Theo Sở Du lịch Hà Nội, do ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19, ngành Du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng xấu, thiệt hại nặng nề. Lượng khách du lịch giảm mạnh, riêng trong năm 2021, Hà Nội ước đón 4 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020). Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 23%, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40% tổng thu năm 2020 và bằng 23% kế hoạch đề ra). Mặc dù lượng khách sụt giảm nhưng TP. Hà Nội được các tổ chức báo chí du lịch quốc tế đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Trang web Trip Advisor xếp hạng TP. Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách Top 25 Điểm đến du lịch phổ biến nhất châu Á; đứng thứ 6 trong danh sách Top 25 điểm đến phổ biến nhất thế giới. Tương tự trang du lịch trực tuyến Worldpackers (Mỹ) giới thiệu Hà Nội là 1 trong 10 thành phố có mức chi tiêu rẻ nhất thế giới dành cho người nước ngoài. Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn TP. Hà Nội là 1 trong 3 điểm đến của Việt Nam vào Top 100 nơi tuyệt vời nhất thế giới…
Trước bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành Du lịch Hà Nội đã kịp thời tham mưu UBND thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động triển khai kế hoạch, kịch bản phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô. Các doanh nghiệp du lịch Thủ đô đã chủ động cơ cấu lại thị trường với nhiều sản phẩm mới như: tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tour xe đạp khám phá phố cổ Hà Nội…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, trong thời gian tới Sở Du lịch Hà Nội chú trọng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm có tính đột phá, hấp dẫn, đáp ứng những nhu cầu, thị hiếu mới của du khách; tăng cường liên kết các doanh nghiệp quảng bá, hợp tác, khai thác, phát triển thị trường du lịch. Đẩy mạnh phối hợp với một số tỉnh, thành trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng xây dựng và phát triển các tour thế mạnh của Hà Nội như du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm (MICE), du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… Bên cạnh đó, ngành Du lịch Thủ đô cần tập trung cải cách hành chính, thu hút các nguồn lực xã hội hóa, đầu tư vào các dự án du lịch tiềm năng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực; triển khai hiệu quả đề án chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, phát triển du lịch; đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông…
Từ nay đến hết năm 2022, cần tập trung tổ chức các sự kiện du lịch lớn trong năm 2022 như Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Festival Áo dài Hà Nội; Cuộc thi tuyển chọn Đại sứ du lịch Hà Nội và Bài hát của du lịch Hà Nội… mang tầm quốc gia, quốc tế. Tiến tới tổ chức các lễ hội, sự kiện này thường xuyên, định kỳ hàng năm, từ đó tạo điểm nhấn trong tổng thể du lịch Thủ đô.
Tại hội nghị, đóng góp giải pháp cho du lịch Hà Nội trong năm 2022, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, các doanh nghiệp Hà Nội có thể tập trung cho du lịch thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe, đón đầu cho sự kiện Việt Nam đăng cai SEA Games 31.
Đại diện cho khối lưu trú, ông Phạm Hồng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mường Thanh đề xuất thành phố Hà Nội công bố các điểm du lịch an toàn, các chính sách thống nhất trong việc đón khách.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, ngành Du lịch Hà Nội cần nắm bắt rõ xu hướng du lịch của khách, xu hướng ứng dụng công nghệ để đẩy mạnh phát triển du lịch “không chạm”. Bên cạnh việc xây dựng những sản phẩm du lịch kích cầu du lịch nội địa, Hà Nội cần hướng tới những sản phẩm đa dạng để chuẩn bị cho đón khách quốc tế.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch năm 2022-2023. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ 9 - 10 triệu lượt khách trong năm 2022, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,8-35,8 nghìn tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng trung bình năm 2022 của khối khách sạn đạt khoảng 40-45%. Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông để thu hút khách; đôn đốc các đơn vị nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã; triển khai các hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô, hướng đến hội nhập quốc tế.
Lan Phương