Mặc dù thời gian qua du lịch Hà Nội có bước phát triển và đạt được những kết quả quan trọng được ghi nhận, tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý, du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thủ đô, nguyên nhân chính là “thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường”. Vì vậy, mong muốn được nghe ý kiến các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, cũng như kinh nghiệm phát triển du lịch của các địa phương trong cả nước thể hiện tinh thần cầu thị, quyết tâm phát triển du lịch thủ đô thành trung tâm du lịch lớn nhất nước của thành phố Hà Nội.
Ghi nhận và đánh giá cao việc tổ chức hoạt động thiết thực này nhằm tăng cường phối hợp, liên kết phát triển ngành du lịch giữa các địa phương đồng thời cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, Hà Nội cần khắc phục 3 vấn đề để thúc đẩy du lịch phát triển. Đó là định vị phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến thương hiệu và phát triển cơ sở lưu trú.
Ông Tuấn lưu ý du lịch Hà Nội từ năm 2011 đến nay chỉ có thêm một số tổ hợp lưu trú cao cấp như LandMark KengNam, Lotte, Marriott… trong khi đó nhiều địa phương đã có các tổ hợp lưu trú quy mô lớn từ 4.000 – 6.000 phòng.
“Với lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng trưởng trên 10% như hiện nay đã lúng túng về cơ sở lưu trú cao cấp, nếu mức tăng là 30% thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp”, ông Tuấn nói.
Theo ông Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, thành phố Hà Nội đang rất thiếu các khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế cho du khách trong nước và thiếu các thương hiệu lữ hành tầm cỡ để cung cấp các dịch vụ du lịch chất lượng cao, bảo đảm cho du khách nước ngoài trước các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, thái độ ứng xử đối với du khách… Ngoài ra, du lịch Hà Nội cũng cần cải thiện cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá thương hiệu để trở thành trung tâm du lịch của cả nước và là đầu mối liên kết với du lịch các tỉnh, thành phố khác.
Hội nghị đã ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển du lịch phản ánh về những vướng mắc trong hoạt động kinh doanh, như môi trường cạnh tranh còn chưa bình đẳng, chính sách thuế, cho thuê đất với doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển chưa có sự linh hoạt để khuyến khích du lịch phát triển, các quy định giao thông bất hợp lý..., sáng kiến đề xuất không gian áo dài tại phố đi bộ…
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, ngành Du lịch hoan nghênh và tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, các vấn đề sẽ được nghiên cứu và từng bước tháo gỡ.
Về vấn đề phát triển cơ sở lưu trú, ông Đỗ Đình Hồng cho biết, Hà Nội đã quy hoạch một số địa điểm để xây dựng khách sạn cao cấp đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch, từ nay đến 2020 Hà Nội sẽ có thêm 4- 5 khách sạn 5 sao để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách.
Việt Hùng