Chợ tết đồng quê ở làng Yên Đỗ
Làng Yên Đỗ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) có chợ phiên độc nhất trong năm vào ngày 25 tháng chạp trên một cánh đồng làng. Buổi sáng ngày hôm đó, làng tổ chức cuộc thi thơ do các cụ lớn tuổi thích văn thơ chủ trì, tại một ngôi đình gần chợ. Sau cuộc thi thơ, người đoạt giải sẽ được thưởng thức rượu ngon cùng các già làng, nhằm lựa ra loại rượu ngon nhất dùng vào việc cúng tế thần hoàng đầu năm.
Chợ tình Tam Lộng
Vùng đất nông thôn của xã Tam Lộng, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc có tục lệ họp chợ “tình yêu” hàng năm vào ngày 25 tháng chạp. Chợ tình Tam Lộng là nơi trai gái giao duyên, tìm kiếm bạn đời. Nhiều nghệ nhân đến đây hòa nhạc, bày nhiều nhạc cụ dân tộc tạo thêm không khí rộn ràng cho phiên chợ. Chợ còn tổ chức các trò vui chơi như: ném còn, đá cầu, múa xòe, hát lượn… và cuộc vui diễn ra suốt cả ngày.
Chợ tết mục đồng Yên Thư
Chợ Tết mục đồng Yên Thư (xã Yên Thư, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức vào ngày 28 tháng chạp hàng năm. Vào sáng ngày 28, các mục đồng (trẻ em chăn trâu, bò…) được cha mẹ cho mặc quần áo mới rủ nhau đi họp chợ. Các em bé trưng bày những sản phẩm của gia đình làm ra như: hoa giấy, các loại bánh trái, gà vịt, mũi đệm… trên một khoảng đất trống, tạo nên một khung cảnh ồn ào, tấp nập đúng như một phiên chợ tết thực sự.
Chợ gà Xuân Ô
Chợ gà của làng Xuân Ô (huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh) mở vào đêm mồng 4 tết. Khi trời còn nhập nhoạng tối, dân làng đã đến chợ. Theo quan niệm tín ngưỡng của nhân dân ngày xưa, chợ họp tối để người trần thế và âm phủ có thể cùng đi dự. Người ta chỉ mua bán những con gà đen tuyền, vì cho rằng giống gà này có thể nhập được vào cõi âm dò xét tình hình nơi ấy về tâu bẩm với Thành Hoàng, để ngài liệu bề phù hộ cho dân được nhân khang, vật thịnh. Nhà nào có gà đen đem bán ở chợ để hiến tế Thành Hoàng sẽ được hưởng phúc lớn. Chợ vừa tan thì ngay trên khu vực chợ, nhiều quán trầu của các cụ bà mọc lên để cho các liền anh, liền chị mời nhau xơi trầu và hát quan họ.
Chợ Lượn
Ngoài giêng, một số chợ thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên…, đồng bào Tày thường tổ chức hát lượn giao duyên, nên gọi là chợ Lượn. Thanh niên nam nữ đến đây chơi, mua bán là phụ mà hát lượn là chính để bày tỏ tình cảm với nhau. Nhiều lứa đôi đã bén duyên, nên vợ nên chồng từ cái chợ một phiên này. Họ hát say sưa, bằng cả trái tim của tuổi trẻ, nam xướng, nữ đối (hoặc ngược lại) từ sáng tới chiều, cho đến lúc tàn phiên mới chịu rời nhau.
Chợ Bến
Chợ Bến ở Đồng Hới (Quảng Bình), chỉ họp ba ngày đầu năm, dọc theo bờ sông Nhật Lệ. Trên bờ xe cộ tấp nập, dưới sông thuyền ghe chen nhau san sát. Mấy ngày trước tết, nhân dân địa phương dựng lều trại, mở bài chòi. Người về họp chợ mang theo các loại đặc sản của quê hương mình như đồ thủ công mỹ nghệ, tôm, cá, thịt heo rừng, mật ong, gà, vịt, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em... Kẻ mua người bán dù không quen biết nhau vẫn chào hỏi, chúc tụng lẫn nhau và không cần thách thức, “cò kè” bớt một thêm hai như những phiên chợ thường. Đám thanh thiếu niên thì reo hò quanh các trò vui như chọi gà, leo cột mỡ, đi cầu nối trên sông hay túm tụm quanh các điểm bài chòi.
Anh Thư (tổng hợp)