Vậy là cuộc hẹn tiếp theo của chúng tôi được dời về tận Gáo Giồng ở Đồng Tháp. Từ ngoài tỉnh lộ phải chạy men theo đường nhỏ gập ghềnh nhẩm hơn 15km mới đến nơi nhưng cũng không bõ công bởi cảnh vật quá đỗi nên thơ. Đây là khoảng thời gian đương độ tháng 9 mùa nước nổi, sen nở hồng rực tuyệt đẹp. Chạy xe lúc tản mạn sáng khi sương đọng ướt cả kính chiếu hậu mới thấy hết được vẻ đẹp của miền quê thanh bình. Khói bếp ngợp tỏa từ những khóm nhà tranh thưa ven đường hòa lẫn trong gió sớm khiến khung cảnh nửa thực nửa hư như chốn thần tiên.
Ngồi sau xe, tôi nhớ lại sau buổi xem phim, chúng tôi đã ngồi trò chuyện hàng giờ ở quán bia Đức Brotzeit đến tận nửa đêm. Vừa giới thiệu cho tôi vài loại bia và xúc xích nên thử, anh vừa bồi hồi kể tôi nghe về những ngày còn bé ở Altenburg. Có đến gần 300 loài chim sống ở rừng bang Thuringia gần nơi sông Werra chảy qua. Anh yêu từ những loài thường thấy ở ao hồ như vịt rừng Ruddy cho đến những loài họa hoằn lắm mới được chiêm ngưỡng chúng như ngỗng ngực trắng nhỏ. Tôi không biết về chim nhiều như anh nhưng tôi yêu chúng chẳng kém. Tôi nhớ khôn nguôi cảm giác phấn khích cùng anh lướt qua những con lạch nhỏ trong Tràm Chim.
Cảm giác ngồi xuồng ba lá chầm chậm xuôi con kênh giữa rừng tràm ở Gáo Giồng cũng có cái ý vị riêng của nó. Rừng vắng lặng, thi thoảng có tiếng mái chèo khẽ rẽ từng khóm lục bình và bèo cám xanh ngắt. Tôi cảm mến tính thật thà, chất phác của những người làm du lịch ở đây. 15.000 đồng/người, chúng tôi chỉ có hai người, cũng ngồi và đi hẳn một thuyền do đến sớm chưa có khách khác để ghép. Tôi mạo muội xin được mua vé cho cả thuyền là 60.000 đồng nhưng cô chèo đò nhất định không lấy. Tôi tin, cô hiểu rằng một khi cái tình đã được dựng xây, chúng tôi sẽ còn quay lại nhiều lần hơn là hai lượt vé.
Anh học thạc sỹ ngành Châu Phi học tại Berlin. Anh nói, muốn đến châu Phi và lái xe xuyên qua thảo nguyên. Anh nói, muốn biết cảm giác được choáng ngợp trong không gian bất tận mà con người chưa khai phá. Anh ngồi trước tôi, lặng im, dõi mắt nhìn theo đủ loài chim nước thi thoảng gọi nhau. Có lẽ anh đã tìm thấy không gian khiến mình mê mải và đắm say như anh hằng ao ước.
Vẻ nguyên sơ của Gáo Giồng khiến không chỉ riêng anh, mà ngay đến chính tôi, dù chẳng phải lần đầu đến Đồng Tháp, cũng thực sự ngỡ ngàng. Nơi đây hội tụ gần như vẹn nguyên mọi đặc trưng của vùng nước nổi. Theo lời hướng dẫn viên thì có khoảng hơn 15 loài chim đặc trưng của Đồng Tháp đến đây cư ngụ như Cò, Còng Cọc, Nhan Điển, Nhan Sen, Diệc, Vạc, Tu Hú, Trích, Bìm Bịp, Le Le… cùng vô số loài cá nước ngọt như Linh, Rô, Trê, Lóc, Mè… Tiếng cá vẫy sủi tăm nghe như thanh âm của sự sống nảy mầm, sinh sôi từ dòng nước mát lành.
Gáo Giồng quả thực có vô vàn tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Đường rất nhỏ, xe du lịch nhiều chỗ và xe buýt không thuận tiện di chuyển vào. Người dân hoàn toàn có thể cung ứng dịch vụ cho thuê xe đạp theo giờ và chỗ lưu trú cho khách đến ngắm chim. Có lần tôi theo chân một nhóm tình nguyện viên lên Mã Đà, xã Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai dạy học và làm đường, nhờ đó biết được người dân ở đây kết hợp với Công ty du lịch sinh thái Chim Bói Cá Việt cung ứng dịch vụ “homestay” và thám hiểm rừng bằng xe đạp. Nhiều công ty lớn cũng đến để đặt tổ chức “team-building” cho nhân viên. Những dịch vụ hiện hữu đã rất tốt nhưng chắc chắn, Gáo Giồng có thể làm được tốt hơn thế.
Tôi hỏi Marcel, rằng anh thích gì nhất nơi đây. Anh bảo, mọi thứ tuyệt đẹp và hoàn hảo theo cách tự nhiên nhất, không gượng ép, không giả dối. Là cô thôn nữ trong áo bà ba duyên dáng chèo xuồng điềm đạm, không xô bồ, không hối thúc, khách cứ chụp hình và ngắm chim thảnh thơi. Là nắm cơm gạo đỏ huyết rồng gói trong lá sen thơm phức, đơm đầy tràn hai người ăn mãi chẳng vơi. Là biển cảnh báo nhỏ rằng đài quan sát 18m chỉ chứa tối đa 20 người. Mọi người chẳng ai chen lấn, xô đẩy, cứ tuần tự chờ người xuống rồi mình lên. Anh nhớ khẩu hiệu của Tổng cục Du lịch mà anh từng thấy in trên vài xe buýt ở Sài Gòn và khẳng định chắc nịch rằng, “timeless charm” là những điều này chứ có xa xôi.
NGUYỄN THỊ NGỌC HƯƠNG
nguồn: laodong.vn