Môn sen được trồng ở vùng đất ven phá Tam Giang có thân màu tím, nhìn giống với loại môn tím (một loại môn chỉ dùng ăn củ). Môn sen được thu hoạch quanh năm và được bán ở hầu khắp các chợ xứ Huế, vươn xa đến tận Đà Nẵng, Nha Trang hay vào đến thành phố Hồ Chí Minh…
Cây môn sen sau khi được chế biến rất thơm ngon, không gây ngứa như những loài môn khác. Qua bàn tay khéo léo của những người nội trợ xứ Huế, môn sen được chế biến thành nhiều món ăn ngon và có giá trị dinh dưỡng như: dưa chua môn sen, cháo môn sen… nhưng ngọt thơm và thông dụng nhất vẫn là món canh môn sen nấu với tôm tươi sống ở đầm phá Tam Giang.
Môn sen được mua ở chợ về mang sơ chế cho sạch lớp đất cát bám ngoài, gọt vỏ phần củ và phần “chột sen”, tước qua vỏ của thân môn sen rồi cắt mỏng phần củ và cắt phần thân thành khúc dài khoảng 4 - 5cm. Sau đó rửa sạch lại một lần nữa và chờ ráo nước.
Tôm tươi được làm sạch rồi tẩm ướp gia vị gồm nước mắm, hạt tiêu, cùng vài củ hành tím đập dập. Phi thơm củ hành rồi cho tôm đã ướp vào xào chín. Chút ruốc Huế hòa với nước sạch lắng trong vài phút rồi gạn lấy nước ruốc trong đó cho vào nồi tôm đã um, chờ nước sôi cho môn sen đã sơ chế vào nấu đến khi chín.
Canh môn sen rất thích hợp cho các bữa cơm gia đình dịp cuối đông đầu xuân. Khi thưởng thức, bạn sẽ bị “mê hoặc” tất cả các giác quan bởi vị thơm dịu như hạt sen hòa trong hương thơm nồng nàn của gia vị, vị ngọt mát cùng cảm giác giòn sật của thân môn sen kết hợp với sự dẻo, bùi của “chột” môn sen (chột là phần thân tiếp giáp với củ). Ai đã từng thưởng thức thì không thể nào quên, bởi thế ngày xưa, món canh môn sen nấu tôm từng là món ăn tiến vua.
Ngọc Hoa