Để tạo nên những chiếc bánh in xinh xắn mang hương vị bùi bùi độc đáo là cả một quá trình của những người làm bánh tài hoa. Chuẩn vị của bánh in phải là giống nếp mèo bản địa, đậu xanh được tinh chọn từ những hạt đậu hái lứa đầu căng bóng mượt mà.
Bánh in gồm 2 loại: bánh nếp và bánh đậu xanh. Quy trình làm bánh cũng trải qua nhiều công đoạn, từ chọn nếp, đậu xanh thật ngon, đem đãi sạch, để ráo rồi rang cho chín thơm, vàng đều trên lửa hồng riu riu cho nếp cớm vàng ươm, đậu xanh chín từ từ. Sau khi rang chín thì xay gạo và đậu xanh thành bột. Bột sau đó được hong sương từ 3 - 5 đêm cho nở đều.
Đến công đoạn in bánh, phải nhồi bột thật kỹ với đường tán được nấu từ mấy lò đường mía để bánh ngon đúng vị. Đường để in bánh có thể cạo từ đường tán, hoặc đem đun riu riu cho thành nước đường sên để nhồi bột. Khuôn in bánh được lựa chọn từ những chiếc khuôn chạm khắc hoa văn đẹp mắt để tạo hình những chiếc bánh bắt mắt.
Bánh in xong cho vào xửng hấp chín rồi mới đem xông khô. Từ đây đã có được chiếc bánh in thành phẩm cho ngày tết. Tuy nhiên, cũng có những gia đình kỳ công còn đem nhúng nước đường rồi rắc thêm lớp mè rang thì mới trọn vẹn hương vị của bánh in.
Chiếc bánh in nhỏ xinh mang hình hoa mai, hoa đào, con gà, chữ Phú, Quý, Tài, Lộc… chứa đựng những văn hóa về ẩm thực ngày tết. Những chiếc bánh in giòn tan, mang đậm hương vị của nếp thơm, của đậu xanh, vị bùi bùi, ngòn ngọt rất hấp dẫn khách đến chơi nhà vào dịp tết. Hương vị của bánh sẽ hấp dẫn hơn khi được thưởng thức cùng tách trà nóng.
Bánh in - chiếc bánh của ngày tết chứa đựng âm hưởng cổ truyền tinh tế và độc đáo. Giữ vị của bánh in là giữ hồn cốt cổ truyền để mỗi dịp tết đến xuân về lại rộn vang mà ấm áp…
Đỗ Duy Hoàng