Rừng đang bị suy giảm trên trái đất
Theo ước tính Ngân hàng thế giới, có hơn 1,6 tỷ người sống phụ thuộc vào rừng, và rừng là nguồn cung cấp nhiều việc làm, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và khu vực. Qua thống kê cho thấy, 30% diện tích rừng được sử dụng để sản xuất gỗ và các sản phẩm phi gỗ, thương mại - lâm sản ước đạt 327 tỷ USD/năm.
Là “lá phổi xanh” của trái đất, rừng chiếm 31% tổng diện tích đất trên thế giới, với thảm thực vật giữ vai trò to lớn đối với con người như: cung cấp gỗ, củi; điều hòa khí hậu; ngăn chặn gió bão; tạo ra oxy; điều hòa nước; là nơi cư trú của muôn loài động thực vật và nơi tàng trữ các nguồn tài nguyên quý hiếm… Đặc biệt, rừng là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển bền vững toàn cầu. |
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn trên toàn cầu là rừng đang bị con người khai thác quá mức, khiến thiên nhiên bị tàn phá nặng nề, môi trường và khí hậu thay đổi, thiên tai, hạn hán, bão lụt… xảy ra tại nhiều nước trên thế giới đe dọa sự sống trên khắp trái đất. Theo ước tính của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) thì mỗi năm 130.000km² rừng trên thế giới bị biến mất do nạn phá rừng. Điều này khiến cho môi trường sống của 2/3 loài trên trái đất bị thu hẹp, đa dạng sinh học bị suy giảm, nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu, trong tương lai không xa, mỗi ngày chúng ta sẽ phải nói lời chia tay với 100 loài.
Ở nhiều khu vực trên thế giới, rừng bị suy giảm nghiêm trọng bởi nhiều nguyên nhân như chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, đất định cư, thu hoạch gỗ không bền vững, quản lý đất đai không hiệu quả...
Về hiện tượng biến đổi khí hậu, Ngân hàng Thế giới cho rằng, 20% lượng phát thải khí nhà kính hiện nay là do phá rừng. Do đó, cùng với Diễn đàn về rừng được thành lập năm 2000, Liên Hợp quốc đã quyết định chọn năm 2011 là Năm quốc tế về rừng với mục tiêu chính là thúc đẩy việc quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tất cả các loại rừng; đồng thời, tăng cường cam kết chính trị lâu dài giữa các quốc gia dựa trên “Tuyên bố Rio” (1992), các nguyên tắc trong Chương trình nghị sự 21 về công tác chống phá rừng. Thông qua các hoạt động trong Năm quốc tế về rừng tại các quốc gia và khu vực, Liên Hợp quốc mong muốn mật độ che phủ rừng trên toàn thế giới sẽ gia tăng đáng kể thông qua quản lý rừng bền vững (SFM), bao gồm bảo vệ, phục hồi trồng rừng và tái trồng rừng, cùng những nỗ lực ngăn chặn suy thoái rừng. Đồng thời, giảm những tác động kinh tế - xã hội và môi trường đến rừng bằng cách cải thiện sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng.
Rừng - "Lá phổi xanh" của trái đất
Nhằm giúp thúc đẩy để đạt được mục tiêu của Năm quốc tế rừng 2011, Ban Bí thư của Diễn đàn Liên Hợp quốc về rừng (UNFF) đã tổ chức rất nhiều hoạt động trao đổi thông tin và những buổi nói chuyện với công chúng. Nhiều hình thức ủng hộ Năm quốc tế về rừng 2011 cũng được tạo ra như thiết kế logo, lập website hoặc những bộ sưu tập tem gắn với chủ đề rừng.
“Rừng - Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên” là chủ đề của ngày Môi trường thế giới năm 2011 (5/6/2011) do Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc lựa chọn và Ấn Độ là quốc gia đăng cai tổ chức các hoạt động quốc tế kỷ niệm ngày Môi trường thế giới năm nay. Chủ đề nhấn mạnh sự quan trọng của rừng đối với cuộc sống và hệ sinh thái, đồng thời đưa ra cảnh báo về tình trạng phá rừng, suy thoái rừng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam hưởng ứng Năm quốc tế về rừng 2011
Tại Việt Nam, các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đã được quan tâm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,5%, tăng trung bình 0,4%/năm. Tuy vậy, tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Những ngày đầu quý II/2011 tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Năm quốc tế về rừng 2011 và Thập kỷ quốc tế về phòng, chống sa mạc hóa 2010 - 2020, do Liên Hợp quốc phát động nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn, quản lý và phát triển bền vững rừng, phòng chống sa mạc hóa và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo thống kê, hiện ngành Lâm nghiệp được giao quản lý 16,24 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ đạt 39,5% vào năm 2010. Trong đó, diện tích đất ngập mặn ven biển khoảng 620.000 ha, trải dài trên 3.000km bờ biển, bao gồm 209.000ha đã có rừng, 226.000ha sử dụng nuôi trồng thủy sản và khoảng 185.000ha đất ngập mặn chưa có rừng. |
Hưởng ứng Năm quốc tế về rừng 2011, một cuộc thi ảnh toàn quốc đã được phát động mang chủ đề “Rừng Việt Nam” với những nội dung tập trung phản ánh những giá trị của rừng; đa dạng sinh học rừng; đời sống của người dân gắn bó với rừng; các hoạt động phát triển và bảo vệ rừng; các hệ lụy do mất rừng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi đã khẳng định vai trò to lớn của rừng trong chống biến đổi khí hậu, ngăn lũ lụt, thiên tai bất thường... Do sự mất mát của rừng lớn dẫn đến nghèo kiệt đất đai và sự biến mất dần những sinh vật quý hiếm, làm tăng hàm lượng CO2 trong khí quyển, tăng nhiệt độ trung bình của trái đất...
Hưởng ứng năm quốc tế về rừng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào bảo vệ và phát triển rừng. Ngày 9/9, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND TP. Hải Phòng, Cơ quan Xúc tiến Trồng rừng quốc gia Nhật Bản và Trung tâm Hợp tác quốc tế và Xúc tiến Lâm nghiệp Nhật Bản tổ chức một số hoạt động hưởng ứng năm quốc tế về rừng 2011 do Liên Hợp quốc phát động.
Từ năm 1995 - 2009, diện tích rừng Việt Nam đã tăng liên tục nhờ trồng rừng và phục hồi rừng tự nhiên, bình quân mỗi năm tăng khoảng 282.000ha. Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam từ 27,2% trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 đã lên 39,5% vào năm 2010, độ che phủ rừng bình quân tăng 0,4%/năm. Cùng với tốc độ khôi phục diện tích rừng, năng suất, chất lượng rừng Việt Nam cũng được cải thiện. |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hứa Đức Nhị cho biết: bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả của các cấp chính quyền, đoàn thể và cá nhân, hy vọng sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng của Việt Nam sẽ ngày càng bền vững, môi trường sống của nhân loại sẽ được bảo vệ cho hôm nay và cho cả thế hệ tương lai.
Trong khuôn khổ lễ phát động, hàng trăm cán bộ, công nhân viên, đoàn viên thanh niên của TP. Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Tổng cục Lâm nghiệp…. đã trồng mới 4 ha rừng cây chắn sóng tại khu vực đê biển 1 Đồ Sơn – nơi có diện tích bãi triều di động, nghèo dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, hội thảo về rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu đã được tổ chức tại Trung tâm Giống và Phát triển Nông Lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng với nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia môi trường và các nhà quản lý về thực trạng và các giải pháp trồng, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển theo hướng bền vững tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Nguyễn Vũ