Chương trình có sự tham dự của Đại sứ Pranay Verma, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội; ông R. O. Sunil Babu Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh; ông Rakesh Verma, Tổng Thư ký Bộ Du lịch Ấn Độ và ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Bodh Gaya nằm ở quận Gaya của Bihar Ấn Độ, là nơi Đức Phật đã thiền định 49 ngày dưới gốc cây bồ đề và giác ngộ ra giáo lý của nhà Phật, cũng là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Ấn Độ.
Ông Nangzey Dorjee Ban Thư ký Ban Quản lý Đền Chùa tại Bodh Gaya cho biết, Thành phố này vốn sở hữu hàng chục nhà thờ Phật giáo lớn nhỏ, các trung tâm thiền định, các khóa học về Phật giáo hay các khóa tu ngắn và dài hạn, Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) là địa điểm linh thiêng nhất.
Ngày nay, Bồ Đề Đạo Tràng là địa điểm du lịch nổi tiếng quốc tế. Đây là một Di sản văn hóa Ấn Độ cổ kính với một ngôi chùa sống có tầm quan trọng liên quan đến cuộc đời của Đức Phật được UNESCO công nhận. Địa điểm chính mà khách du lịch quan tâm ở Bodh Gaya là Quần thể đền Mahabodhi với cây Bồ đề Thánh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2002. Phần lớn du khách đến Bodh Gaya là khách hành hương và họ đến không chỉ để tham quan hay tìm kiếm sự ban phước của ngôi đền mà họ còn đến với mục đích thực hiện các lễ cầu nguyện, thực hành thiền định và tham quan cử hành các nghi thức lễ hội Phật giáo.
“Trong 2 năm 2020 và 2021, các ngôi đền vắng bóng du khách, người hành hương do đại dịch COVID-19. Trước đây, vào mùa cao điểm của khách du lịch, khách hành hương ở Bodh Gaya là từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Hiện chúng tôi mong muốn sớm khai trương các chuyến bay quốc tế đến sân bay quốc tế Gaya và hy vọng với việc xuất phát từ Việt Nam, các tín đồ Phật giáo từ khắp nơi trên thế giới sẽ thuận lợi hơn khi đến Ấn Độ và thăm Bồ Đề Đạo Tràng, vùng đất của sự giác ngộ, hành hương và các địa điểm văn hóa và lịch sử Phật giáo khác được kết nối ở Ấn Độ”. Ông Nangzey Dorjee bày tỏ.
Tại sự kiện, ông Rakesh Verma, Tổng Thư ký Bộ Du lịch Ấn Độ đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam đã tổ chức sự kiện du lịch - “Bodh Gaya - Hành trình tâm linh”. Ấn Độ và Việt Nam có mối liên hệ lịch sử và văn hóa lâu đời hàng thế kỷ, tạo nền tảng cho sự hiểu biết sâu sắc. Điều này cũng tạo động lực cho du lịch giữa hai nước duy trì kết nối. Di sản Phật giáo phong phú của Ấn Độ là một điểm thu hút lớn đối với những du khách đến từ Việt Nam.
“Ấn Độ cũng như các nước trên thế giới, đang phải chiến đấu với đại dịch COVID-19. Đến nay, Ấn Độ đã hoàn thành tiêm chủng hơn 1,78 tỷ liều vaccin. Chúng tôi đã ưu tiên cho lực lượng lao động du lịch và các điểm du lịch trong chương trình tiêm chủng của chúng tôi. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ du lịch, nhân viên khách sạn và các điểm đến của chúng tôi hiện đã được tiêm phòng đầy đủ”. ông Rakesh Verma cho biết thêm.
Thông tin về du lịch Việt Nam và quan hệ du lịch Việt Nam - Ấn Độ, đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Trần Phong Bình Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch cho biết, năm 2019, Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018, khách nội địa trên 85 triệu lượt. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, khách nội địa là 56 triệu lượt và đến năm 2021, khách nội địa là 40 triệu lượt. Trao đổi khách du lịch từ Việt Nam đến Ấn Độ năm 2016 là trên 16 nghìn lượt, đến năm 2018 tăng lên trên 31 nghìn lượt và ngược lại khách từ Ấn Độ đến Việt Nam năm 2016 là hơn 85 nghìn thì đến năm 2019 tăng lên gần 169 nghìn lượt. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai mở cửa lại và phục hồi du lịch trong điều kiện bình thường mới từ 15/3 mà vẫn đảm bảo phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; tập trung tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam’’ đối với các thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường du lịch nội địa.
Về quan hệ hợp tác du lịch giữa hai nước, Tổng cục Du lịch và Bộ Du lich Ấn Độ đã ký Hiệp định Hợp tác Du lịch năm 2001; Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Du lịch giữa ASEAN và Ấn Độ năm 2012.
Về kết nối Hàng không, INDIGO đã mở đường bay nối Kolkata đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ tháng 10/2019; Vietjet Air khai trương đường bay thẳng từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến Delhi và Mumbai năm 2020.
Về xúc tiến du lịch, Việt Nam đã tham gia Triển lãm Toàn cầu về Dịch vụ (GES), Thương mại Du lịch và Lữ hành Quốc tế, Triển lãm (SATTE 2018), Siêu thị Du lịch Ấn Độ (ITM 2018); Tổ chức Roadshow Việt Nam tại Delhi, Chennai, Hyderabad, Bangalore, Mumbai, Bhubaneswar...
Trong thời gian tới, ông Trần Phong Bình đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác phổ biến du lịch an toàn từ hai phía; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích du khách tham quan trong việc trao đổi khách; mở lại các chuyến bay nối các trung tâm du lịch Việt Nam và Ấn Độ; hỗ trợ nhau tổ chức các hoạt động Roadshow và đưa ra các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách từng nước...
Gia Hiếu