Nhà cửa được bố trí theo liên gia trong dòng họ, dòng họ này lại chia ra thành chi họ. Các nhà được bố trí theo từng dãy nằm song song cách nhau bằng lối rộng và thẳng đủ cho xe trâu có thể tránh nhau. Lối này đi sang lối khác bằng các chẹt; chẹt thì nhỏ hơn. Nhà Chăm luôn được bao bọc bởi hàng rào, xưa là cây củi hay tre, nay bằng tường thành.
Khuôn viên nhà có thể có một hay vài gia đình chung sống. Trong khuôn viên nhà, thế nào bà con cũng trồng vài giàn mướp, bầu. Quan sát khuôn viên nhà người Chăm, khách thường lấy làm lạ là hiếm khi thấy bóng cây, nhất là cây to cao, dù đây là xứ nắng nóng và ít mưa nhất nước. Có người giải thích Chăm sợ ma trú hay làng xóm thường bị giông bão, nên người Chăm kiêng kị trồng cây.
Một chi tiết tưởng chừng vặt vãnh nhưng rất trọng đại với người Chăm: hướng trải chiếu tiếp khách, nếu bạn trải hướng Bắc - Nam, thì không người Chăm nào dám ngồi, họ cho rằng đó là hướng dành riêng cho người cõi âm, người dương thế thì phải là hướng mặt trời mọc - lặn (Đông – Tây).
Người Chăm mặc
Hiện nay, người Chăm mặc quần dài với áo sơmi, thi thoảng thoáng thấy bóng áo dài Chăm, nhất là với phụ nữ có tuổi. Chỉ những ngày lễ hay khi tiếp khách, bà con mới mang y phục dân tộc. Người nam mặc váy (khan), áo ngắn tay (aw likei) hay áo dài tay (aw atah). Nữ thì váy (quần một ống), dằn (aban); còn áo thì có áo dài không xẻ vạt (aw lwak). Dĩ nhiên, nữ mặc cầu kỳ và mĩ thuật hơn. Người nữ Chăm là váy (aban): Aban Gauh chỉ có màu nền duy nhất: đen, xanh đen hay nâu đen; và Aban Tuk có hoa văn tạo thành dải dọc. Áo thì có áo Aw dwa baung, Aw sa baung, Aw bak kwang, Aw thrah tangin... Khăn có Khan chrah bơ (Khăn quấn đầu nữ), Khan Nhjrơm (Khăn tắm)… Cả hai giới đều thích khăn đội (quấn) đầu mà Chăm gọi là khan hay taniak. Ngoài ra còn có dây lưng (talei ka-ing) các loại.
Y phục xưa người Chăm tự may mặc. Xưa không có người nữ Chăm nào là không biết dệt. Dệt gắn liền với sự cai quản gia đình. Một câu tục ngữ Chăm nói lên sự phân công hai giới rất rạch ròi: Đàn ông cho chiến đấu, đàn bà cho sinh nở. Đàn ông lo chuyện xã hội, phụ nữ lo việc gia đình.

Người Chăm đi
Xưa, di chuyển từ nơi này sang nơi khác, người Chăm đi… bộ. Họ xách, bưng, bê, vác, gánh, ôm… đủ cả. Nhưng đặc trưng vẫn là đội. Đội, người nữ làm là chính. Đội bó củi, thúng thóc, lu nước… Đội thì dáng đi phải thẳng. Và người phụ nữ Chăm không phải thường xuyên giữ vật đội trên đầu, họ thả cả hai tay và bước đi thư thái như không có gì.
Nếu không đi bộ, bà con Chăm xưa sử dụng xe trâu (Rideh kabaw Cham). Đó là loại xe chuyên dùng trong nông nghiệp cũng như trong sinh hoạt. Từ chở củi, gỗ, thóc, rơm cho đến vật dụng hàng ngày.
Xe trâu làm bằng nhiều loại gỗ khác nhau khớp lại, sức chứa của xe trâu lên tới 1,5 tấn thóc. Xe trâu Chăm chưa bao giờ bị lật, bác tài ngồi lên xe có hai sợi dây buộc vào thẹo mũi trâu để điều khiển cặp trâu đi tùy thích. Xe có hai cặp “thắng”, thắng trước là cái ách, hai con trâu dùng sừng và cổ để hãm xe lại khi cần thiết. Thắng sau là càng xe, con trâu sử dụng cặp mông to dày của mình để giảm bớt đà lao dốc của xe.
Xưa là vậy, chứ bốn mươi năm nay, loại xe này cả nước chỉ còn vỏn vẹn 3 chiếc. Một ở Bảo tàng Dân tộc tại thủ đô Hà Nội, một trước sân Bảo tàng Tỉnh Ninh Thuận và chiếc cuối cùng có mặt tại Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani của nhà thơ Inrasara ở làng Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận.
Người Chăm học
Chế độ mẫu hệ Chăm đã có công lớn trong việc học chữ Chăm. Tục ngữ: Hadiip krah ngap hadah bbauk pathang / Vợ sáng làm sang mặt chồng. Dù khó khăn đến đâu, người mẹ Chăm vẫn cố nuôi con ăn học cho nên người. Ngày xưa, có thể nói không có đàn ông Chăm nào mù chữ mẹ đẻ. Không có vài chữ trong bụng, ít ai dám ngồi gần người thiên hạ. Nông dân Chăm có khả năng đọc và suy luận được văn bản cổ. Riêng phụ nữ rất hiếm người được đi học, đó là thiệt thòi lớn. Ngày nay đã khác, người Chăm ít khi thất học, nam, nữ đều đến trường, nói chi chuyện mù chữ.
Vào làng Chăm, khách có thể ngạc nhiên với người Chăm qua tiếp xúc. Cho dẫu đi cùng vài bạn dân tộc khác, nhưng khi có hai, ba người Chăm có mặt ở đó, họ vẫn nói tiếng Chăm với nhau. Chăm có chữ viết ngay thế kỷ thứ 4, sớm nhất Đông Nam Á, đó là niềm kiêu hãnh của họ vẫn còn truyền lưu đến hôm nay.
Hòa nhập vào dòng sống chung của đất nước đến nay, người Chăm vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của mình. Người Chăm hiện nay có khoảng hai mươi vạn người, sống rải rác khắp 10 tỉnh thành trên đất nước Việt Nam. Họ tập trung nhiều ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Khi thực sự bước chân vào làng Chăm, khám phá văn hóa và nếp sinh hoạt của cộng đồng người Chăm, du khách sẽ có những khám phá riêng, bổ ích và thú vị.
Nguồn: Tạp chí Du lịch