kiến trúc đẹp nhất tỉnh Bến Tre. Những tài liệu còn lưu giữ được đến nay cho thấy, đình được xây dựng vào thập kỷ thứ 2, thế kỷ XIX. Tính đến năm 2021, đình Bình Hòa đã có niên đại gần 200 năm. Đình được sắc phong vào năm Tự Đức thứ 6 (năm 1852).
Kiến trúc và nghệ thuât điêu khắc của đình hết sức cầu kỳ. Qua thử thách của thời gian với nắng mưa và khí hậu ẩm thấp, đặc biệt tác động phá hoại trực tiếp của bom đạn trong suốt 30 năm, đình làng Bình Hòa vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay. Hiện nay, đình còn lưu giữ được hơn 100 hiện vật điêu khắc gỗ có giá trị văn hóa cao với đường nét điêu khắc tinh tế, sắc sảo như: những bức hoành phi, liễn đối, bao lam, phù điêu, hương án, đồ lễ bộ... Ngày 7/1/1993, đình Bình Hòa được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Bảo Trâm