Những chiếc thuyền trên dòng sông Hương
Trong lịch sử, mặc dù số lượng rất khiêm tốn, nhưng những chiếc thuyền rồng truyền thống Huế (long thuyền/long chu) đã từng góp mặt vào sự đa dạng của chủng loại ghe thuyền trên dòng sông Hương. Hình ảnh của chúng là minh chứng cho thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến triều Nguyễn, với những tên gọi như: Ngự Chu, Long thuyền, Tế Thông, Yến Dư, Lê Thuyền, Tương Đắc, Tường Long…
Sau nhiều biến động lịch sử, chính trị và xã hội, từ nguyên bản là vật dụng của tầng lớp vua chúa, những chiếc thuyền rồng trở thành phương tiện du ngoạn của giới quý tộc, thượng lưu dưới thời Pháp thuộc. Loại hình ca Huế trên sông cũng thế, từ một thú chơi vương giả, đã chuyển mình theo hướng “xã hội hóa” diễn xướng trên ghe thuyền. Con đò lúc này là nơi để “giao lưu văn hóa của nhiều lớp người”, đưa đón khách thập phương... Hình ảnh của chúng được mô tả khá chi tiết (hình dáng, kích thước, đặc điểm…) trong nhiều tư liệu đương thời, và ít nhiều, chúng đã góp phần định hình bản sắc văn hóa Huế.
Hình ảnh chiếc thuyền rồng du lịch ở Huế hiện nay, có thể xem là sản phẩm của quá trình “cung đình hoá” từ con đò cư trú thông thường của đông đảo ngư dân Huế, trở thành dạng “sân khấu trên sông”, xuất hiện, gia tăng số lượng, tỉ lệ thuận với nhu cầu của du khách sau khi cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Không ngoài mục đích kiếm tìm một sản phẩm du lịch phù hợp với bản sắc văn hóa Huế: thuyền rồng du lịch sông Hương, qua thực tế khảo sát và tìm hiểu, bài viết này đề xuất một số giải pháp trong việc điều chỉnh, cải tạo mẫu hình thuyền vốn có, trên cơ sở kế thừa những yếu tố truyền thống.
Thực trạng thuyền rồng du lịch Huế
Với Huế, sông Hương đã trở thành thực thể gắn kết không thể tách rời, làm nên mảng văn hóa sông nước đặc thù. Đây cũng đã và đang là “đất sống” của rất nhiều “vạn đò” - bộ phận cấu thành cư dân TP. Huế.
Sau thời kỳ hoàng kim, sự nhộn nhịp của sông Hương về đêm với sự góp mặt của không ít con đò truyền thống dần trở nên im lắng bởi rất nhiều lý do. Các vạn dân trở lại với phương cách kiếm sống vốn có trong bối cảnh nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt. Cuộc sống của họ, vì thế cũng rất bấp bênh, và đa số đã tìm kế sinh nhai bằng việc chuyển đổi sang lao động giản đơn ở phố thị. Mãi về sau, khi cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, cùng với việc gia tăng lưu lượng du khách tham quan, ngư dân như tìm thấy một sinh kế mới. Con đò lúc này lại trở lại với chức năng vốn đã từng sử dụng. Chúng được chỉnh trang, đóng mới, dùng làm phương tiện phục vụ nhu cầu du lịch, tham quan, thụ hưởng các sản phẩm văn hoá… cho nhiều thành phần du khách đến Huế. Trên nền cấu trúc căn bản, thuyền rồng hiện nay được hiện đại hóa rất nhiều kiểu dáng, sơn vẽ với nhiều motif, mà đa phần không hề hiện diện trong văn hóa truyền thống Huế, gây nên sự phản cảm.
Xem ca Huế trên sông Hương là một phần không thể thiếu trong chuyến đi của du khách khi tới Huế, nhưng hình ảnh của những con thuyền phục vụ ca Huế hiện nay lại không tương xứng với những gì mà họ mong đợi. Đa phần du khách cho rằng chiếc thuyền hiện nay được sơn vẽ khá lòe loẹt, kiểu dáng khá hiện đại với nhiều vật liệu như inox, nhôm, kính khiến chúng trở thành hình ảnh tương phản với những gì họ từng hình dung trước khi đến Huế: đây là nơi còn lưu giữ nhiều điều cổ kính, cầu kỳ với nhiều chuẩn mực rất khắt khe...
Một cảm nhận khác khi bước lên chiếc thuyền, tham gia vào đêm ca Huế trên sông, chuẩn mực an toàn và tiện nghi không có gì phải bàn, nhưng du khách lại không cảm thấy thích thú. Bởi đơn giản, ngoài việc nghe ca Huế, họ còn muốn tham dự vào những điều kiện sinh hoạt mà bộ phận cư dân sông nước vốn đã và đang có. Đó cũng là một trong những mục đích của chuyến đi…
Hầu hết các thuyền rồng du lịch Huế hiện đã nâng cao trần mái, có chiếc còn tạo cổ lâu và mái đao. Đây là giải pháp tạo không gian thoáng đãng cho du khách. Từ hình dáng thuyền rồng hiện nay, qua đối sánh với mẫu hình truyền thống trong tư liệu, cùng cảm nhận của nhiều du khách, chiếc thuyền rồng cần có những điều chỉnh, cải tạo để tạo ấn tượng về một loại hình phương tiện, một sản phẩm du lịch và hoạt động văn hóa song hành đặc thù.
Giải pháp cho chiếc thuyền du lịch Huế hiện nay
Sau rất nhiều lần khảo sát, thảo luận với nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa… với ý đồ kiếm tìm một mẫu hình mang nhiều nét truyền thống Huế, chúng tôi đưa ra ý kiến trong việc cải tạo, đóng mới thuyền rồng trên cơ sở kế thừa và tận dụng những gì đã và đang có trên sông Hương hiện nay.
Với việc đóng mới thuyền rồng du lịch
Xác định nguồn vốn đầu tư, xây dựng mẫu hình thuyền rồng căn cứ trên bản vẽ của nhiều tư liệu trước đây. Việc đóng mới chiếc thuyền rồng du lịch cần khoảng kinh phí không nhỏ (từ 150 triệu đồng cho chiếc thuyền đơn đến khoảng 400 triệu cho chiếc thuyền đôi), điều này đôi lúc nằm ngoài khả năng của đa phần cư dân sông nước. Trong khi đó, với khoản đầu tư ít hơn, đã có thể đóng mới chiếc thuyền cư trú cổ truyền, sử dụng những loại vật liệu truyền thống. Điều cốt lõi trong việc chuyển đổi và tạo nên một sản phẩm du lịch thuyền rồng cho Huế vẫn phải căn cứ trên nguồn vốn đầu tư. Những điều tra về tâm lý, số lượng du khách, nhu cầu và khả năng của người chủ phương tiện sẽ là những tiêu chí để điều chỉnh phù hợp.
Với nguồn vốn đầu tư ít, khi đóng mới thuyền rồng du lịch, có thể giữ nguyên mẫu hình truyền thống để phù hợp với văn hóa Huế, và tập hợp vào những tổ chức tương tự như “hội bạn thuyền” vốn có của cư dân sông nước để hỗ trợ nhau tồn tại và phát triển. Với nguồn vốn đầu tư lớn, chủ trương phục dựng mẫu hình long thuyền hay quan thuyền truyền thống, nhằm làm đa dạng chủng loại ghe thuyền trên sông Hương, là một trong những yếu tố để thu hút du khách. Và cho dù nguồn vốn đầu tư ít hay nhiều, mỗi một chiếc thuyền được đóng mới buộc phải tuân thủ quy hoạch của cơ quan chức năng quản lý, thực hiện nguyên mẫu bản vẽ thiết kế cụ thể, sau khi bản thiết kế này đã được sự góp ý và thông qua của các ban ngành chuyên môn.
Về motif và màu sắc trang trí: phục nguyên hệ motif trang trí truyền thống vốn có, có chăng là sự thay đổi chất liệu và điều chỉnh vị trí thể hiện. Cơ sở cho thao tác này là nguồn tư liệu văn bản vốn rất phong phú. Chúng tôi cho rằng, để làm được điều này, cần có những điều tra cụ thể về tâm lý du khách, sở thích, nguyện vọng của đối tượng sử dụng, trực tiếp sở hữu, song song với việc thu thập tư liệu văn bản. Đây sẽ là những cứ liệu để nhiều ban ngành chuyên môn.
Cải tạo trên mẫu hình vốn có
Việc cải tạo thành một mẫu hình khác trên những loại hình thuyền rồng vốn có đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và phải dựa trên cơ sở cùng phối hợp thực hiện giữa các ban ngành chức năng và chuyên môn. Căn cứ trên bản vẽ tiêu chuẩn, những chi tiết, bộ phận, hình vẽ trang trí v.v… trên chiếc thuyền rồng hiện nay cần được tháo dỡ hay bổ sung, để phục dựng theo mẫu hình truyền thống sẽ được quyết định, cùng với sự tham gia ý kiến của đối tượng trực tiếp sở hữu. Trong vấn đề này, công tác tư vấn hay việc thoả thuận giữa cơ quan chức năng với đối tượng sở hữu về nguồn kinh phí cải tạo là rất quan trọng.
Một vấn đề khác cần quan tâm nhằm tạo môi trường hoạt động cho những chiếc thuyền rồng được thiết kế theo mẫu hình truyền thống, đó là công tác tổ chức sinh hoạt ca Huế trên sông. Người Huế từng chứng kiến hình ảnh của nhiều chiếc đò chở khách, tập trung lại giữa dòng sông, thưởng thức các điệu hát, lời ru. Và góp vui cho một đêm ca Huế, còn có không ít chiếc ghe nan chở nhiều món ăn truyền thống phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách.
Hình ảnh đó, hiện nay hoàn toàn có thể tái hiện, đưa sông Hương trở lại nguyên vẹn với không gian của một loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo – tất nhiên, bối cảnh thể hiện sẽ có những điều chỉnh phù hợp. Những chiếc thuyền dành riêng cho đoàn ca Huế sẽ neo đậu giữa sông, làm thành một sân khấu thực sự, và du khách sẽ được đưa đến gần, cập mạn để thưởng thức trên các chiếc thuyền đơn hay đôi. Một không gian sinh hoạt văn hóa sinh động sẽ hình thành giữa dòng sông thơ mộng, mà chúng tôi tin rằng, đó sẽ là những ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phạm Quỳnh (1998), “Mười ngày ở Huế”, trong Nam Phong tạp chí (tập 2), số 10, tháng 4.
- Bửu Kế (1996), Nguyễn triều cố sự - huyền thoại về danh lam xứ Huế, Đà Nẵng: NXB. Đà Nẵng.
- Phan Hoàng Quý (1970), Cư dân sông Hương, Luận văn cao học, Sài Gòn: Trường Ðại Học Văn Khoa.
- Phan Hoàng Quý (1999), “Sinh hoạt những vạn đò trên sông Hương trước 1975”, trong Nghiên cứu Huế (tập I), Huế: Trung tâm Nghiên cứu Huế xuất bản.
- Phan Hoàng Quý (2001), “Sinh hoạt kinh tế những vạn đò trên sông Hương trước 1975”, trong Tập san Nghiên cứu Huế (tập 2), Huế: Trung tâm Nghiên cứu Huế xuất bản.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Khâm Định Đại Nam hôi điển sự lệ (quyển 217 – 219 [Bộ Công: Chính sách về thuyền]), Huế: NXB. Thuận Hóa. |
Bảo Đàn - Hoàng My
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)