Cao nguyên đá Đồng Văn là một công viên địa chất toàn cầu, nằm trên địa bàn bốn huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Giữa những rừng ma trận núi đá tai mèo trùng điệp, đồng bào Mông vẫn định cư, tạo thành những bản heo hút, cheo leo trên cao. Chúng tôi đã có chuyến đi đến với các bản vùng cao của người Mông ở Hà Giang để trải nghiệm cuộc sống.
Từ đỉnh đèo Mã Pí Lèng, chúng tôi được dân bản địa dẫn đường vào thăm các bản Tìa Cố Xi, Há Đề, Tìa Chí Đơ,… của xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc). Nơi đây 100% là người Mông. Cuộc sống người Mông ở đây gần như hoàn toàn dựa vào tự nhiên.
Với nguyên liệu sẵn có là đá, người Mông đã dựng lên những bức tường bằng đá dài cả trăm mét xung quanh nhà, vườn của mình. Đá cứ được xếp chồng lên nhau, không cần xi măng, vôi cát, nhưng rất chắc chắn. Những bức tường đá nhằm để cản gió rét, chống lại thú rừng( trước đây) và người xấu hiện nay vào phá hoại cây cối, trộm cắp…
Xung quanh nhà, cứ chỗ nào có thể canh tác, trồng trọt được là người Mông sẽ trồng rau xanh, ngô sắn, hoặc các loại cây xanh, cây ăn quả. Chúng tôi đã đứng từ trên cao quan sát một bản với khoảng chục nóc nhà và dễ nhận thấy hàng cây xanh lâu năm, xen kẽ với cây ăn quả như: Chuối, mận, đào, bưởi. Đan xen vào đó là những ruộng rau xanh ở ngay sát nhà, xa xa là nương ngô. Họ trồng cây xanh và canh tác nông nghiệp xung quanh nơi sống để có nguồn thực phẩm sạch, không khí trong lành, ngoài ra cũng giúp ngăn cản gió bảo vệ ngôi nhà, và chống xói mòn rửa trôi đất.
Hôm sau, chúng tôi đến thăm các bản Mông ở xã Sà Phìn, Tả Phìn, Sủng Mán, nơi địa hình núi đá chiếm gần hết diện tích. Nhưng thật kỳ diệu, giữa muôn trùng rừng đá tai mèo tua tủa ấy màu xanh của sự sống vẫn hiện hữu. Người Mông đã biến kỹ thuật trồng ngô thành một nghệ thuật canh tác, mà người dân vẫn quen gọi “canh tác trong hốc đá”. Hàng nghìn ô đất nhỏ xíu len lỏi giữa bãi đá bao la, ở đó những cây ngô vẫn xanh tốt, đơm hoa kết bắp. Hốc to vài mét vuông thì được san, cuốc thành luống ngắn, còn hốc nhỏ có khi chỉ gieo được vài ba cây.
Trong quá trình canh tác, người Mông đã cải tạo bằng cách sắp những bờ đá để hứng đất tràn xuống từ trên cao sau cơn mưa. Nếu chỗ hốc nào thiếu đất, họ đi gùi từ nơi khác đem đến. Còn chuyện nước tưới thì phải phụ thuộc vào ông trời. Tập quán canh tác này được xem là sự thích nghi tuyệt vời với điều kiện địa hình khắc nghiệp để duy trì cuộc sống.
Sau khi thu hoạch một vụ ngô, người Mông lại đem hạt tam giác mạch (loại cây chịu hạn tốt) gieo ở các hốc đá. Một khu hốc đá trồng ngô rộng 300-400m2 là có thể cung cấp lương thực cho cả chục người và đàn gia súc. Còn tam giác mạch người dân thu hoạch cũng được làm bánh ăn hoặc thức ăn cho vật nuôi.
Mới đây, người Mông ở vùng cao nguyên đá còn nghĩ ra sáng kiến trồng cỏ voi ở hốc đá để chăn nuôi bò khi thời gian nông vụ nhàn rỗi. Như vậy, màu xanh cây cỏ luôn luôn hiện hữu trên cao nguyên đá khô cằn!
Nguồn nước để sinh hoạt và trồng trọt là một bài toán hóc búa nhất đối với người Mông trên cao nguyên đá. Mùa hè, cả cao nguyên đá khô cằn, nóng bức như một Hỏa Diệm Sơn khổng lồ. Những nơi gần sông Nho Quế thì người dân ra sông tắm giặt và mang nước về ăn uống. Còn những nơi xa sông, người dân phải đề ra chiến lược lấy và bảo vệ nước hết sức nghiêm ngặt.
Các gia đình thường phải xây bể để tích nước mưa dùng dần. Thậm chí họ phải tận dụng phương pháp cải tạo một số hốc đá tự nhiên như san nện đáy hốc bằng đất sét, quây kín xung quanh để giữ nước mưa, làm hồ treo hứng nước trên lưng chừng núi. Nếu chỗ nào có suối, mạch nước ngầm rỉ ra, người ta dùng ống nhựa, cao su dẫn nước về nhà.
Chính quyền địa phương ở các huyện cũng phối hợp với người dân làm một số hồ treo trữ nước tập trung. Để đảm bảo sự công bằng cho người dân, các thôn, bản đã tự lập ra đội bảo vệ, điều tiết nguồn nước sinh hoạt.
Người Mông sống trên cao nguyên đá đã hình thành nên một ý thức bảo vệ môi trường từ nguồn nước, nguồn đất và phát minh ra những kỹ thuật canh tác để có cuộc sống xanh, nguồn thực phẩm sạch tự cung tự cấp rất tuyệt vời.
Nguồn: Laodong.vn