Theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, việc yêu cầu khách du lịch không được rời nơi lưu trú trong vòng 72 giờ là quá bất tiện cho khách, vì như vậy thì mở cửa toàn bộ nhưng không khác gì chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ trước giờ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mục đích của du lịch là để du khách có được sự trải nghiệm thú vị, thỏa sức tham quan, mua sắm, tận hưởng dịch vụ, và có cảm giác thoải mái, thư giãn… để tái tạo nguồn năng lượng tích cực. Thiết nghĩ, không du khách nào bỏ thời gian và tiền bạc đi du lịch ở một quốc gia mà có nhiều điều kiện ràng buộc. Thay vào đó, họ sẽ chuyển hướng tìm hiểu và lựa chọn điểm đến ở các quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho du khách hơn.
Việc thắt chặt quy định nhập cảnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức hút của du lịch Việt Nam và khiến tốc độ phục hồi ngành du lịch sẽ chậm lại. So sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia đã hoàn toàn mở cửa (khách du lịch đã tiêm vaccine, chỉ cần test nhanh trước khi nhập cảnh), Philippines cũng hoàn toàn dỡ bỏ các rào cản nhập cảnh… Có thể thấy rằng các nước trong khu vực đều đang gấp rút để mở cửa nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch. Nếu Việt Nam tiếp tục thắt chặt sẽ khiến nước ta bỏ lỡ cơ hội vàng trong quá trình thúc đẩy phục hồi ngành du lịch và cả ngành kinh kế.
Nếu Việt Nam mở cửa đúng như kế hoạch vào ngày 15/3 tới đây và áp dụng chấp nhận hình thức test PCR hoặc test nhanh trước khi nhập cảnh Việt Nam; sau khi nhập cảnh thì khách di chuyển về khách sạn hoặc nơi lưu trú và tiếp tục test nhanh, không được rời khỏi nơi cư trú trong vòng 24 giờ. Sau đó có kết quả âm tính thì đi du lịch bình thường, thì tôi cho rằng Vietravel nói riêng và các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam nói chung sẽ có cơ hội đón các đoàn khách quốc tế từ cuối tháng 4/2022.
Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ Thông tin BenThanh Tourist chia sẻ, BenThanh Tourist thấu hiểu và tán đồng quan điểm phải cẩn trọng để bảo vệ sức khỏe của du khách nói riêng và người dân nói chung nếu Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế từ ngày 15/3 tới đây. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho ngành du lịch phục hồi sau 2 năm liền đóng băng thì các quy định cần được linh hoạt và cởi mở hơn. Thay vì yêu cầu du khách quốc tế phải test nhanh và không được rời khỏi nơi lưu trú trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, chúng ta có thể quy định khách khi nhập cảnh phải xét nhiệm SARS-CoV-2 bằng PCR với kết quả âm tính. Với các chương trình tour dài ngày, ví dụ tour 6 ngày trở lên thì ngày thứ 3, công ty du lịch và khách sẽ test lần nữa để kiểm tra, nếu trong đoàn có khách dương tính sẽ được tách ra chăm sóc đặc biệt và các chi phí sẽ được nhà tổ chức tour phối hợp cùng các dịch vụ bảo hiểm hoàn trả cho khách.
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group cũng bày tỏ sự không đồng tình với phản hồi của Bộ Y tế. Theo ông Hà, việc chính sách không nhất quán, tranh cãi quá nhiều với các đề xuất, dự thảo đang đánh mất những cơ hội lớn của Việt Nam trong việc thu hút khách quốc tế. Vì thế, khi Việt Nam chính thức mở cửa các hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới từ ngày 15/3 tới chắc sẽ khó thành công bởi chính doanh nghiệp cũng không biết thông báo thế nào với đối tác và du khách.
Đồng quan điểm trên, ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, cho hay với chính sách hiện nay, giá thành của các sản phẩm du lịch tăng lên rất nhiều vì chi phí xét nghiệm COVID-19 và phòng chống dịch. Đơn cử như một tour quốc tế vào Việt Nam thì mỗi khách ít nhất phải test PCR ba lần, một lần trước khi vào, một lần sau 3 ngày, một lần trước khi họ rời Việt Nam. Chi phí này rất tốn kém và còn tốn thời gian, khâu hậu cần...
Được biết, phương án mở cửa du lịch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ. Trong đó, nhiều quy định được kiến nghị giữ nguyên như trong phương án đón khách trước đó đã đề xuất, thay vì thuận theo một số góp ý thắt chặt của Bộ Y tế ngày 26/2.
Điều kiện để khách du lịch được đến Việt Nam là có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ trước khi "xuất cảnh", thay vì "nhập cảnh" như Bộ Y tế đề xuất. Chứng nhận tiêm vaccine đủ mũi hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh được giữ nguyên.
Văn bản nêu quy định này là phù hợp với thực tế vì khách ở thị trường xa có đường bay dài, hoặc gặp trường hợp bất khả kháng có thể nhập cảnh chậm. Các ý kiến của Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đồng ý nội dung này.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị du khách trong vòng 24 giờ đầu về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm nCoV. Khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường biển, đường sắt xét nghiệm ngay tại cửa khẩu. Những người âm tính được tham gia các hoạt động du lịch, không cần chờ đợi thêm.
Văn bản cũng nêu rõ quy định này hướng đến sự bình đẳng cho khách du lịch, không phân biệt quốc tế, nội địa và tạo thuận lợi để hút khách đến Việt Nam. Trước đó, Bộ Y tế có ý kiến du khách bắt buộc ở lại nơi lưu trú trong 24 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh và 72 giờ không nên rời khỏi nơi lưu trú, nếu muốn rời đi phải có xét nghiệm nCoV hàng ngày.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất sớm khôi phục chính sách thị thực như trước COVID-19; thống nhất áp dụng PC-Covid xong cần hoàn thiện ứng dụng để hỗ trợ du khách. Ngoài ra, cần hoàn thiện và cấp "chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19" để người Việt Nam du lịch nước ngoài.
Phương án đón khách chính thức sẽ được Chính phủ phê duyệt trước khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3.
Nhâm Hiền