(Tạp chí Du lịch) - Vào mùa này, cây sắn ở ngoài ruộng đã được trồng và nở cao tới đầu gối. Chỉ một thời gian nữa thôi, cây sẽ cao bằng đầu người, thân sắn nảy thêm các nhánh nhỏ, khi ấy búp và lá sắn từ những nhánh nhỏ sẽ được đem về làm dưa sắn.
Muốn ăn dưa sắn ngay lúc này thì không phải đợi thêm, những thân sắn được trồng làm rào cho vườn rau ở vườn cũng đã nở những ngọn non xanh, mập mạp. Những mầm trồi này non và mềm hơn những nhánh của cây sắn ở ruộng nên món dưa sắn làm từ những mầm trồi thường thơm ngon hơn.
Làm món dưa sắn cũng không phải cầu kỳ. Chọn những lá không quá già, cả phần ngọn và lá non nữa, rồi đem rửa sạch sẽ, để ráo nước. Xong, cho lá vào một cái nia và dùng hai tay vò thật kỹ, khi thấy cả lá, thân và ngọn đã nhừ (nhừ nhưng không được nát vụn) thì cho chúng vào một cái liễn, chế nước đun sôi để nguội đã hòa một chút muối vào, đậy phên tre lên trên rồi đậy nắp lại. Tùy theo thời tiết, nếu nắng nóng thì chỉ khoảng hai hoặc ba ngày là liễn dưa sẽ ngả màu vàng tươi, thơm mê hoặc, khi ấy có thể vớt dưa sắn ra nấu.
Dưa sắn nấu cùng tép đồng hay với cá đều cho ra món ăn rất hấp dẫn bởi vị ngọt của tép, vị béo của cá, vị chua của dưa sắn quyện vào nhau. Dưa sắn đôi khi chỉ nấu với một chút tóp mỡ mà vẫn mang tới cho người thưởng thức hương vị khó quên.
Lê Minh Hải