Chúng tôi chuẩn bị hành lý “du hành” chinh phục Mẫu Sơn. Từ thành phố Lạng Sơn, xe chúng tôi vượt qua những đoạn đèo quanh co, khúc khuỷu mới lên tới đỉnh Mẫu Sơn. Hai bên đường, thỉnh thoảng hiện ra những khu ruộng bậc thang nằm rải rác, xen lẫn giữa những ngôi nhà đơn sơ của đồng bào người Dao, Nùng, Tày… Lúa đang chín rộ ngả một màu vàng ươm như ráng chiều nơi vùng quê yên tĩnh. Thỉnh thoảng gặp vài thửa ruộng đã gặt, mùi thơm rạ nếp ùa vào xe, như gợi nhớ mùa cốm ở quê tôi. Bản làng lưa thưa thấp thoáng dưới rừng thông trong sương sớm, những cây thông cao vút khoảng 12 năm tuổi cất lên bản nhạc vi vu. Thoáng nhìn, người ta cứ tưởng đây là xứ sở Đà Lạt thứ hai.
Xe chúng tôi chạy chậm lại để có thể ngắm nhìn những bông hoa dại li ti, vàng rực bên đường và tận hưởng không khí trong lành của núi rừng ban tặng. Càng lên cao, không khí mát lạnh, sương giăng giăng, như đưa bước chúng lên với tầng mây. Gần đến đỉnh Mẫu Sơn, bên đường có những ngôi biệt thự cổ kiểu Pháp phủ lớp rêu phong, nằm chơ vơ giữa đất trời. Vừa đi, tôi vừa hình dung về một thế kỷ trước, khi những nhà thám hiểm Pháp lần đầu tiên đặt chân đến đây du thám một Mẫu Sơn rừng thiêng nước độc. Thời đó, người Pháp đã cho xây hơn 40 căn biệt thự bằng đá không cao lớn, sừng sững nhưng vững chãi, nguy nga như viên ngọc quý giữa rừng già. Một thế kỷ thăng trầm đã trôi đi, trước mắt chúng tôi bây giờ chỉ còn lại những ngôi nhà cổ phủ kín rêu, cũ kỹ màu thời gian, bỏ hoang và đang trở thành “phế tích”. Tuy không còn được sử dụng, nhưng những ngôi biệt thự này vẫn thu hút sự chú ý của chúng tôi và nhiều du khách. Đó cũng được coi là một “nét duyên” tô điểm cho vẻ hoang sơ, có chút kiêu hãnh của núi rừng Mẫu Sơn.
Qua một chặng đường dài hơn 30km, chúng tôi đã đến nơi. Đứng trên đỉnh Mẫu Sơn nhìn ra là vẻ đẹp hùng vĩ của núi đồi nhấp nhô, mây trắng bồng bềnh, những nếp nhà thấp thoáng giữa rừng xanh tạo nên quang cảnh tựa chốn bồng lai. Dãy này xếp dãy kia, trập trùng. Nhìn sang bên phải, nơi có nhiều dòng suối chảy từ đỉnh núi xuống để đợi nhau cùng chảy vào sông Kỳ Cùng. Nguồn nước trong trẻo ấy là “nước thiêng” làm nên thương hiệu rượu Mẫu Sơn và chè San Tuyết nổi tiếng từ lâu.
Chúng tôi cùng nhau chụp hình, tuy sương sớm giăng giăng nhưng hình ảnh cũng được các “phó nháy” lưu lại thật hồn nhiên. Nhìn trên đầu, những hạt sương bám đầy như đang thấy mình đã già đi vài tuổi cũng ngồ ngộ. Ngồi xuống một phiến đá ven đường, tôi căng lồng ngực hít một hơi thật dài, thật sâu để luồng không khí mát lạnh, còn ngây ngây mùi sương, mùi gió lan tỏa vào từng tế bào. Càng về trưa, trời hửng nắng, từng đám mây trôi bồng bềnh trên đầu, rừng núi lan tỏa một màu xanh thắm.
Chúng tôi tới khu Linh địa cổ Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.190m so với mặt biển, phân bố trên sườn núi dốc trên dãy Mẫu Sơn. Khu đền cổ và mộ đá trên khu linh địa cổ hiện tồn tại với đầy đủ ý nghĩa của di tích tín ngưỡng tôn giáo, vừa là nơi thờ tự thần núi Mẫu Sơn, vừa là nơi có di tích mộ đá lớn, là biểu tượng của sức mạnh văn hóa thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Tày cổ ở khu vực này.
Bạn tôi cho biết, ngoài du cảnh đỉnh Mẫu Sơn, Linh địa cổ Mẫu Sơn, du khách đến đây còn có thể du cảnh suối Long Đầu, núi Phặt Chỉ và một số địa danh khác. Qua giới thiệu tôi được biết, suối Long Đầu là một trong những thắng cảnh và điểm du lịch sinh thái được nhiều người biết đến của tỉnh Lạng Sơn, và mang những nét rất đặc trưng của thắng cảnh vùng núi Mẫu Sơn. Lòng suối ngổn ngang đá núi nhẵn phẳng như có bàn tay sắp đặt tài tình của tạo hóa. Núi Phặt Chỉ được che phủ bởi thảm cỏ xanh uốn lượn giữa các sườn đồi, xen kẽ những cánh rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú, nhiều loài hoa, có cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi… tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, thoáng đãng và thơ mộng.
Trời dần về chiều, nhiều sương mù và lạnh hơn. Chúng tôi tìm đến quán ăn bên đường để nghỉ ngơi, thư giãn, được chủ quán giới thiệu những món ăn ngon có ở Mẫu Sơn như: gà nướng mật ong, ếch hương, lợn sữa quay, cá hồi Mẫu Sơn, rượu Mẫu Sơn, gà đồi 6 ngón...; đặc biệt, chúng tôi còn được nghe chủ quán giới thiệu rượu men lá - một sản phẩm du lịch không thể thiếu, đã góp phần tạo nên niềm tự hào của người dân Mẫu Sơn.
Chúng tôi ngồi bên nồi lẩu lai rai với chút rượu, thưởng thức món gà đồi Mẫu Sơn, nghe chủ quán trò chuyện. Ông cho biết, nếu du lịch Mẫu Sơn vào tháng 12 đến tháng 2 thì có thể ngắm cảnh tuyết rơi. Tuyết như những bông hoa trắng bay lất phất trong gió Đông thật thích mắt. Hàng năm, nơi đây có 2 lễ hội chính: Liên hoan Du lịch Mẫu Sơn (mùa hè), và Ngày hội Du lịch Mẫu Sơn (mùa đông) với các chương trình văn hóa đặc sắc như: hát dao duyên, múa khèn, nghi lễ cấp sắc của người Dao, các trò chơi dân gian, các hoạt động về ẩm thực, trình diễn mô hình nấu rượu...
Dù vào bất cứ mùa nào trong năm bạn cũng đều có thể cảm nhận được vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng cho thiên nhiên và con người Mẫu Sơn. Mùa xuân đỏ rực với những bông đào nở rộ, mùa hạ dãy núi mộng mơ ẩn hiện dưới lớp sương mù, mùa đông trắng xóa một trời băng tuyết, ngay cả trong những ngày thường Mẫu Sơn cũng đã đẹp một cách hùng vĩ và tráng lệ. Điều này đã làm nên nét đẹp độc đáo và sự hấp dẫn riêng của Mẫu Sơn.
Chia tay bạn ra về, tôi đã có một chuyến du cảnh Mẫu Sơn đầy thú vị!
Ghi chép của Nguyễn Đại Duẫn