1. Thành công lớn nhất
SEA Games 26 diễn ra tại Indonesia từ ngày 11 – 22/11 là sự kiện quan trọng nhất của TTVN trong năm 2011 và kỳ Đại hội thể thao khu vực này đã chứng kiến thành công lớn của TTVN. Đặt ra chỉ tiêu giành từ 70 Huy chương Vàng (HCV) để đứng trong tốp đầu, chung cuộc đoàn TTVN vượt lên rất xa với 96 HCV, 92 Huy chương Bạc (HCB), 99 Huy chương Đồng (HCĐ), vững ở vị trí thứ 3 toàn đoàn. Không chỉ là thành tích tốt nhất trong các kỳ SEA Games trên sân khách, thành công của thể thao nước nhà còn mở ra tương lai phát triển mới với dấu ấn từ các môn thể thao Olympic cùng thế hệ VĐV trẻ.
Liền kề với SEA Games 26, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam còn tham dự ASEAN Para Games 6 cũng tổ chức tại Indonesia với mục tiêu bảo vệ tốp 3 toàn đoàn.
2. Gương mặt xuất sắc nhất
Sinh ngày 24/3/1993 tại Đà Nẵng, Hoàng Quý Phước xứng đáng là gương mặt vận động viên (VĐV) xuất sắc nhất của TTVN năm 2011 với những thành tích đi vào lịch sử. Vào tháng 5/2011, kình ngư trẻ quê Đà Nẵng đã đạt chuẩn B Olympic London 2012 với thành tích 53,56 giây ở cự ly 100m bướm nam. Đây cũng là lần đầu tiên có một VĐV bơi Việt Nam chính thức đạt chuẩn để tham dự thế vận hội.
Chưa dừng ở đó, tại SEA Games 26, Hoàng Quý Phước phá sâu chuẩn B để giành tiếp tấm HCV ở cự ly 100m bướm và ấn tượng hơn với chức vô địch thứ hai tại nội dung 100m tự do nam. Chiến thắng cũng đi vào lịch sử bơi lội nước nhà khi lần đầu có một VĐV giành tới 2 HCV bơi tại một kỳ SEA Games.
3. Tấm huy chương ấn tượng nhất
Dù chỉ là tấm HCĐ, nhưng nó lại được xem là quý hơn cả vàng, bởi đó là tấm huy chương thế giới đầu tiên của thể dục dụng cụ Việt Nam. Chúng ta đang nói về tấm HCĐ của nữ tuyển thủ Phan Thị Hà Thanh đã giành được tại giải thể dục dụng cụ vô địch thế giới tổ chức vào tháng 10 tại Tokyo (Nhật Bản).
Ghi dấu mốc mới cho thể dục Việt Nam và cũng với tấm HCĐ này, Phan Thị Hà Thanh đã giành quyền chính thức tham dự Olympic London 2012, để rồi cô gái quê Hải Phòng này cùng đồng đội tiếp tục làm nên "cơn mưa" 11 HCV cho đoàn TTVN tại SEA Games 26. Cũng tại kỳ SEA Games này, Hà Thanh trở thành tuyển thủ giàu thành tích nhất với 3 chức vô địch.
4. Cuộc đua quyết liệt nhất
Năm 2011, ngoài SEA Games 26, TTVN còn có một cuộc đua khác quyết liệt hơn nhiều xét trên góc độ chuyên môn - cuộc đua giành các suất chính thức tham dự Olympic London năm 2012. Tính đến hết năm 2011 TTVN mới chỉ giành được 5 suất từ các môn: bơi, thể dục dụng cụ, taekwondo và gần nhất là Judo.
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, tới thời điểm danh sách VĐV tham dự Olympic 2012 chính thức gút lại, TTVN cần phải tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa mới hy vọng có thêm khoảng 5 suất tham dự khác từ các môn: điền kinh, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn súng, đấu kiếm; đua thuyền rowing hoặc canoeing... bên cạnh một suất gần như đã có của cây vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh.
5. Hình ảnh xúc động nhất
Hình ảnh nữ tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Phương tại SEA Games 26 gục ngã, rồi vượt lên chính mình trong lằn ranh của “sự sống - cái chết” để nỗ lực đặt tay mình vào đích đến đã thực sự làm hàng triệu trái tim Việt Nam phải xúc động bởi tinh thần thi đấu hết mình.
Nếu trên đường chạy, Phương chỉ được HCB thì người hâm mộ Việt Nam trao tặng cô tấm HCV về tinh thần thể thao đích thực.
6. Danh vị đáng khâm phục nhất
Ngày 1/7/2011, Lê Quang Liêm với hệ số elo đạt 2715 đã trở thành kỳ thủ Việt Nam đầu tiên chính thức đứng vào hàng ngũ của 42 Siêu Đại kiện tướng quốc tế cờ vua thế giới (đạt hệ số elo từ 2700 trở nên).
Thành công vang dội của kỳ thủ trẻ TP. Hồ Chí Minh đến từ một mùa thi đấu ấn tượng trên kỳ đài quốc tế với chức vô địch thứ 2 liên tiếp tại giải Aeroflot (Nga), á quân giải tưởng niệm Capablanca (Cuba); vô địch SPICE cup 2011 (Mỹ)... và 2 HCV SEA Games 26, qua đó khẳng định sức mạnh môn thể thao trí tuệ của Việt Nam.
7. Sự trở lại ấn tượng nhất
Hàng loạt các gương mặt kỳ cựu như: Vũ Thị Hương, Nguyễn Tiến Minh... vì nhiều lý do khác nhau không có được mùa thi đấu thành công, tuy nhiên, TTVN 2011 đã chứng kiến sự trở lại đầy ấn tượng của cựu nữ hoàng thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương tại SEA Games 26.
21 tuổi, không còn ở đỉnh cao sau khi phải nghỉ thi đấu gần 1 năm do nghi án do-ping tại Olympic Bắc Kinh 2008, nhưng Ngân Thương đã giành hai HCV, tạo nên một câu chuyện cổ tích có hậu cho đoàn TTVN tại SEA Games 26.
8. Thành tích bất ngờ nhất
Bên cạnh việc tập trung vào các môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic, thì cùng với dòng chảy của thể thao thế giới, TTVN cũng bắt đầu tập trung hơn cho các môn mang tính giải trí thông qua hình thức xã hội hóa mà một loạt đội tuyển như: leo tường, patin, dù lượn.... tham dự SEA Games 26 là minh chứng.
Và tại kỳ SEA Games này, thành tích giành HCB nội dung leo tường tốc độ nam của VĐV Phan Thanh Nhiên quả thật là bất ngờ, nhưng là bất ngờ thú vị khi khẳng định sự đúng đắn của bước đi mới này. Bước đi kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực xã hội cùng yếu tố chuyên môn của thể thao.
9. Thất bại đáng buồn nhất
Với vị thế của môn thể thao vua, rõ ràng việc đội tuyển bóng đá U23 quốc gia thi đấu không thành công tại SEA Games 26, là nét mờ đáng buồn nhất trong cả bức tranh tươi sáng của TTVN 2011.
Ngoài những nguyên nhân trực tiếp và cụ thể, thất bại của bóng đá nam còn chỉ thẳng ra cái lỗi mang tính hệ thống của cả nền bóngđá quốc gia, mà để "sửa chữa" thành công cần phải có sự thay đổi quyết liệt nhất từ công tác điều hành, quản lý đến vấn đề con người.
10. Sự ra đời được kỳ vọng nhất
Sau mùa giải chuyên nghiệp thứ 11 bộc lộ những bất cập, sau đề xuất của các ông bầu doanh nghiệp, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, VPF (Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) chính thức ra đời để thay cho VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) quản lý, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Là bước đi mang tính tất yếu trong lộ trình chuyên nghiệp hóa, sự ra đời của VPF được kỳ vọng sẽ giúp bóng đá Việt Nam trở nên sạch hơn, thu hút người hâm mộ hơn và quan trọng hơn là làm ra tiền từ bóng đá để... nuôi bóng đá!