Thạch Thất là một vùng đất cổ, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, nằm ở phía Tây Hà Nội, với 209 di tích đình, chùa, đền, quán, miếu, văn chỉ… trong danh mục kiểm kê di tích của thành phố, trong đó di tích chùa Tây Phương được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, bộ tượng Phật giáo thời Tây Sơn tại chùa Tây Phương đã được công nhận là bảo vật quốc gia, 33 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 62 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, Thạch Thất là huyện có trên 50 làng có nghề, trong đó có 10 làng nghề đã được cấp bằng công nhận danh hiệu “làng nghề truyền thống”. Có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng sản xuất ra những sản phẩm, món ăn tạo thành đặc sản của Thạch Thất - xứ Đoài như: chè lam, chuồn chuồn tre Thạch Xá, chè kho Đại Đồng, nghề quạt giấy, nghề mộc ở Chàng Sơn, mây tre giang đan Bình Phú…
Cùng với đó, huyện Thạch Thất là vùng đất chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo với hệ thống dày đặc các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng. Nhiều môn nghệ thuật cổ truyền được lưu giữ gắn với những lễ hội văn hóa truyền thống như: chèo Canh Nậu, Đại Đồng; múa rối nước Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá… Ngoài ra, huyện còn có hàng trăm trang trại, khu sinh thái và các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch.
Sau khi khảo sát tại các điểm đến huyện Thạch Thất bao gồm chùa Tây Phương, làng nghề làm chuồn chuồn tre Thạch Xá, làng nghề sản xuất quạt giấy Chàng Sơn, đền thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và Khu du lịch sinh thái Hoàng Long, hơn 30 doanh nghiệp lữ hành và cơ quan truyền thông báo chí đều nhận định rằng Thạch Thất có nhiều sản phẩm du lịch có tiềm năng thu hút du khách, nhất là thị trường khách quốc tế đến từ châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản… Bởi du khách quốc tế đến Việt Nam, đến Hà Nội để tìm kiếm các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống và các địa danh, di tích lịch sử văn hóa cùng môi trường khác biệt với cuộc sống hàng ngày của họ, mà chính không gian làng quê với các sản phẩm làng nghề này sẽ tạo nên điều khác biệt đó.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Kiều Hoàng Tuấn cho biết: Trong những năm qua, huyện Thạch Thất đã tiến hành quy hoạch về phát triển du lịch mang bản sắc riêng của vùng, tập trung chủ yếu vào các loại hình như du lịch văn hóa - lễ hội; di tích làng nghề; sinh thái… Nhiều dự án phát triển du lịch cũng đã được triển khai, trong đó có việc tu bổ các di tích trọng điểm; kêu gọi các nhà đầu tư vào các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa; kết nối các tour, tuyến du lịch theo trục Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, trong đó có những cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao như Khu du lịch sinh thái Hoàng Long…
Tuy nhiên, để du lịch Thạch Thất phát triển hơn nữa, trở thành điểm đến yêu thích của du khách khi đến Hà Nội, cần phải có những giải pháp chung tay xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện. Nhiều ý kiến từ chuyên gia quốc tế và doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát cho rằng: cần đầu tư thêm cơ sở hạ tầng dịch vụ phụ trợ như các quán hàng ăn vừa là điểm dừng chân vừa giới thiệu ẩm thực địa phương; tăng cường sự kết nối giữa các điểm đến làng nghề thông qua bổ sung các dịch vụ như tour xe đạp; bổ sung các bảng, biển chỉ dẫn vào các điểm di tích, làng nghề…
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải nhấn mạnh: Sở Du lịch Hà Nội sẽ cùng với chính quyền huyện Thạch Thất thống nhất các nội dung nhằm phát triển du lịch của huyện trong thời gian tới, trước hết sẽ khảo sát gắn các biển chỉ dẫn du lịch, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho cán bộ quản lý tại địa phương cùng các hộ dân làng nghề và tham gia làm dịch vụ du lịch tại Thạch Thất.
Hoa Trang