Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh nhận định, thế giới đã bước vào năm thứ ba của đại dịch COVID-19 với xu hướng sống chung với dịch và làn sóng mở cửa toàn cầu sẽ là cơ hội để mở cửa ngành Du lịch. Tuy nhiên, hoàn cảnh hiện tại không chỉ đòi hỏi du lịch thân thiện, mà còn phải đảm bảo an toàn cho du khách và người dân. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp đang rất quan tâm đến việc mở cửa du lịch thế nào cho an toàn, nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng. Bà Lan Anh viện dẫn chính sách thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11/2021 của Việt Nam cũng như dữ liệu phân tích của Google về số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam đầu năm nay tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021 cho thấy thị trường du lịch Việt Nam đã “ấm” dần lên. “Ngành du lịch đang đứng trước cơ hội “vàng” khi Bộ VHTTDL đã chính thức cho phép tất cả các địa phương có đủ điều kiện được thực hiện thí điểm đón khách quốc tế. Diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh” là một trong những chuỗi hoạt động của VCCI đồng hành cũng ngành Du lịch phát triển bền vững; thông qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thành công mục tiêu đón 6 triệu khách du lịch quốc tế tới Việt Nam trong 2022”, Bà Trần Thị Lan Anh khẳng định.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh nhận định, dịch COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Du lịch Việt Nam cần ít nhất 5 năm để phục hồi như khi chưa có dịch. Tổng cục trưởng nhấn mạnh: “Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động cũng như các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Việc dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác các chuyến bay quốc tế từ ngày 15/2/2022 khiến cho ngành Du lịch có những điều kiện thuận lợi tái khởi động”.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đồng thời cho rằng, dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành Du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới. Để tạo “luồng xanh” cho Du lịch Việt Nam phục hồi, cần xác định rõ vấn đề về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; công nhận hộ chiếu vắc xin; nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; nâng cao chất lượng cạnh tranh; xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi. “Du lịch Việt Nam hơn lúc nào hết cần được các Bộ, ngành ủng hộ, các địa phương phối h���p cùng doanh nghiệp du lịch nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế” - Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Diễn đàn “Luồng xanh cho du lịch cất cánh” diễn ra với 2 phiên chính là “Chính sách mở đường” và “Tận dụng thời cơ”. Để thực sự tạo được “luồng xanh” các đại biểu, chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp hết sức thiết thực. Đại diện Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã đề xuất phục hồi chính sách miễn thị thực như trước khi có dịch COVID-19; bãi bỏ yêu cầu cách ly sau nhập cảnh; không hạn chế mục đích nhập cảnh để thực sự mở cửa đón khách quốc tế. Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho rằng, 97% trường hợp lây nhiễm là trong nước, chỉ có 3% là từ người nhập cảnh. Do đó, cần mạnh dạn mở cửa du lịch để thực hiện mục tiêu kép; tuy nhiên, thực hiện phải dựa trên cơ sở năng lực ứng biến, nới lỏng nhưng không buông lỏng, chú ý vấn đề dự phòng cá nhân và phòng bệnh trong du lịch.
Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines Nguyễn Quang Trung cho rằng, với quy định hiện tại thì sau ngày 15/3 cũng sẽ khó thu hút khách. Ông Nguyễn Quang Trung viện dẫn, hiện nay khách Việt Nam sang nước ngoài cần có xét nghiệm âm tính khi trở lại Việt Nam khiến không ít du khách có tâm lý lo ngại, hay khách nước ngoài đến Việt Nam thì băn khoăn họ sẽ chữa trị ở lại Việt Nam như thế nào, chi phí chữa trị nếu họ dương tính. Ông Nguyễn Quang Trung cũng kiến nghị việc tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam – điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, quảng bá ở quy mô quốc gia, tổng thể lớn hơn, dài hơn; đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình hộ chiếu vắc xin phù hợp quy mô toàn cầu; phổ biến rộng, đơn giản các quy định, thủ tục đối với khách du lịch quốc tế; phối hợp chuỗi Hàng không – Du lịch để xây dựng lộ trình phát triển dài hơn; triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu hành khách giữa các hàng không, khách sạn, công ty du lịch.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành TCDL Nguyễn Quy Phương chia sẻ, các vấn đề về thị trường, xu hướng du khách, nhu cầu và quan tâm của du khách đã thay đổi về mặt sản phẩm, các phương thức tham gia du lịch… Các doanh nghiệp phải nắm bắt ngay các xu thế này, để có phương án marketing phù hợp, có các sản phẩm hấp dẫn với nhu cầu thay đổi của du khách. Ngành Du lịch đã chuẩn bị phương án mở cửa du lịch đảm bảo việc an toàn phòng chống dịch, áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, đồng thời tạo thuận lợi hết mức cho các cơ quan, doanh nghiệp du lịch và du khách. Cần sự vào cuộc của các địa phương, tạo sự liên kết của doanh nghiệp, đưa ra sản phẩm đồng bộ, an toàn.
Đại diện VCCI cũng ghi nhận các đề xuất liên quan đến vấn đề an toàn, khai thông tuyến vận chuyển, tạo điều kiện bình thương mới, công nhận hộ chiều vắc xin, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung hỗ trợ du lịch nội địa phát triển, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, xây dựng lại thị trường lao động, cần có bộ phận chuyên môn hỗ trợ giám sát việc triển khai các chính sách phục hồi du lịch, đầu tư phát triển công nghệ. Các vấn đề còn vướng mắc sẽ tiếp tục được VCCI đề xuất các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ để sớm tạo luồng xanh cho du lịch khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế.
Phước Hà