Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết: Quy tắc ứng xử trong du lịch đang trở thành nhu cầu cấp bách của xã hội hiện nay do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của đất nước Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực du lịch. Do đó, năm 2016, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” và đưa ra những lời khuyên về 10 hành động đẹp trong ứng xử khi đi du lịch trong và ngoài nước. Chiến dịch này không chỉ nhận được sự hưởng ứng của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch mà các Bộ, ngành, địa phương cả nước cũng phát động các chiến dịch ứng xử văn minh trong nhiều lĩnh vực của xã hội. Nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Yên, Đồng Tháp... đã ban hành bộ quy tắc ứng xử, hướng dẫn khách du lịch cách ứng xử đúng mực.
Tuy nhiên, nhìn lại một năm sau khi phát động chiến dịch, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Bởi, những bất cập, tồn tại về ứng xử của du khách Việt vẫn gây nhức nhối cho cộng đồng như: không giữ vệ sinh nơi công cộng; chụp ảnh tư thế phản cảm ở các khu di tích, lịch sử; chen lấn, xô đẩy, cướp lộc tại các lễ hội…
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Đây chính là tín hiệu tốt cho thấy sự quyết tâm của toàn ngành du lịch cũng như chính quyền các địa phương trong việc cải thiện, nâng cao hình ảnh của Du lịch Việt Nam, hướng tới du lịch văn minh, thân thiện, hấp dẫn.
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đại diện cho các công ty lữ hành du lịch, vận chuyển, đào tạo… đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và có những đề xuất để ngày càng nâng cao hình ảnh, ứng xử văn minh của du khách Việt trong hoạt động du lịch.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đánh giá cao chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt trong một năm qua. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2017, việc cải thiện nâng cao hình ảnh du khách Việt là giải pháp quan trọng, đồng thời là cơ hội để chúng ta hội nhập với thế giới. Bởi, xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam văn minh cũng là một dạng tài nguyên, tăng sức hút của du lịch Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế; cần làm quyết liệt không chỉ dừng lại là chiến dịch mà phải thành cuộc vận động để thường xuyên, bền bỉ nâng cao văn hóa ứng xử của Việt Nam với quốc tế… Đồng thời, ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh thêm, các doanh nghiệp phải đi đầu trong chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt và hình ảnh du lịch Việt, vì xây dựng chiến dịch này chính là xây dựng văn hóa, thương hiệu cho doanh nghiệp. Mặt khác, cần phát huy vai trò của các cơ quan Nhà nước trong quản lý, định hướng cộng đồng, doanh nghiệp về xây dựng văn minh trong du lịch. Không chỉ vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần lấy đây là tiêu chí để cấp phép, khen thưởng cho doanh nghiệp hoạt động du lịch.
Kết thúc tọa đàm, đại diện các công ty lữ hành du lịch, cơ sở đào tạo du lịch đã ký kết biên bản chung về việc cam kết nâng cao hình ảnh du khách Việt trong năm 2017.
Tú Lê