Các cụ kể rành mạch pha chút tự hào, có một thời chưa xa ở đất Tân Khánh, con trai học võ, con gái cũng học võ, các võ đường thu nạp đệ tử khắp nơi. Những trận giao đấu giữa các võ đường với tinh thần thượng võ khiến người xem đã con mắt. Theo lịch sử Bình Dương 300 năm, khoảng giữa thế kỷ 17, lưu dân người Việt từ miền Thuận Quảng theo chân chúa Nguyễn vào khai phá xứ Đồng Nai - Gia Định. Trên bước đường Nam tiến, họ mang theo những miếng võ cổ truyền để phòng thân. Từ đó hình thành nên môn võ… rừng, với tên gọi võ lâm Tân Khánh.
Nhưng mãi hai thế kỷ sau, võ lâm Tân Khánh mới được nhiều người biết tới. Đó là vào đầu thế kỷ 19, vua Gia Long lên ngôi, thực hiện chính sách tìm diệt cựu thần nhà Tây Sơn để trả thù. Lúc bấy giờ, mảnh đất Tân Khánh có một gia đình họ Võ đến mai danh ẩn tích. Một hôm, người ta thấy xuất hiện quán nước nhỏ bên đường. Chủ quán là một cô gái xinh đẹp, tuổi độ đôi mươi. Trên quầy hàng cô treo một thanh kiếm, với ngụ ý: khách uống nước mà không trả tiền thì hỏi qua thanh kiếm trước khi rời quán! Giữa thời cuộc nhiễu nhương, khách qua đường đủ hạng nhưng không ai dám “ăn quỵt”. Ngay cả khách đa tình thuộc hàng anh hùng hào kiệt cũng chẳng dám giở trò ong bướm lả lơi.
Cô chủ quán xinh đẹp ấy họ Võ tên Trà, về sau người ta gọi là bà Trà (Võ Thị Trà), con của một gia đình thuộc bộ tướng nhà Tây Sơn. Bà Trà mang theo môn quyền thuật và Thập bát ban võ nghệ Bình Định. Ban ngày bán nước, đêm tối đi vài đường côn cho vơi sầu nơi đất khách. Đường côn của bà không ai sánh kịp. Thấy vậy, trai tráng trong làng đến xin học vài miếng để phòng thân. Kể từ đó võ lâm Tân Khánh có cơ hội thăng hoa, do kết hợp với kỹ thuật của võ Tây Sơn Bình Định. Cũng tại đây, bà Trà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại bọn tham quan ở địa phương từ căn cứ Truông Mây trên đất Tân Khánh trong suốt mười năm (1850 - 1859). Mặc dù qua nhiều thế kỷ, người dân địa phương vẫn tự hào khi nhắc đến “nữ chúa” Truông Mây - người khai sinh ra phái võ lâm Tân Khánh Bà Trà. Bà Trà có hai đệ tử xuất sắc là anh em ông Hai Ất và Ba Giá. Cả hai sử dụng trường côn, dân Tân Khánh gọi là roi, võ nghệ vang danh khắp vùng. Đặc biệt, hai người có hơn 10 lần đối đầu với cọp dữ...
Theo tiến sĩ văn hóa, võ sư Hồ Tường - đương kiêm chưởng môn đời thứ năm phái võ lâm Tân Khánh Bà Trà, người gần 20 năm mở lớp dạy võ miễn phí tại thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ những bậc tiền bối mới có tài đả cọp. Vào 1914, ông Ất được chính quyền Pháp mời về Sài Gòn đấu với cọp nhân lễ khai thị chợ Bến Thành. Ông từ chối, giao vinh dự này cho “con gái rượu” là Võ Thị Vuông, khi đó mới ngoài 20 tuổi. Trước đông đảo quan khách dự khán, họ bất ngờ và cảm thấy lo cho phận nữ nhi. Chỉ tiếng gầm thôi cũng đủ làm người nghe mất vía. Việc ông Ất giao cho con gái mình đấu với cọp dữ quả thật “thập tử nhất sinh”. Song, ông hiểu rõ tài năng võ học và bản lĩnh của con. “Mạnh dùng sức, yếu dùng chước”, phận nữ nhi trong phút chốc không dễ gì hạ cọp dữ giống như ông, phải đánh dai dẳng để phá sức cọp. Cuộc thư hùng giữa người và thú bắt đầu từ ban mai, đến qua giờ ngọ mới kết thúc với phần thắng thuộc về cô gái. Đây được xem là cuộc giao đấu “kinh điển” trong giới võ thuật lúc bấy giờ. Trong tác phẩm “Những môn võ bí truyền trên thế giới” của tác giả Hàn Thanh, do Lửa Thiên xuất bản năm 1973, có nhắc đến trận đấu này.
Trải qua bao biến đổi thăng trầm của những tháng ngày tao loạn, võ phái Tân Khánh Bà Trà nay bước sang đời chưởng môn thứ năm là tiến sĩ, võ sư Hồ Tường. Theo vị chưởng môn này, ông là hậu duệ duy nhất còn biết các thế võ đánh cọp của phái võ lâm Tân Khánh Bà Trà. “Võ cọp” có 10 thế đánh riêng, mỗi thế có thêm 10 biến thế đầy ảo diệu. Nghe nói, thời các bậc tiên sư của ông, chưa có con cọp nào thoát được 10 thế võ này.
Một võ phái từng vang danh thiên hạ, nhưng giờ đây ở nơi khai sinh ra nó cũng rất khó tìm thấy vết tích của võ đường. May thay, gần đây tỉnh Bình Dương đã có quyết định khôi phục phái võ này. Người chấp bút cho đề án, tiến sĩ Hồ Sơn Diệp (Trường Đại học KHXH & NV thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, hiện đề án đang được triển khai. Trong quá trình triển khai, vào năm 2021, võ lâm Tân Khánh Bà Trà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đề án, tới đây sẽ xây dựng võ đường, nhà truyền thống, khôi phục các bài quyền, binh khí, trang phục… nhằm tiến tới đưa môn phái này hòa nhập vào làng võ cổ truyền quốc gia và thế giới.
Cao Phương