Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2022 đã qua với nhiều khó khăn, du lịch thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo, đặc biệt là việc khôi phục hoạt động du lịch quốc tế. Trong nước, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về phục hồi kinh tế xã hội; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội với nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp, nguồn lưc hỗ trợ; ngành Du lịch cũng đã được ưu tiên với nhiều danh mục đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, Ngành cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp du lịch. Chính nhờ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, ngành Du lịch Việt Nam trong năm 2022 đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định: “Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam khôi phục lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3. Kết thúc một năm hoạt động khó khăn, chỉ số du lịch nội địa đã vượt chỉ tiêu đề ra năm 2022, cao hơn cả năm 2019 trước dịch. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động ở các địa phương, có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp; các chương trình xúc tiến quảng bá được triển khai rộng rãi ở cả cấp địa phương, liên vùng, quốc gia cũng như hoạt động của doanh nghiệp tại các thị trường mục tiêu. Nhiều chương trình, mô hình liên kết hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp cũng đã tạo nên hoạt động khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cho biết, năm 2022, ngành Du lịch Việt Nam đón tiếp và phục vụ khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, đạt 70% kế hoạch năm (bằng 19,55% so với năm 2019); khách quốc tế chủ yếu là thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt 68% kế hoạch năm (vượt 19% so với năm 2019). Tổng thu du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch năm (bằng 66% so với năm 2019). Cả nước hiện có 2.948 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tăng 837 doanh nghiệp so với năm 2021; 1.302 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 33.768 hướng dẫn viên (HDV), trong đó có 20.018 HDV quốc tế, 12.367 HDV nội địa, 1.383 HDV tại điểm. Có 35.000 cơ sở lưu trú với 700.000 phòng; trong đó có 221 cơ sở 5 sao với 74.300 phòng (12 cơ sở công nhận mới), 340 cơ sở 4 sao với 45.700 phòng (25 cơ sở công nhận mới). Cả nước hiện có 535 điểm du lịch, 60 khu du lịch cấp tỉnh, 7 khu du lịch cấp quốc gia được công nhận; 38/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm hỗ trợ khách du lịch.
Năm 2022, các nhiệm vụ về quy hoạch, quảng bá xúc tiến, hợp tác quốc tế, chuyển đổi số cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình Chính phủ. TCDL cũng đã tổ chức các đoàn công tác đánh giá tác động của dịch COVID-19 và tình hình hồi phục ở các địa phương; tổ chức quảng bá xúc tiến mởi lại du lịch bình thường mới “Live fully in Vietnam”; tổ chức truyền thông trên nền tảng số YouTube “Việt Nam: Đi để yêu!” bằng 2 ngôn ngữ Anh – Việt; truyền thông số về du lịch được trao giải Nhì về thông tin đối ngoai... TCDL cũng đã tham mưu ban hành Nghị định số 30 về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; phối hợp tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2022 Quảng Nam. Ngoài ra, năm 2022, với sự nỗ lực của toàn ngành, Du lịch Việt Nam cũng đạt nhiều hạng mục giải thưởng thế giới: 48 hạng mục châu Á, 16 hạng mục thế giới; nổi bật là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến hàng đầu châu Á; lần thứ 6 liên tiếp là Điểm đến du lịch Golf tốt nhất châu Á... Nhiều địa phương cũng có kết quả hoạt động du lịch nổi bật như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lào Cai, Lâm Đồng, Hà Giang, Bình Thuận...
Năm 2023, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 102 triệu lượt khách nội địa; 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu 650 nghìn tỷ đồng. Năm 2023 sẽ tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi được Chính phủ phê duyệt; triển khai các đề án “Chiến lược marketing du lịch Việt Nam”, Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh”; chương trình, đề án phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch vùng dân tộc thiểu số; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị cùng các Hội nghị Du lịch toàn quốc, Hội nghị chuyên để về nguồn nhân lực du lịch, Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Đài Loan lần thứ 10 tại Thanh Hóa; phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tham gia các sự kiện quảng bá như ATF2023, TRAVEX Indonesia, ITB Berlin, WTM London và các hội chợ, roadshow, sự kiện từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, ASEAN, Mỹ...; tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 tại Bình Thuận.
Bên cạnh đó, TCDL cũng kiến nghị được bố trí đủ kinh phí để triển khai hiệu quả các chương trình kế hoạch, đề án phục hồi, phát triển du lịch phù hợp với bối cảnh mới; thực hiện các đề án trọng tâm được giao tại Kế hoạch số 2862/KH-BVHTTDL thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Phối hợp với các Bộ, Ngành tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao du lịch cạnh tranh, đặc biệt là tháo gỡ vấn đề thị thực nhằm thu hút khách quốc tế. Đồng thời chỉ đạo, phối hợp các địa phương, doanh nghiệp, quan tâm đào tạo nhân lực, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm; chỉ đạo Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình xúc tiến quảng bá theo kế hoạch.
Hội nghị đã nghe một số ý kiến chia sẻ, góp ý, đề xuất những giải pháp nhằm đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả hơn nữa các hoạt động trong năm 2023. Các ý kiến nhấn mạnh việc thúc đẩy hơn nữa hoạt động du lịch nội địa, xây dựng các sản phẩm mới mùa Thu – Đông phía Bắc, kéo dài mùa lễ hội để du khách có thể trải nghiệm quanh năm; đẩy mạnh khai thác sản phẩm nghỉ dưỡng biển cao cấp, văn hóa ẩm thực, du lịch nông thôn. Nghiên cứu, xúc tiến, quảng bá chuyển hướng thu hút khách quốc tế từ thị trường Ấn Độ; tiếp tục duy trì các thị trưởng truyền thống Đông Bắc Á, Mỹ, châu Âu; phát triển thị trường mục tiêu, định vị thương hiệu. Tháo gỡ các khó khăn về thị thực, mở hoàn toàn thị thực điện tử để thu hút khách; chuẩn bị tích cực cho thời điểm Trung Quốc mở cửa biên giới để chủ động các hoạt động xúc tiến, phục vụ du khách. Tăng cường đào tạo nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, giữ thị trường ổn định; có chính sách hỗ trợ thuế, tiền thuê đất, giảm tiền điện; tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ, khôi phục thỏa thuận công nhận nghề TP-MRA...
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Du lịch trong năm 2022, đánh giá cao công tác phối hợp với các địa phương, chuyển đổi số trong du lịch. Thứ trưởng cho rằng ngành Du lịch đã có sự nhận thức, lý luận cũng như tiến hành thực tiễn đúng đắn, không qua loa, đại khái, thiếu chứng cứ khoa học. “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã gần hoàn thiện, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện để trình Chính phủ. Cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá trong du lịch. Trong điều kiện mới, cần đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu các chính sách, đặc biệt là đối với việc xuất - nhập cảnh, làm sao cho thông thoáng, thu hút khách quốc tế, nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố chủ quyền quốc gia” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng chỉ đạo tập trung vào các công tác quan trọng năm 2023, trong đó có Hội nghị toàn quốc về du lịch, Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thứ trưởng đồng thời yêu cầu ngành Du lịch nghiên cứu, định hình, tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp; tập trung, tháo gỡ các vướng mắc đối với hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Thanh Hoàng