Những năm qua, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã tham gia nhiều hội chợ du lịch quốc tế hàng năm, tiêu biểu là ITB (Đức), MITT (Nga), JATA (Nhật Bản)… Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ đã được các doanh nghiệp đặt ra sau khi thực tế tham gia các hội chợ du lịch quốc tế.
Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist nhận định, thực tế việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế những năm qua còn manh mún, dàn trải và lãng phí. Cần phải có “nhạc trưởng” cho công tác tham gia hội chợ và có sự phân vai cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch thay vì có rất nhiều đầu mối chỉ đạo và thực hiện như hiện nay, dẫn đến nội dung tại các hội chợ trùng lặp gây lãng phí mà hiệu quả không cao.
Công tác tổ chức, chuẩn bị cũng như duy trì việc tham gia hội chợ liên tục là vấn đề quan trọng cần được quan tâm. Theo ông Nguyễn Hồng Đài - Giám đốc APT Travel, doanh nghiệp đã 8 năm tích cực tham dự các hội chợ du lịch quốc tế, cần chú trọng khâu chuẩn bị từ các sản phẩm, gian hàng, liên lạc với các đối tác (buyers) trước khi tham gia hội chợ, cần duy trì tham gia hội chợ và liên lạc liên tục 3-4 năm liền mới thu được hiệu quả. Ông Lưu Đức Kế cho rằng, cần phải nghiên cứu tính chất của các hội chợ để có chương trình tham gia phù hợp, đồng thời việc đăng ký sớm lựa chọn diện tích và đối tác tại hội chợ cũng rất quan trọng vì liên quan tới chi phí. Đây cũng không phải sân chơi của riêng những doanh nghiệp lớn nhưng nên có những doanh nghiệp nòng cốt để có những gian hàng đẹp mang hình ảnh quốc gia.
Đại diện cho doanh nghiệp tích cực tham gia xúc tiến qua các hội chợ hơn 30 năm qua, bà Lê Nguyễn Mai Hoa - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội cho biết: Xác định thị trường nước ngoài luôn là thị trường trọng điểm và chiếm 3/5 tỷ trọng của công ty, Vietnamtourism-Hanoi tham gia trung bình 14 -15 hội chợ lớn nhỏ mỗi năm. Do đó, cần tăng cường hiệu quả tham gia hội chợ cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Bên cạnh các hội chợ lớn chính như ITB, VTM…, cần nghiên cứu thêm một số hội chợ nhỏ phù hợp với tính chất thị trường, duy trì thường niên ít nhất khoảng 3 năm; đồng thời cần có thông tin sớm và cụ thể hơn ngay từ đầu năm để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia hơn.
Về công tác xúc tiến quảng bá tại hội chợ, bà Đặng Bích Thọ - Công ty Cổ phần Hanoi Redtours cho rằng: Muốn làm du lịch phải bám văn hóa Việt Nam, cần đổi mới tiếp cận quảng bá xúc tiến, không quá nhiều brochure, tờ rơi mà cần có video quảng bá với hình ảnh chân thực cũng như mang sản phẩm làng nghề đến giới thiệu tại hội chợ để thu hút du khách. Các doanh nghiệp cần tập trung vào thế mạnh của mình để tham gia các hội chợ một cách phù hợp và hiệu quả, ví dụ Saigontourist liên tục tham gia các hội chợ về du lịch tàu biển và thực sự đã có những bước tiến mạnh trong lĩnh vực này. Ngoài ra, cần có sự chung tay góp sức của các khách sạn và nhà hàng với hiệp hội và các doanh nghiệp lữ hành khi tham gia hội chợ. Cũng trao đổi về công tác quảng bá xúc tiến, một đại diện doanh nghiệp đến từ Nga đánh giá: Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch nên không chỉ tham gia các hội chợ mà còn hướng tới tham gia các roadshow, triển lãm quốc tế để mở rộng quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, đặc biệt là cần chú trọng làm quảng bá bằng ngôn ngữ tiếng Anh tốt hơn.
Đa số ý kiến của các doanh nghiệp đồng ý rằng, ngay sau khi hội chợ kết thúc, cần tổ chức các đoàn famtrip, presstrip của đối tác sang Việt Nam vì đây là hoạt động mang tính quyết định hiệu quả của việc xúc tiến tại hội chợ có thành công hay không. Bà Mai Hoa - Vietnamtourism gợi ý cân nhắc việc tổ chức famtrip cho các blogger nổi tiếng, vì trong thời đại công nghệ số này, việc quảng bá du lịch thông qua các blog, mạng xã hội có sức lan tỏa lớn.
Để đạt hiệu quả tham gia hội chợdu lịch quốc tế thì vai trò của hàng không vô cùng quan trọng nhưng cũng đang là vướng mắc đối với nhiều hãng lữ hành. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng: Lâu nay, các doanh nghiệp hay bị động và khó khăn khi tham gia hội chợ vì vấp phải vấn đề vé máy bay, do đó cần tăng cường vai trò và trách nhiệm của các hãng hàng không, có những chính sách cho các hãng hàng không tư nhân tham gia nhiều hơn để nâng cao năng lực vận chuyển, tạo điều kiện cho các hãng lữ hành tham gia hội chợ. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cam kết tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các hãng hàng không tạo điều kiện chuyển một phần lượng vé giá rẻ online sang cho các hãng lữ hành bán tour. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế, các doanh nghiệp lữ hành cũng cần chủ động về vé máy bay tham gia hội chợ với chi phí thuận lợi.
Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh: để nâng cao hiệu quả tham gia hội chợ du lịch quốc tế, trước mắt cần tiến tới hình thành các nhóm doanh nghiệp theo các định hướng thị trường rõ ràng để tổ chức những tọa đàm riêng về công tác xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá và liên hệ đối tác một cách cụ thể chuẩn bị cho các hội chợ. Các doanh nghiệp cũng nên có ngân sách dành riêng cho quảng bá xúc tiến, cần duy trì liên tục trong nhiều năm mới thu được kết quả. Mỗi doanh nghiệp cần xác định luồng khách riêng của mình, tránh triệt để việc giành giật, tranh cướp khách của nhau.
Bên cạnh đó, lên kế hoạch tham gia hội chợ sớm cũng như có sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các bên liên quan, quy tụ nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp du lịch và các đối tác hàng không cũng là việc cần quan tâm - đó là khẳng định của ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Tổng cục Du lịch tại tọa đàm. Một vấn đề nữa cũng được các doanh nghiệp đề xuất đó là tối đa hóa vai trò và sự phối hợp của các Trung tâm văn hóa Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế.
Hạ Tinh