Nhà thờ đá Sapa, Lào Cai
Nhà thờ đá Sapa được xây dựng từ năm 1895 là dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại tại Sapa, Lào Cai. Tọa lạc ở vị trí đắc địa: phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước có khu đất rộng, nhà thờ đá là điểm đến không thể bỏ qua khi tới Sapa. Nhà thờ được xây theo hình thập giá của kiến trúc Gothic La Mã, thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… đều là hình chóp. Nhà thờ được xây bằng đá đẽo, liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía.
Nhà thờ lớn, Hà Nội
Nhà thờ Lớn Hà Nội đầu tiên có tên là Nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph) sau mới gọi là Nhà Thờ Lớn (còn có tên gọi: Nhà thờ Chính tòa Hà Nội). Nhà thờ Lớn khánh thành vào lễ Giáng sinh năm 1887. Mang nét đặc trưng của kiến trúc Gothic châu Âu: tường xây cao, có mái vòm và nhiều cửa sổ, nhà thờ lớn Hà Nội ở phố Nhà Chung xuất hiện nhiều trong các bộ ảnh du lịch, ảnh cưới. Khu gần nhà thờ trở nên quen thuộc với nhiều người Hà Nội và du khách. Họ thường đến đây để nhâm nhi cà phê hoặc trà chanh và trò chuyện cùng bạn bè.
Nhà thờ Gỗ, Kon Tum
Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum, người dân gọi gần gũi là nhà thờ Gỗ, được xây dựng ở trung tâm thị xã từ năm 1913, tới năm 1918 thì hoàn thành. Nhà thờ hơn trăm tuổi là điểm đến nổi bật của TP. Kon Tum với tháp chuông cao vút, mái nhọn, khung cửa hình vòm và hàng cột to tròn. Giáo đường mang đặc trưng kiến trúc Roman còn hoa văn trang trí, điêu khắc trên gỗ mang dáng dấp của văn hóabản địa. Bên trong nhà thờ, hệ thống cột gỗ, rui mè chạm khắc nét hoa văn thể hiện chất đôn hậu, khoẻ mạnh của người Tây Nguyên.Khu hoa viên của nhà thờ có nhà rông mái cao, các bức tượng tạc từ rễ cây làm không gian mang đậm màu sắc đại ngàn.
Nhà thờ đá Phát Diệm, Ninh Bình
Là nhà thờ mang đậm kiến trúc phương Đông, Nhà thờ Phát Diệm được xây dựng vào những năm 1875 – 1898. Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm tọa lạc trên diện tích 22ha ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 120km. Đây là một công trình độc đáo vì có sự kết hợp giữa kiến trúc châu Âu và đình chùa truyền thống ở Việt Nam. Quần thể nhà thờ được bố trí trên một mặt bằng tổng thể hình chữ Vương, không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông: trước có hồ, sau có núi.
Nhà thờ đá, Khánh Hòa
Nằm trên độ cao 12m giữa trung tâm thành phố Nha Trang là nhà thờ Chánh tòa Kitô Vua (còn gọi là nhà thờ đá, nhà thờ Nha Trang, nhà thờ Ngã Sáu). Nhà thờ được khởi công xây dựng trên một mõm núi nhỏ có tên là núi Bông năm 1928. Nơi đây được xây dựng theo lối kiến trúc nhà thờ Công giáo phương Tây. Nhìn từ xa, nhà thờ tựa như một lâu đài cổ được xây dựng bằng đá phiến màu xám. Nơi đây mở cửa đón khách các ngày trong tuần từ 8h sáng và vẫn duy trì các buổi giảng đạo vào hai buổi sáng, chiều.
Nhà thờ Con Gà, Lâm Đồng
Nhà thờ Con gà là một trong những kiến trúc cổ xưa tiêu biểu còn xót lại từ thời Pháp thuộc. Đây là một trong những nhà thờ lớn nhất của Đà Lạt. Sở dĩ nhà thờ có tên gọi là con gà vì trên đỉnh tháp chuông có tượng một con gà lớn. Nhà thờ được bắt đầu xây dựng từ năm 1931 tới năm 1942 thì hoàn thành. Chính tòa Thánh Nicôla Bari là nhà thờ lớn, cổ và đẹp nhất Đà Lạt, Lâm Đồng, thường được người dân bản địa gọi thân mật là nhà thờ Con Gà do trên đỉnh tháp có hình một gà lớn. Bên trong thánh đường có 3 gian, được thiết kế theo lối đối xứng nghiêm ngặt, cổ điển. Phía trên cửa tường lắp 70 tấm kính màu sắc.
Nhà thờ Đức Bà, TP. Hồ Chí Minh
Nhà thờ Đức Bà là công trình kiến trúc đặc sắc từ thời Pháp thuộc do kiến trúc sư J.Bourard thiết kế. Nhà thờ Đức Bà xây năm 1877, hoàn thành sau 3 năm và được Tòa thánh Vatican phong hàng tiểu Vương cung Thánh đường từ năm 1959. Toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít được mang từ Pháp sang. Mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, không tô trát, không bám bụi rêu, hiện vẫn còn giữ màu sắc tươi sáng. Từ tháng 7/2017, nhà thờ bước vào giai đoạn trùng tu, dự kiến trong 2 năm, tạm dừng đón khách tham quan để đảm bảo an toàn.
Lan Phương