Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam), làng trồng rau sạch, rau thơm nổi tiếng cách Hội An chừng 4km, thuận lợi cho việc di chuyển bằng xe đạp. Đi trong làng, chúng ta có thể bắt gặp lời ru con theo điệu hò xứ Quảng của một bà mẹ:
“Ầu ơ!
Ai về Trà Quế thì về
Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh.
Buổi mai đi bán củ hành
Buổi chiều đi tưới năm canh chưa nằm”.
Làng rau hơn 500 năm tuổi
Thiên nhiên đã trao tặng cho làng quê Trà Quế thổ nhưỡng và nguồn nước ngầm đặc biệt tạo nên hương vị rau khác hẳn các vùng đất khác, hệt như làng Láng bên bờ sông Tô Lịch (Hà Nội). Làng rau Trà Quế đã hơn 500 năm tuổi, người dân nơi đây có diện tích canh tác rau trên những cánh đồng rộng 18 hecta. Bao đời nay, người dân ở đây làm theo kinh nghiệm cha ông, lấy rong rêu dưới lòng sông lên để bón cho đất thêm màu mỡ.
Nông dân Trà Quế gieo trồng gần chục loại rau khác nhau như xà lách, cải ngọt, rau húng, diếp cá, cần tây, ngò rí… luôn được 4 siêu thị lớn bao tiêu quanh năm, cung cấp chính cho nhà hàng, khách sạn tại Hội An. Vườn rau Trà Quế có hai vụ mùa: vụ đông từ tháng 11 đến tháng 3 và vụ hè từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm để chuẩn bị phục vụ Tết cổ truyền.
Kiểu du lịch hóa thân thành người bản địa đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng có lẽ Trà Quế là địa điểm đầu tiên áp dụng hình thức này ở Việt Nam. Du khách tới đây sẽ được học về lối sống, lối lao động của người dân và hiểu được giá trị của lao động.
Những du khách quốc tế thường chọn thời điểm từ tháng 2 tới tháng 4 hàng năm khi nơi này không có mưa, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi thích hợp để tới tham gia các hoạt động của làng rau. Đến nay, khá nhiều gia đình Việt ở các thành phố lớn cũng thường chọn Hội An để trải nghiệm “Một ngày làm nông dân Trà Quế”, các em nhỏ tỏ ra thích thú với tour này.
Để trải nghiệm làm nông dân xứ Quảng, bạn hãy tạm cất những đôi giày, dép đắt tiền bóng lộn, đặt bàn chân trần bên cạnh những luống rau tươi rói để cảm nhận hơi lạnh nhè nhẹ từ gan bàn chân. Để có bộ ảnh đẹp thì dù trời nắng hay không bạn vẫn cần phải kiếm thêm một chiếc nón lá.
Phần lớn các khu vườn ở đây đều có máy bơm từ giếng khoan đến cả bể chứa. Khi đóng vai “thợ tưới”, khi trên vai là chiếc đòn gánh thì bạn hãy nhớ bấm mười đầu ngón chân xuống đất cho khỏi trượt ngã do chính cái bẫy mình tự gài. Ngày xưa:
Muốn về Trà Quế mà chơi
Chỉ sợ chuyện đời, gánh nước chai vai.
Các nữ du khách lại thích được tự tay trồng các loại rau dưới sự hướng dẫn của các mẹ, các cô gái thôn nữ xứ Quảng. Những công việc tưởng chừng đơn giản những nếu không có sự hỗ trợ của những người nông dân thực thụ, bạn sẽ không thể tạo nên hàng luống thẳng hàng. Có khi người chưa về đến Hội An, những cây rau vừa trồng đã héo rũ rượi.
Những chủ nhà tốt bụng biết được, dù muốn nhưng người thành phố cũng không thể làm việc liên tục 3 - 4 giờ ngoài nắng. Nên giữa ruộng rau non xanh bao giờ cũng có những chòi tranh làm tạm để mọi người được ngồi nghỉ ngơi, vừa uống bát nước chè xanh, ăn cái bánh đậu xanh nhân thập cẩm vừa nhìn ngắm luống rau mới trồng. Đây cũng là lúc những người đàn ông chiều vợ con, lôi máy ảnh hay những điện thoại đắt tiền ra hành nghề.
Nếu như du khách là đàn ông thường thích công đoạn làm đất để chuẩn bị cho việc gieo trồng thì các chị, các mẹ lại đặc biệt thích thú với việc thu hoạch. Nếu có dịp bổ từng nhát cuốc xuống lòng đất, xới lên một vạt đất mềm bạn sẽ thấy đất ở đây mịn và xốp vô cùng.
Khi lấy móng tay ngắt các cọng rau, đặc biệt là rau é hay diếp cá, ngò rí thì hương thơm của tinh dầu sẽ dậy lên.Thoạt nhìn, rau é khá giống rau thơm, cọng rau cũng xanh nhưng lá nhỏ hơn và hương thơm thì khác hẳn, dìu dịu lan tỏa mãi.
Ai về Trà Quế thì về
Trải nghiệm cuối cùng của một ngày hóa thân thành nông dân xứ Quảng chính là thưởng thức các đặc sản của Hội An như: Tôm thịt, bánh tráng thịt heo, món cơm hến xào rau răm, hành phi thơm ngon khiến bạn không thể nào quên. Trẻ con thì có bánh xèo, bánh gỏi. Các món ăn trứ danh ở Hội An đều quy tụ ở đây và điều đặc biệt là đều sử dụng nguyên liệu là rau Trà Quế. Đây là lý do vì sao những món ăn đặc sản Hội An ăn ở Trà Quế lại ngon hơn rất nhiều. Khi vài giờ trải qua sự lao động nặng nhọc thì du khách sẽ có cảm giác giá trị sản phẩm làm ra được tăng lên nhiều lần.
Cao lầu - một món ăn đặc sản Hội An, nếu không có nhúm nhỏ rau sống Trà Quế trước khi chan nước sốt để làm dậy lên hương vị đặc trưng của món ăn này sẽ mất đi sự độc đáo của nó. Ngay cả những hương vị thơm ngon của mì Quảng hay bê thui Cầu Mống một phần đến từ sự phối hợp những loại rau được trồng trong vườn rau Trà Quế.
Ra về vẫn nhớ Hội An
Phố vui, người đẹp, chứa chan nghĩa tình.
Việt Nam có hàng ngàn làng rau nhưng để tìm được một làng rau độc đáo, riêng biệt như làng Trà Quế thì rất khó. Trà Quế có đến hơn 40 loại rau, trong đó nổi bật phải kể đến rau thơm. Vẫn là hành, răm, tía tô, húng, rau mùi nhưng rau Trà Quế thơm và có vị đặc trưng không thể lẫn đi đâu được.
Người nông dân bên dòng sông Hoài đã bao đời vất vả để tạo nên một làng quê đặc biệt đến thế, giúp cho du lịch Hội An có thêm một nét hấp dẫn rất riêng biệt. Đến đây một lần, bạn sẽ nhớ mãi thứ giọng Quảng Nam nằng nặng, cùng mùi rau thơm chẳng nơi nào có được, bạn mới thấy một Hội An yên bình, đáng yêu và đáng nhớ biết bao!
Để trải nghiệm làm nông dân xứ Quảng, bạn hãy tạm cất những đôi giày, dép đắt tiền bóng lộn, đặt bàn chân trần bên cạnh những luống rau tươi rói để cảm nhận hơi lạnh nhè nhẹ từ gan bàn chân.
|
Nguồn: kinhtedothi.vn