Bản giao hưởng với đủ sắc thanh trong khoang miệng
Ngày nay, món phở khô Gia Lai đã dần trở nên phổ biến và có mặt tại nhiều địa phương, nhiều khu vực trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, do khẩu vị vùng miền có khác nhau, cho nên ở mỗi nơi đặt chân đến thì phở khô Gia Lai lại có một hương vị riêng biệt, không nơi nào giống nơi nào.
Theo những người sành ăn, muốn thưởng thức được chuẩn hương vị và ngon đúng chất thì phải thưởng thức món ăn này ngay tại phố núi, thủ phủ - nơi khai sinh ra món phở khô Gia Lai. Sợi phở ở trong món phở khô Gia Lai nhỏ, mỏng hơn và khá dai. Theo bà Nguyễn Thị Oanh, chủ một quán phở khá nổi tiếng ở thành phố Pleiku cho biết: “Sợi phở được làm hoàn toàn bằng hạt gạo, loại ngon và không pha trộn. Để chế biến thành sợi phở, gạo phải đem đi ngâm một thời gian, sau đó xay nhuyễn và kéo sợi. Điều đặc biệt của sợi phở là sau khi chần qua nước sôi, vẫn có sự tách rời, chứ không dính lại, nhũn ra giống như là một số sợi hủ tiếu khác”.
Một điều dễ thấy ở món phở khô Gia Lai, đó chính là hình thức trang trí và cách thức phục vụ. Gọi là phở khô, chính là vì có một tô đựng riêng phở và một số gia vị, nguyên liệu khác như: tương đen, hành phi, tóp mỡ, giá, cùng một số gia vị thuộc “bí kíp” của mỗi cơ sở, nhà hàng, quán ăn. Bên cạnh tô đựng phở (tô khô) thì luôn kèm theo một tô khác đựng nước dùng (hay còn gọi là nước lèo, thường là nước hầm từ xương), cùng với những món thịt đi kèm như thịt bò (tái, gân, gàu, nạm…) hay gà. Tô nước dùng này cũng sẽ quyết định đến chất lượng món ăn ngon hay không. Thông thường, nước dùng được làm khá sánh, quyện và nhiều chất béo. Tuy nhiên, tùy theo người dùng mà những chủ quán hiếu khách sẽ nêm nếm vừa dùng theo khẩu vị của từng vị khách, nếu có yêu cầu riêng. Việc ăn phở khô luôn có 2 tô nên nhiều người cũng gọi vui đây là phở 2 tô, giống như ăn hủ tiếu khô của người miền Nam vậy. Mỗi lần ăn, lấy đôi đũa gắp sợi phở, người dùng sẽ nếm thêm muỗng nước dùng. Nó vừa có cảm giác của một món khô nhưng lại kèm với nước, tạo nên âm hưởng riêng biệt, khác hẳn so với những món ăn khác. Đó đúng là một bản giao hưởng với đủ sắc thanh trong khoang miệng khi chúng tôi thưởng thức món ăn này. Đặc biệt, sợi phở ăn kèm với nước dùng có một sự hòa quyện hết sức tinh tế, nhẹ nhàng mà chúng tôi cho rằng đến những vị khách khó tính cũng có thể cảm nhận được ngay từ đũa ăn đầu tiên.
Đi tìm “bí kíp” của món ngon
Đến với Gia Lai, ngay tại thành phố Pleiku, hiện có khá nhiều quán phở khô ngon trứ danh. Điển hình như người thích ăn có thể dễ dàng tìm kiếm các quán phở khô Gia Lai trên đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Trỗi hay Phan Đình Phùng và nhiều con đường khác ở thành phố Pleiku. Ngoài ra, cũng đã có nhiều chi nhánh của các cơ sở này đã có mặt ở khắp nơi như tại TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, thậm chí ra tới cả Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.
Theo cảm nhận của chúng tôi, bí quyết làm nổi bật của món phở khô này thì ngoài nước dùng, sợi phở ra, đó chính là một loại tương vô cùng độc đáo và đặc biệt. Loại tương này được làm từ hạt đậu tương của vùng cao nguyên, được cho là ngon vô đối và được chế biến hết sức kỳ công.
Trò chuyện với một số chủ quán trong những ngày ở Gia Lai thì được biết tương càng ủ lâu càng ngon. Nó được thể hiện qua màu sắc: sáng, mịn và sánh khi bày biện trên bàn ăn.
Thật vậy, không có gì thú vị hơn khi buổi sáng thức dậy, ăn tô phở khô Gia Lai trong không khí se se lạnh, gió thổi nhè nhẹ ở vùng đất cao nguyên thì mới đã làm sao. Kế đến, thưởng thức ly cà phê ở phố núi như một sự khởi đầu hoàn hảo cho một ngày tốt lành, đầy năng lượng, sáng tạo. Đó là điều mà chúng tôi đã cảm nhận được khi đặt chân đến Gia Lai.
Thanh Tùng