Những báu vật của một thời
Gây xúc động cho người xem nhiều nhất là phần giới thiệu những kỷ vật trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vẫn còn đó những kỷ vật tái hiện cuộc sống, chiến đấu, sinh hoạt của quân và dân ta trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, trong đó là điểm nhấn chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Đó là nậm rượu, đĩa đã từng bày trên bàn thờ đồng chí Phùng Chí Kiên tại quê nhà Diễn Châu, Nghệ An. Đó là bằng Huân chương Quân công mà Trung tướng Đặng Kinh, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được tặng thưởng về thành tích chỉ huy đơn vị tấn công, phá hủy 57 máy bay của Pháp ở sân bay Cát Bi, chặn đường tiếp tế đường không của địch cho mặt trận Điện Biên Phủ; là chiếc áo của đồng chí Hoàng Ngài, chiến sĩ Đại đoàn 312 sử dụng trong những trận chiến đấu ác liệt ở mặt trận Điện Biên Phủ...
![](/FileManager/mypicture/Dauanthoigian.jpg)
|
Trưng bày những kỷ vật của cuộc kháng chiến chống Mỹ
|
Một phần ký ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được tái hiện qua các nội dung trưng bày: huyền thoại đường Trường Sơn, trận Điện Biên Phủ trên không và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Rất nhiều kỷ vật trưng bày trong triển lãm gây ấn tượng và xúc động mạnh cho người xem. Đó là chiếc nồi đồng (nồi mười) từng trộn máu, gạo đất của mẹ Trần Thị Xân ở Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam. Mẹ có 5 con là liệt sỹ, bản thân cũng hy sinh khi đang nấu cơm phục vụ thương binh. Đó là chiếc mũ sắt tìm được của một liệt sỹ trong số 200 chiến sỹ mũ sắt thuộc trung đoàn 209 sư đoàn 312 hy sinh trong đêm 25/3 tại Chư-tan Kra. Đó là chiếc chân giả của đồng chí Nguyễn Bằng Phi ở Bình Dương tự làm bằng ống pháo sáng của Mỹ lắp vào chiếc chân của mình đã bị mảnh pháo cắt đứt để trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Đó là bản gốc nhiều cuốn nhật ký thời chiến, trong đó có cuốn “Chuyện đời” - bản gốc tác phẩm “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, cuốn nhật ký bằng tranh của họa sỹ Lê Đức Tuấn sau 41 năm lưu lạc trên đất Mỹ đã được trở về với chủ nhân...
Mỗi kỷ vật là câu chuyện dài, mang theo hơi thở của thời đại trong cả giai đoạn dài mà dân tộc ta đã trải qua trong hai cuộc kháng chiến; là quá khứ hào hùng còn mãi với thời gian và là cầu nối gắn kết nhiều thế hệ con người Việt Nam.
Khi kỷ vật lên tiếng
Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu Những kỷ vật kháng chiến do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo đến nay đã đi được chặng đường 3 năm, có sức lan tỏa rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng của không chỉ cựu chiến binh, nhân dân trong nước mà còn của nhiều cựu binh Mỹ, Pháp từng tham chiến tại Việt Nam.
Hơn 11.000 kỷ vật được giới thiệu trong 4 cuộc triển lãm. Ban Tổ chức cũng đã tổ chức 3 cuộc giao lưu, 11 cuộc gặp mặt nhân chứng lịch sử, tiếp nhận kỷ vật kháng chiến tại 3 miền nhân những ngày kỷ niệm lớn của đất nước từ năm 2009 - 2010. Đặc biệt, Cuộc thi viết về Những kỷ vật kháng chiến do Báo Quân đội Nhân dân phát động với hơn 300 bài dự thi và hàng trăm hiện vật được hiến tặng đã giúp lan tỏa thêm ý nghĩa của cuộc vận động. Tính từ tháng 4/2010, Báo Quân đội Nhân dân đã đăng tải gần 50 bài kèm theo ảnh của kỷ vật. Các bài viết ngắn gọn, mộc mạc, giản dị, vừa là lời thuyết minh cho các kỷ vật, vừa là những câu chuyện sống động tái hiện lại một thời hào hùng cả nước vượt lên gian lao, thử thách, hiểm nguy trong cuộc sống để đánh giặc, giữ nước.
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: “Mỗi kỷ vật bao giờ cũng gắn với con người cụ thể, tập thể, địa phương cụ thể. Những kỷ vật có tiếng nói riêng của nó vì thế chúng tôi mới đặt mục tiêu là sưu tầm và giới thiệu, bởi vì, nếu chỉ sưu tầm đặt nó trong bảo tàng thì ít người hiểu biết về kỷ vật đó. Nếu chúng ta cũng làm tốt hai việc: vừa sưu tầm, vừa giới thiệu thì chính kỷ vật đó như là linh hồn, là hiện vật biết nói để nói lên chiến công hiển hách, nói về sức người, sức của và xương máu của nhân dân ta”. Và như lời Thượng tá, Ths.Trần Thanh Hằng - thường trực Văn phòng Cuộc vận động, những kỷ vật này tiếp lửa cho thế hệ trẻ, giúp lòng họ sáng hơn, khích lệ họ đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng đất nước hiện nay./.
Mai Hồng