Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật là yếu tố hết sức quan trọng trong khai thác, phát triển du lịch. Thời gian qua Cao Bằng đã giải quyết vấn đề này ra sao, thưa ông?
Mặc dù là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn, với sự hạn chế về cơ sở vật chất hạ tầng và nguồn nhân lực, nhưng thời gian qua Cao Bằng đã quan tâm, dành nhiều đầu tư cho sự phát triển của ngành dịch vụ - du lịch. Hoạt động đầu tư thu hút các dự án xây dựng hạ tầng, phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh được chú trọng...
Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai hoạt động đầu tư, tôn tạo, hợp tác khai thác du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm như Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng biên giới 1950, xây dựng và thu hút đầu tư các dự án: quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén; Đề án/ Dự án các vùng du lịch phụ trợ (điểm Thiêng Qua, Mốc 589; điểm du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô, huyện Bảo Lạc); Dự án Khu du lịch Ngườm Pục; xây dựng điểm vui chơi giải trí, phố ẩm thực tại thành phố Cao Bằng... Đặc biệt, thúc đẩy triển khai Dự án đầu tư tại Khu du lịch thác Bản Giốc do Công ty cổ phần Đầu tư Bản Giốc thực hiện theo Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 2/1/2018 được UBND tỉnh phê duyệt với mục tiêu cung cấp các dịch vụ du lịch, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, thương mại - dịch vụ, với tổng vốn đầu tư cả giai đoạn 2018 - 2023 gần 1.000 tỷ đồng.
Về cơ sở hạ tầng giao thông: nâng cấp hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch như Khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, Khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình; hoàn chỉnh tuyến đường đi bộ vào khu vực Mắt thần Núi (Nậm Chá) ở khu du lịch sinh thái Hồ Thang Hen, huyện Trà Lĩnh theo khuyến nghị của chuyên gia UNESCO...
Để đưa Cao Bằng trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực phía Bắc và cả nước, hướng tới thương hiệu “Du lịch Cao Bằng – xứ sở thần tiên” ngày một lan tỏa rộng rãi trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới, Cao Bằng có định hướng xúc tiến quảng bá ra sao?
Những năm qua, hoạt động tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch Cao Bằng luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Chương trình số 10 của Tỉnh ủy. Tỉnh luôn tích cực phối hợp với các Bộ ngành TW, các cơ quan báo, đài, các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư... đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch, CVĐC toàn cầu Non nước Cao Bằng.
Qua đó, bước đầu thu hút một số nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển du lịch tại Cao Bằng, các công ty lữ hành quan tâm khảo sát tour, tuyến du lịch, đưa khách tới Cao Bằng, lượng khách du lịch tới Cao Bằng ngày càng tăng cao: số lượng khách du lịch tăng từ 19.318 lượt người năm 2000 lên 50.300 người năm 2005, lên 317.176 người năm 2010 và tăng lên 952.680 lượt người năm 2017. Tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch từ 11% năm 2010 lên 14% năm 2015 và 28% năm 2017. Đến 9 tháng năm 2018, số lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 923.730 lượt; tăng 23,6% so với cùng kỳ...
Trong thời gian tới, Cao Bằng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, cụ thể như xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù (Khu cảnh quan thác Bản Giốc); phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc hữu, thủ công mỹ nghệ truyền thống của địa phương phục vụ du lịch; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước về lĩnh vực du lịch - dịch vụ; tập trung xây dựng các ấn phẩm chất lượng phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch (phim tư liệu, phim ngắn, sách ảnh, tờ rơi, bản đồ du lịch,...) và tăng cường các hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch trên mạng truyền thông trong nước và quốc tế, mạng xã hội...
Tăng cường công tác quản lý du lịch bằng ứng dụng số hóa từ cuộc cách mạng 4.0: cung cấp số điện thoại hỗ trợ du lịch, giải quyết khiếu nại du lịch, thông tin địa chỉ khách sạn, nhà hàng, các địa chỉ website đánh giá mức độ hài lòng của du khách, tạo lập và khai thác chức năng trung tâm thông tin du lịch tỉnh thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.
Phối hợp đăng cai tổ chức các sự kiện trong nước và quốc tế như: đăng cai chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ X – 2018; tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐC địa chất toàn cầu; tăng cường quảng bá hình ảnh CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng và du lịch Cao Bằng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, tăng sự hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Tăng cường hợp tác, xúc tiến quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức: tổ chức cuộc thi “Ảnh đẹp công viên địa chất và du lịch Cao Bằng”, phát triển trang thông tin điện tử du lịch Cao Bằng; phối hợp với VNPT Cao Bằng (12/2017), Viettel Cao Bằng (4/2018) tổ chức Lễ ký kết Chương trình hợp tác triển khai các nội dung ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong hoạt động VHTTDL, quảng bá du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng...
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong tỉnh, trong nước và nước ngoài: tham gia các hoạt động liên kết hợp tác theo Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức luân phiên tại tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên; tổ chức và tham gia các chương trình hội thảo, khảo sát tuyến điểm du lịch, gian hàng quảng bá du lịch; kết nối tổ chức các lễ hội, các chương trình du lịch Cao Bằng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Tây...; tăng cường kết nối với các đơn vị báo chí, truyền thông địa phương và trung ương thực hiện tuyên truyền quảng bá về du lịch, CVĐC Cao Bằng...
Xin cảm ơn ông
Đức Xuyên (thực hiện)