Những tín hiệu tích cực…
Hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế tại điểm cầu trực tiếp Hà Nội (được kết nối với 20 điểm cầu trên cả nước) có sự tham dự của Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cục Cửa khẩu (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các doanh nghiệp Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Sungroup, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Hanoi Tourism…
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh đến thời cơ để “rộng mở cánh cửa” đón du khách quốc tế sau thời gian thí điểm. “Thời gian thực hiện thí điểm dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều (gần 9.000 khách) nhưng cho thấy những tín hiệu rất tốt qua những đánh giá, phản hồi của du khách. Có thể nói, đây là những thông điệp mạnh mẽ từ chính du khách với cộng đồng quốc tế về một Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, Bộ trưởng nói.
Cùng với sự nỗ lực cao và tích cực tìm kiếm các giải pháp có tính khả thi cao nhất để đưa du lịch trở lại trạng thái bình thường, hai năm vừa qua cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương đã có rất nhiều nỗ lực tìm các hướng đi, tích cực chuẩn bị để khi có đủ các điều kiện thuận lợi du lịch sẵn sàng bật lên. “Đây là thời điểm, nhưng cũng là bài toán cần lời giải thuyết phục, trong đó phải đáp ứng được các tiêu chí thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả, để phục hồi kinh tế và đảm bảo đời sống, sức khỏe của nhân dân”, Bộ trưởng yêu cầu.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được triển khai từ tháng 11/2021, tính đến ngày 23/01/2022 đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam. Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…, trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, khách du lịch quốc tế tham gia Chương trình thí điểm đều có phản hồi tích cực khi trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí hấp dẫn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng tại các điểm. Du khách thể hiện sự hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam. “Điều này cho thấy Việt Nam là điểm đến du lịch “an toàn, hấp dẫn”, cũng như khẳng định năng lực “thích ứng an toàn, linh hoạt” của ngành Du lịch Việt Nam. Kết quả bước đầu này là bước đệm vững chắc để ngành Du lịch Việt Nam chuẩn bị các điều kiện hướng tới mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới” Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nói.
Từ góc độ địa phương được chọn thí điểm đón khách, đại diện tỉnh Kiên Giang cho hay, đến thời điểm này đã tổ chức đón 10 chuyến bay với hơn 1.200 khách quốc tế (01 chuyến từ Hàn Quốc, 01 chuyến chuyên cơ từ Thái Lan, 03 chuyên cơ khác từ Lào, 04 chuyến từ Uzebekistan và 01 chuyến từ Kazakhstan, do 05 doanh nghiệp lữ hành tổ chức thực hiện).
“Chủ trương cho phép triển khai Chương trình thí điểm đón khách quốc tế sử dụng hộ chiếu vắc-xin là rất đúng đắn và kịp thời; sự chuyển hướng trong quan điểm và chính sách “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP đã định hướng, mở đường, tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phục hồi trở lại. Một tín hiệu vui đối với Kiên Giang nói riêng và du lịch cả nước nói chung là trong tháng 01/2022 cac doanh nghiệp tiếp tục đón 6 chuyến bay đến từ Singapore, Malaysia, Mông Cổ, Dubai với hơn 1.200 khách; tháng 02 và 03/2022 sẽ có 04 chuyến với gần 1.000 khách…”, đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chia sẻ.
Từ 2 điểm cầu vốn là 2 địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đều bày tỏ quan điểm “du lịch mở sớm ngày nào tốt ngày đó”…
“Nên mở từ 1/4 để có sự cơ động trong công tác chuẩn bị, từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, điểm tham quan, du lịch, cơ sở lưu trú…”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất.
Và những điểm nghẽn cần tháo gỡ…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, hiện nay các quy định về phòng dịch thiếu thống nhất. “Cần sự thống nhất trong cả nước để tạo thông suốt cho doanh nghiệp cũng như người dân, và nên bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với du khách đã tiêm vắc xin phòng dịch, có xác nhận khỏi bệnh”, ông Quyền nêu quan điểm.
Ý kiến của ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các đại biểu tham dự hội thảo cũng như tại các điểm cầu. Ông Bình cho rằng, không mở cửa du lịch hoàn toàn là điều vô lý, bởi mở hay đóng thì vẫn không thay đổi được tình hình dịch và bản chất của phòng, chống dịch là tiêm vắc xin và các biện pháp an toàn theo khuyến cáo của ngành Y tế. Ông Bình dẫn chứng, hiện Việt Nam tỷ lệ tiêm mức cao, là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất, cùng với kết quả thí điểm đón 8.500 khách thời gian qua cho thấy không có vấn đề gì, nên mở cửa thời điểm này là đúng “cơ hội vàng”.
“Du lịch đang tắc nghẽn với khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp, hàng triệu lao động gián tiếp mất việc làm. Khi ‘mạch nước’ này được khơi thông sẽ tạo ra hiệu ứng cực tốt… Không nên phức tạp hóa vấn đề mà cần đơn giản hơn mọi việc vì nền kinh tế, vì lương lai của du lịch”, ông Bình nói.
Chia sẻ câu chuyện thực tế vừa mới trải nghiệm tại một số quốc gia châu Âu, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, nhiều vấn đề phải “xem lại”, chẳng hạn Việt Nam quy định du khách phải có xét nghiệm PCR 72 giờ trước khi nhập cảnh là không phù hợp. “Nhiều đường bay xa phải quá cảnh, trung chuyển thì quy định này gây ra những phiền toái trở ngại vô cùng” ông nói và đề cập đến một “rào cản” khác là chính sách visa, cần sớm tháo gỡ để tạo thuận tiện cho du khách đến Việt Nam.
“Nhiều người vẫn nghĩ du lịch như chiếc lò xo bị nén khi bật trở lại sẽ rất mạnh, nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy, sẽ không có sức bật nào nếu chúng ta không hành động. Nhà nước xúc tiến điểm đến, doanh nghiệp xúc tiến sản phẩm, dù cho có áp dụng 4.0 hay gì đi nữa thì vẫn không thể thay thế được trực tiếp phát động thị trường, nên chính sách là cực kỳ quan trọng…”, ông Bình nói.
Trong khi đó, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn nêu một thực trạng khá bức xúc thời gian qua là yêu cầu test nhanh du khách khi lên và xuống máy bay đều thực hiện ngay tại nhà ga máy bay, gây ra tắc nghẽn cục bộ khu vực ga quốc tế đến, nếu tình trạng này không được xử lý khi mở cửa quy mô lớn sẽ không thể xử lý được, tạo ra hình ảnh không đẹp mắt đối với du khách quốc tế…
“Chốt” vấn đề, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, hiện nay việc đón khách tại 7 địa phương vẫn đang tiếp tục được triển khai và không hề có bất cứ một “cánh cửa” nào đóng lại. “Trong số 7 địa phương được chọn thí điểm đón khách không phải địa phương nào cũng đón được, điều này cho thấy không thể nôn nóng, đốt cháy giai đoạn mà tiếp tục cần những bước đi thích hợp, chắc chắn”, Bộ trưởng nói và yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng các bước tiếp cận thị trường theo hướng ưu tiên các thị trường tiềm năng nhất; chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên môn sẵn sàng cho đón khách trở lại. Đối với những điểm vướng, Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp, nghiên cứu và tham mưu đề xuất với Chính phủ để triển khai sớm nhất có thể…
Viễn Nguyệt – Tuấn Sơn