(Tạp chí Du lịch) - Không như một số thác nằm giữa núi rừng Tà Pứa hùng vĩ (xã Đức Phú, huyện Tánh Linh, Bình Thuận), thác Trượt chỉ có độ dốc thoai thoải tạo nên dòng chảy uốn lượn qua các khối đá bằng phẳng màu xanh thẫm. Nhưng đây lại là ngọn thác “phiêu” nhất khi có một “máng trượt” tự nhiên mà không ngọn thác nào có.
Nằm ở độ cao chỉ khoảng 200m, thác Trượt sở hữu nhiều nét đẹp say lòng mọi lữ khách. Bao bọc bởi những mảng xanh khổng lồ của nhiều loài thực vật quý hiếm là những khối đá nhẵn bóng nhiều kích cỡ, hình dáng xếp chồng lên nhau tạo nên dòng thác độc đáo. Nếu vào mùa mưa (tháng 5 đến tháng 10) thác thể hiện sự mạnh mẽ với dòng nước cuồn cuộn tung bọt trắng xóa khi từ trên đỉnh thác lao xuống, thì vào mùa khô (tháng 11 đến tháng 5) dòng thác chỉ là “dải lụa” mỏng lơ đãng chảy trên một phiến đá thích hợp cho trò chơi trượt thác.
Phiêu với thác Trượt chính là đến để hít thở căng lồng ngực bầu không khí lãng đãng hương vị núi rừng, đến để lắng nghe âm thanh rộn ràng của thiên nhiên vùng cao, đến để chinh phục những con dốc quanh co với đường đi nhỏ xíu chằng chịt dây leo, đến để khám phá nhiều điều thú vị của muôn loại cây lạ, hoa thơm, đến để chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo mà tạo hóa “vẽ” nên từ thảm thực vật, núi thác, mây trời, và đến để hòa lòng mình vào giữa thiên nhiên khi cùng nhau trượt trên dòng thác Trượt mát lạnh.
Nằm giữa xã Đức Phú và xã Mê Pu (huyện Đức Linh) cách thành phố Phan Thiết khoảng 100km, nên đến với thác Trượt có nhiều hướng di chuyển như từ Phan Thiết, TP. Hồ Chí Minh hay từ thị trấn Đambri (Bảo Lộc, Lâm Đồng) xuôi theo đèo Tà Pứa, rẽ phải là đến thác. Hiện chưa được khai thác du lịch nên thác Trượt còn rất hoang sơ và có nhiều điều thú vị hấp dẫn du khách.
Nguyên Vũ