(Tạp chí Du lịch) - Sông Bôi, kể từ thượng nguồn có hai nhánh chính. Một nhánh bắt nguồn từ Tú Sơn, qua Vĩnh Tiến, xuống Đông Bắc, Thượng Bì. Nhánh thứ hai bắt nguồn từ Đú Sáng, qua Bắc Sơn, Sơn Thủy, hợp lưu với nhánh Tú Sơn tại làng Ngheo, xã Thượng Bì và tiếp tục chảy xuôi.
Đến xã Kim Bình (phía dưới thị trấn Bo) lại có một nhánh nữa từ Kim Tiến chảy ra hợp lưu. Chính nhánh sông từ Kim Tiến đã làm nên một vùng cát vàng nổi tiếng mà người ta đã dùng để xây lăng Bác Hồ từ thập niên bảy, tám mươi của thế kỷ trước. Có thể nói, đến nhánh cát vàng này sông Bôi đã định rõ hình hài của mình, mặc dù từ đây cho đến lúc nhập vào sông Đáy để vào hệ thống sông Hoàng Long và đổ ra biển khơi, sông Bôi còn nhập nhiều nhánh sông nữa.
Dọc theo nhánh sông từ Đú Sáng, có hai di chỉ khảo cổ học thuộc văn hóa Hòa Bình. Đó là hang Tùng ở làng Khoang và hang Giàng ở làng Ngheo. Quê tôi ở làng Ngheo, tôi còn nhớ hồi bé, chúng tôi đã chạy theo một đoàn "cán bộ đào vàng ở hang Giàng". Sau này vào học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong một lần đọc được tập san thông báo khoa học của nhà trường, tôi mới biết hóa ra "đoàn cán bộ đào vàng" ngày ấy chính là các nhà khảo cổ học. Làng Ngheo quê tôi cũng chính là nơi hợp lưu giữa hai nhánh sông đầu tiên ở thượng nguồn sông Bôi. Đồng làng tôi được tạo dựng bởi sự hợp lưu ấy. Ngay phía dưới chỗ hợp lưu này là làng Khoai.
Xuôi một quãng nữa, sông Bôi mở rộng hơn. Một bên bờ sông là dãy núi đá hùng vĩ. Soi mình xuống dòng sông xanh, bên kia là thị trấn Bo, tưng bừng phố thị. Thị trấn Bo làm cho sông Bôi lung linh vẻ đẹp về đêm. Có cái gì đó rất xa xưa của những hang động làng Bờ và cái gì đó trẻ trung duyên dáng, hiện đại của thị trấn Bo cùng hòa quyện với nhau ở một khúc sông Bôi.
Lui xuống phía dưới quãng sông này là đoạn Khoang Ông. Tôi không biết tại sao quãng sông này lại có tên như vậy. Chỉ biết ở đây có một cây cầu rất đẹp bắc ngang qua sông, gọi là cầu Chà Lạng, có lẽ đặt theo tên của xóm Lạng ngay bên trên. Quãng sông này cả nước và đá đều rất đẹp. Nước xanh biếc và trong veo. Đá nhô lên khỏi mặt nước với đầy đủ hình thù, gợi trí tưởng tượng theo các truyện cổ tích. Vào mùa nước xanh, t��ng đôitrai gái đứng trên cầu soi mình xuống dòng sông, cảm giác cuộc sống thật thanh bình yên ả. Cây cầu này được xây dựng từ đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, tuy hơi hẹp so với lưu lượng xe cộ bây giờ nhưng rất đẹp và bền.
Phía dưới cầu Chà Lạng là Bãi Khoai. Ở đây có rất nhiều guồng nước làm bằng tre. Không thể tưởng tượng được sông Bôi, nếu không nói đến guồng nước. Cả một dãy dài guồng nước, như những bánh xe bằng nan tre khổng lồ, cần mẫn đưa nước đổ lên các tràn ruộng cao.
Rồi xa xa kia là Khụ Dọi, ngọn núi đá dựng đứng giữa dòng sông Bôi ngày đêm miệt mài chảy dài chảy mãi về xuôi…
BÙI DUY MY
Tạp chí Du lịch tháng 6 năm 2016