Hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2018, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử do Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm đầu tư, kiến trúc sư hàng đầu thế giới Bill Bensley thiết kế, đã bổ sung thêm cho non thiêng Yên Tử một không gian độc đáo mang hồn văn hóa Việt, nét đặc trưng của thời Trần, hòa cùng tinh thần thiền.
Bước qua Tam quan Khai Tâm được thiết kế như một cổng thành thời nhà Trần, được coi như biểu tượng của Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, cũng là nơi đầu tiên du khách đến với trung tâm Khu di tích và danh thắng Yên Tử. Tam quan Khai Tâm mang cảm hứng từ các tam quan truyền thống của người Việt và mẫu kiến trúc ở tháp Huệ Quang với cổng vòm, tường dày, mái ngắn, lợp bằng ngói cánh sen đã sẫm màu thời gian.
Tọa lạc ở vị trí trang trọng nhất của Tam quan Khai Tâm, Gương thiền với hình ảnh “gương soi bóng trúc” thể hiện một cách trực quan sinh động phương châm “soi sáng lại chính mình” giúp du khách cảm nhận một triết lý sâu xa mà gần gũi của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đi qua cổng thành là một không gian văn hóa rộng 16ha chào đón du khách. Quảng trường Minh Tâm với sức chứa 10.000 người, là nơi du khách có thể tham gia vào sự kiện lớn của cộng đồng, cũng là nơi tốt nhất để bao quát toàn cảnh khu Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm và khu vực trung tâm Khu di tích và danh thắng Yên Tử.
Không văn hóa thời Trần được tái hiện rõ nét tại làng Nương dưới chân dãy Yên Tử. Tương truyền khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng về Yên Tử tu hành, nhiều phi tần đã đi theo ngài. Khi đến suối Giải Oan, vua đã truyền chiếu chỉ cho các nàng về quê, nhưng nhiều người vẫn trụ lại dưới chân núi để sinh sống, lập nên làng Nương. Trải qua thời gian, những ngôi làng này dần biến mất.
Nằm dọc theo dòng suối tự nhiên thơ mộng, làng Nương được tái hiện với 50 nếp nhà mộc mạc cùng tường đá ong, tường đất, mái ngói rêu phong trên con đường làng được lát bằng gạch nung già. Từ tổng thể đến từng góc nhỏ, với thiết kế cầu kỳ trong việc lựa chọn và sử dụng vật liệu gỗ, đá, gốm đậm nét đời Trần thế kỷ 13, làng Nương tái hiện không gian đời sống văn hóa xóm làng đặc trưng dưới thời Trần.
Tại làng có khu vực các cửa hàng làng nghề truyền thống - nơi quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, quy trình sản xuất để du khách có thể tham gia trải nghiệm cũng như tương tác trực tiếp với các nghệ nhân; khu vực thuốc Đông y, ẩm thực và trình diễn nghệ thuật thư pháp... Điểm nhấn của làng Nương là ngôi đình nằm ở giữa làng, là trung tâm sinh hoạt cộng đồng và là nơi tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc phục vụ du khách như: hát chèo, hát xẩm, quan họ, tích truyện lịch sử, văn hóa thời Trần…
Cũng tại đây, du khách có thể trải nghiệm sự tĩnh lặng của thiên nhiên và của chính mình bên trong kén ngủ được ví như những “am thiền” tại khu nghỉ 3 sao làng Hành hương Yên Tử, gồm 9 ngôi nhà nằm dọc theo suối Giải Oan với 75 phòng tương ứng với 300 giường (dự kiến cuối năm 2019 sẽ tăng lên 400 giường). Toàn bộ phòng theo phong cách giường tầng (4 giường 1 phòng hoặc 2 phòng connecting 8 giường), với trang thiết bị được thiết kế giản dị, đậm nét tinh thần thiền nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi.
Được lấy cảm hứng từ chợ làng quê xưa của Việt Nam, nhà hàng Chợ Quê nằm ngay trong khuôn viên của làng Hành hương, cùng với nhà hàng Tùng Lâm nằm trên đường ra ga cáp treo, mang phong cách nhà sàn của người dân tộc ở vùng núi phía Bắc, phục vụ thực khách cả ngày với sức chứa tối đa 1.500 người, có dàn nhạc dân tộc phục vụ trong các bữa ăn.
Đến với Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, du khách không chỉ trải nghiệm không gian văn hóa thời Trần mà còn được thưởng thức các sản vật địa phương của tỉnh Quảng Ninh như bánh chưng nếp cẩm, bánh gio, nem chua… cũng như được tham gia vào nhiều dịch vụ khác như học thiền, tập yoga, tìm hiểu văn hóa thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử, khám phá Legacy Yên Tử - Mgallery…
Hạ Tinh