“Chính phủ luôn trăn trở làm gì để thúc đẩy ngành Du lịch trong bối cảnh hiện tại. Thực tế, khách quốc tế giảm, khách nội địa có tâm lý e ngại dù có nhiều giải pháp đã và đang được thực hiện, như phát động chương trình kích cầu du lịch, hình thành liên minh giữa các địa phương… Chính phủ cần nhiều sáng kiến hơn nữa từ TAB để giúp đưa ra những quyết sách, biến thách thức thành cơ hội. Bộ VHTTDL luôn lắng nghe, chắt lọc những ý tưởng hay, tâm huyết, có luận cứ để tham mưu cho Chính phủ kiến tạo những chính sách thúc đẩy du lịch phát triển”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết, do tác động của dịch Covid-19, năm 2020, Du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 23 tỷ USD.
“TCDL đánh giá cao sự phối hợp của TAB thời gian qua trong việc thực hiện các giải pháp phục hồi ngành Du lịch, các hoạt động kích cầu, đề xuất chính sách, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá… đã tạo được hiệu ứng tích cực và thu hút sự tham gia đồng hành của nhiều địa phương, doanh nghiệp. TCDL đề nghị TAB tiếp tục có những trao đổi, đề xuất các lộ trình, giải pháp cụ thể, đặc biệt là những giải pháp đào tạo nguồn nhân lực du lịch, chuyển đổi số trong du lịch, các giải pháp phát triển bền vững…, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó góp phần khôi phục ngành Du lịch”, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Tại phiên họp, các thành viên TAB đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa, nhiều ý kiến bày tỏ sự mong muốn sớm mở cửa đối với du lịch quốc tế ở các thị trường đã khống chế được dịch Covid-19…
Chủ tịch TAB Trần Trọng Kiên dẫn đề xuất của các nước G20 trong việc mở cửa du lịch an toàn, hướng đến thị thực cởi mở, kết nối vận chuyển an toàn, nâng cao năng lực nguồn nhân lực, tạo sự tin cậy, thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động du lịch…
TAB chia sẻ một số giải pháp các quốc gia như Nhật Bản, Úc, Singapore, Thái Lan, EU… đã thực hiện. TAB cũng đề xuất thực hiện trao đổi, thỏa thuận với một số nước an toàn để mở cửa lại hàng không, thực hiện phối hợp đồng bộ, hài hòa giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện mở cửa du lịch an toàn…
Theo Phó Chủ tịch thường trực VITA Vũ Thế Bình, mở cửa đối với du lịch quốc tế là mong đợi của tất cả những người làm du lịch…, Tuy nhiên, việc này không thể nóng vội, mà cần bước đi thận trọng. Phải căn cứ vào tình hình thực tế, tính khả thi đến đâu, mở trong bối cảnh nào…
“VITA sẽ phối hợp với TCDL xây dựng đề án thí điểm đón khách du lịch quốc tế (inbound) từ những thị trường đã khống chế được dịch Covid-19. Các giải pháp cụ thể như thế nào, thủ tục ra làm sao, đáp ứng những điều kiện gì, trách nhiệm đối với mỗi cơ quan đến đâu… sẽ được trao đổi kỹ lưỡng”, ông Bình nói. Phó Chủ tịch VITA cũng cho biết, hiện nay nhiều quốc gia đã mở cửa du lịch quốc tế và đặc biệt hướng tới du khách từ thị trường Việt Nam, do đó cũng cần tính đến các phương án khảo sát cụ thể đối với thị trường trao đổi khách… để có thể tiến hành song song đón khách inbound và tổ chức cho các đoàn outbound khi điều kiện cho phép.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những đóng góp của TAB và bày tỏ mong muốn TAB tiếp tục có những sáng kiến, tham vấn giúp thúc đẩy phát triển du lịch, sẵn sàng các kịch bản đón khách quốc tế khi đủ điều kiện. “Việc mở cửa du lịch quốc tế cần hết sức cẩn trọng; thực tế cho thấy nhiều quốc gia đã mở cửa sau đó dịch bùng phát trở lại khiến tình hình đặc biệt phức tạp và chi phí khắc phục hậu quả cực kỳ tốn kém. Việt Nam đã mở 2 chuyến bay thương mại đầu tiên nhưng ngay sau đó đã tạm dừng để khắc phục những bất ổn. Đảm bảo an toàn cho cộng đồng cùng với phát triển kinh tế là việc rất khó. Tuy nhiên, Covid-19 không phải là rào cản đối với du lịch, đảm bảo cho du lịch thông suốt là mục tiêu các nước G20 đặt ra tại cuộc họp mới đây. Việt Nam cũng tiếp cận theo hướng đó để nhanh chóng hồi phục du lịch…”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Hùng Nguyễn