Đa dạng các trò chơi dân gian
Theo khảo sát của Đề tài “Đánh giá tính hấp dẫn của trò chơi dân gian Việt Nam đối với khách du lịch”, 42% số người từ 40 tuổi trở lên ưu tiên lựa chọn loại hình du lịch văn hóa có gắn với hoạt động của trò chơi dân gian bên cạnh các loại hình du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm,… 30% mong muốn kết hợp trong sản phẩm du lịch văn hóa các hoạt động trải nghiệm thực tế như tham gia làm các sản phẩm thủ công của làng nghề, tham gia vào các phong tục lễ nghi của điểm đến hay một trò chơi dân gian. Những trò chơi dân gian nhẹ nhàng, mang tính thư giãn, giải trí, mang đến sự thư thái cho tinh thần và vận động nhẹ về thể chất được họ quan tâm và ưu tiên hơn cả. Đối với đối tượng học sinh, sinh viên, các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với trò chơi dân gian là dịp vừa học vừa chơi. 84% số học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội và Hải Phòng được hỏi đã biết đến các trò chơi dân gian như pháo đất, thả diều và đèn trời nhưng 79% không biết cách chế tạo đồ chơi, luật chơi và hình thức tham gia trò chơi. 59% mong muốn có cơ hội khám phá các trò chơi dân gian hơn là dành thời gian ở nhà cho các game online hiện đại. Bởi vậy các sản phẩm du lịch văn hóa có sự tham gia trải nghiệm các trò chơi dân gian tại điểm là một hình thức giúp học sinh, sinh viên vừa học hỏi, tìm hiểu về truyền thống văn hóa của quê hương mình; vừa là một hoạt động vui chơi ngoài trời bổ ích và lý thú.
Vì đặc thù của tài nguyên văn hóa phi vật thể phân bố trên một vùng không gian rộng lớn nên việc xác định điểm du lịch sẽ tập trung vào những địa danh có sự đa dạng văn hóa. Đó có thể là một ngôi làng, một thôn, xã có quy tụ nhiều giá trị văn hóa khác nhau, trong đó tập trung vào các công trình sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng quê như đình, chùa… Vùng hạ lưu sông Thái Bình hiện còn nhiều làng xã vẫn lưu giữ được các loại hình trò chơi dân gian truyền thống. Cụ thể như làng Nguyên Xá (Đông Hưng, Thái Bình) hay còn gọi là làng Nguyễn là quê hương sản sinh loại hình nghệ thuật múa rối nước, trò chơi dân gian đèn trời; làng Lê Xá (Quỳnh Phụ, Thái Bình) là mảnh đất của nghệ thuật chèo và múa Bát Dật và trò chơi pháo đất; đình La Khê (Ninh Giang, Hải Dương) có hội thi pháo đất truyền thống giữa các làng, các xã trong huyện; xã Nhân Hòa (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước đồng bằng Bắc Bộ với đặc trưng là những con rối tinh xảo; thôn Bảo Hà (Đồng Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) là làng nghề truyền thống tạc tượng và nghệ thuật múa rối cạn; Khu di tích vương triều Mạc (Kiến Thụy, Hải Phòng) có ca trù, chữ Nôm…
Đề xuất một số chương trình du lịch gắn với trò chơi dân gian
Trên cơ sở nghiên cứu các công trình văn hóa, tâm linh và các trò chơi dân gian khu vực không gian vùng hạ lưu sông Thái Bình, chúng tôi đề xuất một số chương trình du lịch gắn với các trò chơi dân gian với điểm xuất phát từ Hà Nội và Hải Phòng như sau:
Hải Phòng - Khu tưởng niệm vương triều Mạc - Đồ Sơn: Sau khi tham quan khu tưởng niệm vương triều Mạc, du khách có thể đến gia đình ông Nguyễn Văn Lộc - nghệ nhân làm diều sáo có tiếng trong vùng. Ở đây, du khách sẽ được nghe thuyết minh về ý nghĩa của từng chi tiết trên cánh diều và được hướng dẫn tham gia thực hiện ở những khâu đơn giản. Sau đó, du khách có thể tiến hành thả diều trong khuôn viên rộng của khu tưởng niệm hoặc mua những cánh diều này về làm kỷ niệm hoặc thả trên các bãi biển ở Đồ Sơn vào buổi chiều.
Hải Phòng - Khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm - đền Khúc Thừa Dụ: Tại khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm, đình Nhân Mục hay chùa, miếu Bảo Hà đều có một khoảng sân rộng để tổ chức hội thi pháo đất cho những nhóm nhỏ. Du khách sẽ được chia thành các đội do những người dân địa phương đã được đào tạo kỹ năng quản lý nhóm hướng dẫn cách làm đồ chơi và luật chơi.
Hải Phòng - Khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm - Làng Nguyên Xá: Trong chương trình này, du khách sẽ được tham gia vào hai trò chơi dân gian pháo đất tại khuôn viên khu di tích Nguyên Bỉnh Khiêm và cách làm và thả đèn trời ở làng Nguyên Xá. Nếu pháo đất mang đến cho du khách sự hứng khởi và vận động nhiều thì đèn trời mang đến sự thanh thoát và thư thái cho nên đây là hai trò chơi bổ sung tốt cho nhau trong một chương trình du lịch. Chương trình này sẽ kết thúc muộn bởi việc thả đèn trời chỉ có thể diễn ra khi trời tối.
Hà Nội - Đền thờ Khúc Thừa Dụ - Xã Nhân Hòa (Thôn Bảo Hà): Hoạt động trò chơi dân gian pháo đất sẽ diễn ra tại Ninh Giang. Sau khi ăn trưa, nghỉ ngơi, du khách đi phà sang bên kia bờ sông Luộc tham quan các di tích và làng nghề tạc tượng Bảo Hà hoặc thưởng thức nghệ thuật rối nước, rối cạn ở Nhân Hòa.
Hà Nội - Đền thờ Khúc Thừa Dụ - Đình làng Lê Xá - Làng Nguyên Xá: Buổi sang, du khách sẽ được tham gia vào hội thi pháo đất ở khuôn viên đền thờ Khúc Thừa Dụ, buổi chiều tối sẽ kết thúc bằng những chiếc đèn trời mang ước vọng của du khách thả lên trời.
Hà Nội - Khu tưởng niệm vương triều Mạc - Đồ Sơn (2 ngày): Du khách có thể thoải mái thả diều trên các bãi biển của Đồ Sơn vào buổi chiều ngày thứ nhất và thứ hai sau khi đã được tham gia vào các công đoạn chế tác tại Kiến Thụy khi tham quan khu tưởng niệm vương triều Mạc. Buổi sáng ngày thứ hai, du khách có thể khám phá các di tích tín ngưỡng và lịch sử ở Đồ Sơn.
Hà Nội - Đền thờ Khúc Thừa Dụ - làng Nguyên Xá - di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm - thôn Bảo Hà (2 ngày): Hoạt động trò chơi dân gian sẽ diễn ra vào buổi sáng ngày thứ nhất với hội thi pháo đất ở khuôn viên đền thờ Khúc Thừa Dụ và thả đèn trời vào buổi tối ở làng Nguyên Xá. Ngày hôm sau du khách sẽ tham quan một số di tích và làng nghề tại Vĩnh Bảo và trở về Hà Nội theo quốc lộ 5. Nghệ thuật rối nước có thể được trình diễn phục vụ du khách vào buổi chiều ngày thứ nhất tại làng Nguyên Xá hoặc buổi chiều ngày thứ hai tại xã Nhân Hòa.
Một số trò chơi dân gian đặc sắc của vùng hạ lưu sông Thái Bình như thả diều, pháo đất, đèn trời không chỉ có sức sống lâu bền trong nhân dân mà còn có sức cuốn hút lớn với du khách. Việc khai thác trò chơi dân gian sẽ làm tăng tính hấp dẫn của điểm đến, giúp giữ chân du khách tại điểm lâu hơn và mang lại giá trị trực tiếp cho địa phương. Một số đề xuất và gợi ý về việc đưa trò chơi dân gian vào khai thác du lịch vùng hạ lưu sông Thái Bình hy vọng sẽ mang lại những dấu ấn cho du lịch vùng trong tương lai./.
ThS. Đặng Thị Phương Anh
Tạp chí Du lịch tháng 6/2016