Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và Hướng dẫn thực hiện thông tư quy định việc xét duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung vào một số vấn đề như: trao đổi về phương pháp nghiên cứu khoa học; thực trạng công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể dục thể thao, du lịch, những khó khăn và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học…
Theo đánh giá của một số nhà khoa học, trước đây, nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đề tài còn rất hạn chế, nay đã được tăng lên, có đề tài được hỗ trợ mức kinh phí thực hiện tới 500 - 600 triệu đồng, đây là một bước tiến mới của nhằm đẩy mạnh phát triển công tác nghiên cứu khoa học của Bộ, nhất là khi đã thành lập một Vụ - Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chuyên trách giúp Bộ trưởng về công tác này. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cũng thẳng thắn cho rằng, vẫn thiếu những công trình NCKH có tính ứng dụng và thực tiễn cao. NSND Lê Ngọc Cường - Nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, nhiều công trình chưa đáp ứng đúng tiêu chí của một đề tài nghiên cứu khoa học vẫn mang nặng tính chất viết theo dàn bài của cuốn sách hay mới chỉ dừng lại là bản luận văn. Vì thế chất lượng của những công trình nghiên cứu chưa cao, thậm chí không ăn nhập với đề tài khoa học. TS Nguyễn Danh Ngà, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài , Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, nhìn tổng thể thì kinh phí Nhà nước dành cho khoa học và công nghệ cho đất nước nói chung và cho nghiên cứu khoa học ở Bộ nói riêng còn rất hạn chế trong khi nhu cầu nghiên cứu lại lớn và việc huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách lại càng khó khăn. Thực tế này dễ dẫn đến tình trạng không tương xứng giữa nhiệm vụ nghiên cứu và kinh phí cho thực hiện, tác động ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả nghiên cứu. PSG.TS. Đinh Thị Vân Chi – Phó hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa lại đưa ra giải pháp để quyết toán đề tài được thuận lợi hơn nên thực hiện hợp đồng thuê khoán trọn gói, với khoản kinh phí khoán gọn cho chủ nhiệm đề tài, không đòi hỏi phải quyết toán với nhiều loại chứng từ như hiện nay.
Trước những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam - chủ trì Hội thảo kết luận, cần phải nâng cao nhận thức vị trí vai trò của các tập thể, cá nhân trong toàn Ngành về công tác nghiên cứu khoa học, bién nhận thức thành hành động để huy động đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, phải coi công tác nghiên cứu khoa học thành tiêu chuẩn thi đua hàng năm của đơn vị và mỗi cá nhân để đánh giá. Với những công trình và đề tài xuất sắc sẽ có khen thưởng kịp thời để tôn vinh. Tới đây, sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn để hình thành hệ thống đề tài, mời các chuyên gia thẩm định xem xét và đánh giá và lựa chọn, thay cho việc “đánh trống bỏ dùi” không có sự chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ cấp cơ sở như hiện nay.
TS Lê Đức Chương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết thêm: Thay vì chờ đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học từ cơ sở như trước đây, Vụ sẽ tham mưu để Bộ tăng cường “đặt hàng” nhiều hơn đối với từng đơn vị và cá nhân./.
LA